Chưa tìm được tiếng nói chung
Thủ tướng Anh Boris Johnson đã yêu cầu EU đưa ra câu trả lời chi tiết cho kế hoạch Brexit mới nhất của mình. Theo ông, London đã đưa ra những lời đề nghị hào phóng, công bằng và hợp lý cho Brussels.
“Bây giờ chúng tôi muốn biết các ngài nghĩ gì về chúng (những lời đề nghị -ND). Nếu các ngài gặp vấn đề với bất kỳ đề xuất nào của chúng tôi, hãy xem xét chi tiết và thảo luận về chúng”, ông Boris Johnson tuyên bố.
Ở đây, Thủ tướng Anh nói về sáng kiến của chính quyền trong việc hoạch định biên giới giữa Bắc Ireland và Ireland - trở ngại chính trong các cuộc đàm phán giữa London và Brussels về Brexit.
Ông Johnson đã đề xuất một giải pháp thay thế cho cái gọi là back-stop, theo đó Bắc Ireland sẽ tạm thời nằm trong khuôn khổ của hệ thống thị trường và hải quan duy nhất của Liên minh châu Âu sau khi Vương quốc Anh rời khỏi EU.
Kế hoạch của Thủ tướng Anh dành cho Bắc Ireland một thời gian dài trong hệ thống này, đến khi London và Brussels đồng ý về một giải pháp tin cậy để bảo đảm tính minh bạch của biên giới giữa khu vực và Ireland.
Tuy nhiên, sáng kiến của ông Johnson đã được đón nhận một cách lạnh lùng ở EU, đặc biệt, người đứng đầu Hội đồng châu Âu Donald Tusk lưu ý rằng, các đề xuất mới của London không thuyết phục được Brussels. Ông Donald Tusk cũng nói thêm rằng, EU vẫn đang mở cho các cuộc đàm phán với Vương quốc Anh.
Chìm trong chia rẽ
Thủ tướng Boris Johnson và người tiền nhiệm Theresa May. Ảnh: AP |
London có ít thời gian hơn để thảo luận về các chi tiết của thỏa thuận với Brussels. Cụ thể, Hội nghị Thượng đỉnh EU, nơi các nước thành viên có thể phê duyệt những thay đổi do Vương quốc Anh đề xuất, sẽ bắt đầu vào ngày 17/10 và việc rút London khỏi Liên minh châu Âu dự kiến vào ngày 31/10.
Sự không chắc chắn xung quanh Brexit và sự thiếu đồng thuận đã ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình chính trị nội bộ ở Anh. Trong những tháng gần đây, cuộc tranh luận sôi nổi về lựa chọn rút London khỏi Liên minh châu Âu đã không dừng lại trong không gian chính trị của đất nước này.
Ngay từ khi còn là ứng cử viên Thủ tướng, Boris Johnson đã hứa sẽ thực hiện Brexit bằng mọi giá, nếu cần thiết ngay cả khi không có thỏa thuận với Brussels. Theo các nhà phân tích, tuyên bố của ông Johnson không khác gì đổ dầu vào lửa. Những rủi ro kinh tế và chính trị có thể xảy ra khi London rút khỏi EU mà không có thỏa thuận khiến các đại diện phe đối lập trong Quốc hội Anh đặc biệt quan tâm. Các nghị sĩ đã phản đối giải pháp “Brexit cứng” có thể và cố gắng ngăn Thủ tướng Anh thực hiện bước đi này.
Cuộc đối đầu của các đảng đã lên đến đỉnh điểm vào đầu mùa thu, khi ông Boris Johnson buộc Quốc hội phải nghỉ đến giữa tháng 10 với sự đồng ý của Nữ hoàng Anh Elizabeth II. Nhiều nghị sĩ phe đối lập đã cáo buộc ông Johnson ngăn chặn công việc của Quốc hội nhằm thúc đẩy Brexit mà không cần thỏa thuận.
Để ngăn chặn quyết định được cho là liều lĩnh của Thủ tướng, các nghị sĩ đã nhanh chóng thông qua dự luật buộc ông Johnson phải đạt được thỏa thuận với Brussels trước ngày 19/10 hoặc hoãn việc rút London khỏi EU.
Dự luật này đã nhận được sự hỗ trợ của cả một số nghị sĩ của đảng cầm quyền, khiến họ bị loại khỏi Tories. Tuy nhiên, nó không phải là một sự đảm bảo 100% đối với “Brexit cứng”. Cho rằng Brussels có thể từ chối gia hạn việc Anh rời khỏi EU, London ban đầu được cho là rời Liên minh châu Âu vào ngày 29/3/2019, nhưng được hoãn lại đến tháng 5 và sau đó đến ngày 31/10.
Thoát mà… khó thoát
Việc tổ chức cuộc trưng cầu dân ý tiếp theo về Brexit để có câu trả lời cuối cùng từ người dân Anh có thể được coi là một giải pháp. Theo Thủ tướng Ireland Leo Varadkar, một động thái như vậy sẽ ngăn London rời khỏi EU.
Theo các cuộc thăm dò mới nhất của YouGov, 58% người Anh ủng hộ tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý như vậy trong trường hợp không có thỏa thuận giữa London và Brussels.
Các nghị sĩ Anh có thể đồng ý tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý mới. Tuy nhiên, một biện pháp như vậy cũng có thể dẫn đến bước ngoặt bất ngờ nếu người dân Anh ủng hộ bất kỳ kịch bản Brexit nào mà Thủ tướng Johnson đưa ra.
Khả năng tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý mới phụ thuộc hoàn toàn vào phe đối lập trong Quốc hội Anh, những người đại diện cho “đa số làm việc”, có tính đến các đại biểu đã bị trục xuất khỏi đảng cầm quyền. Vào đầu tháng 9, Chủ tịch Công Đảng Corbin đã yêu cầu ông Johnson trình kế hoạch về Brexit của mình để tiến hành một cuộc bỏ phiếu toàn dân. Đề xuất này được ủng hộ bởi 47% số người được YouGov hỏi.
Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, khả năng một cuộc bỏ phiếu mới sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến các chính trị gia, những người ủng hộ quyết định này. Theo Giám đốc Trung tâm Thông tin châu Âu Nikolai Topornin, người dân Anh ban đầu đã bỏ phiếu rời khỏi Liên minh châu Âu và việc tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý khác khiến họ phật ý.
Ông Topornin nhấn mạnh thêm, các tuyên bố về trưng cầu dân ý và các hành động chính trị cho việc tổ chức trưng cầu dân ý là những điều hoàn toàn khác nhau. Nếu tiến hành trưng cầu dân ý, Anh sẽ mất khoảng 9 tháng để chuẩn bị và do đó, cần phải yêu cầu Brussels hoãn Brexit thêm 1 năm nữa. Liệu EU có đồng ý với giải pháp này?
Hiện tại, rất khó để có thể dự đoán tình hình xung quanh Brexit và ông Johnson sẽ diễn ra như thế nào. Thủ tướng đã có 10 ngày chuẩn bị trước khi bắt đầu Hội nghị Thượng đỉnh EU. Điều này rất quan trọng vì chính các nhà lãnh đạo của các nước EU có thể phê chuẩn hoặc từ chối kế hoạch mới của Thủ tướng Anh. Tuy nhiên, kể cả khi EU phê chuẩn thì cũng chỉ là một nửa công việc, bởi các đề xuất của ông Johnson vẫn phải được Quốc hội Anh chấp thuận. Chính ở bối cảnh này, người tiền nhiệm Theresa May đã thất bại - bà không thể chấp thuận thỏa thuận với EU tới 3 lần và cuối cùng đã từ chức.
Brexit - một câu chuyện dài kỳ, vô cùng rắc rối sẽ kéo dài đến bao giờ?