Tiếp tục “bao cấp” văn học, nghệ thuật?

GD&TĐ - Tại lễ tổng kết năm 2018, nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam vui mừng thông báo: Kinh phí cho các cấp hội và văn nghệ sĩ vẫn được Nhà nước hỗ trợ.   

Văn học, nghệ thuật là sản phẩm tinh thần trong đời sống xã hội và cần được trân trọng
Văn học, nghệ thuật là sản phẩm tinh thần trong đời sống xã hội và cần được trân trọng

Trong khi đó, Đề án Cải tiến phương thức hoạt động các hội của Bộ Nội vụ hướng tới mục tiêu hoạt động tự nguyện, tự chịu trách nhiệm, tự trang trải (không có biên chế, trụ sở và ngân sách hỗ trợ)…

Cần “bầu sữa” Nhà nước

Theo nhà thơ Hữu Thỉnh: 2018 là năm Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam (Liên hiệp) gặt hái được nhiều thành công nhưng cũng nhiều thử thách. Đất nước phát triển thuận lợi nhưng chúng ta thì khó khăn vô cùng, đến mức bị đặt vào tình thế “tồn tại hay không tồn tại”, ông Hữu Thỉnh nói.

Những khó khăn mà ông Thỉnh đề cập liên quan tới Đề án Cải tiến phương thức hoạt động các Hội văn học nghệ thuật của Bộ Nội vụ nếu được triển khai vào thực tế. Theo ông Thỉnh phân tích, đề án chỉ tập trung vào đổi mới phương thức hoạt động tập trung vào mô hình xã hội hóa, để văn nghệ sĩ tự nguyện, tự chịu trách nhiệm, tự trang trải sẽ bất cập và không phát huy được tài năng của văn nghệ sĩ.

So sánh giữa cái được và cái mất, ông Hữu Thỉnh cho rằng, nếu xóa bỏ “bao cấp”, Nhà nước chỉ tiết kiệm được 85 tỉ đồng mỗi năm nhưng lại mất đội quân 4 vạn người là những “chiến sĩ giữ vững trận địa văn hóa tư tưởng của đất nước”, “mất cả đội ngũ bao năm gắn bó với đất nước, với cách mạng và sáng tạo ra đời sống tinh thần cho nhân dân”.

Tâm tư và tâm huyết của người đứng đầu Liên hiệp đã nhận được nhiều ý kiến khác nhau.

Nêu quan điểm về vấn đề này, nhà thơ Đỗ Thị Tấc – nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Lai Châu khẳng định: “Việc Chủ tịch Hữu Thỉnh đòi hỏi kinh phí hỗ trợ hoạt động của anh em văn nghệ sĩ và các hội chuyên ngành, các Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật địa phương là rất nhân văn.

Song trên thực tế, nguồn kinh phí 85 tỷ đồng mà người đứng đầu Hội Nhà văn Việt Nam nói đến mới đạt mục đích nuôi bộ máy hành chính của các cấp hội và hội chuyên ngành là chính chứ chưa đạt được hiệu quả trong đầu tư chiều sâu.

Trong số 4 vạn “chiến sĩ” không phải ai cũng thực sự có tài để sản sinh ra tác phẩm đỉnh cao đâu. Vì vậy, nên có sự tinh giản để “tiết kiệm” ngân sách nuôi bộ máy quản lý các cấp hội, đầu tư cho văn nghệ sĩ một cách trọng tâm, trọng điểm, tránh cào bằng, dàn trải.

Không ai phải nuôi văn nghệ sĩ

Nhà văn Vũ Xuân Tửu, tác giả của tiểu thuyết “Đinh Tiên Hoàng”được trao giải chuyên ngành Hội VHNT các dân tộc thiểu số Việt Nam, chia sẻ: Các văn nghệ sĩ đều tự thân “vận động” trong hành trình làm nghệ thuật. Tôi đang viết tiểu thuyết Võ Nguyên Giáp, phải chuẩn bị tư liệu 5 năm và đi khảo sát 70 địa danh trong toàn quốc, chi phí bỏ ra cả trăm triệu đồng. Mặc dù được nhiều gợi ý hỗ trợ nhưng tôi đều từ chối.

Từ chối nhận tiền hỗ trợ là việc nhiều nhà văn, nhiều nghệ sĩ đã làm chứ không riêng gì tôi. Thời trước Thạch Lam, Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố, Nam Cao… viết văn, tự kiếm sống, chẳng có hội/đoàn nào nuôi hay hỗ trợ mà vẫn có tác phẩm để đời. Thế nên, văn nghệ sĩ thực sự coi sự hỗ trợ như hương hoa thôi, không có tiền đó chúng tôi vẫn sáng tác, sáng tạo.

“Ngay cả khi được mời tham gia trại sáng tác, do thói quen làm việc và cá tính sáng tạo, nhiều cây viết, họa sĩ, nhạc sĩ vẫn từ chối. Trong hàng nghìn người BTC chỉ chọn ra 15 người và đài thọ mọi sinh hoạt chứ không phải ai muốn tham gia cũng được “đi trại”. Tuy vậy, tôi vẫn rất tán thành việc mở các trại sáng tác và hỗ trợ kinh phí sáng tạo cho các văn nghệ sĩ cao tuổi và thu nhập thấp”, nhà văn Vũ Xuân Tửu cho biết.

Với mong muốn góp phần bảo tồn “không gian văn hóa Thái”, thực hiện tác phẩm “Lời tiễn hồn người chết lên trời” nhà thơ Đỗ Thị Tấc phải xâm nhập, tìm hiểu thực tế, phóng xe máy ròng rã đi khắp nơi, vào tận các bản làng, “ba cùng” với đồng bào Thái.

“Nếu đó không phải là miền văn hóa tôi yêu và mang lại cho tôi một cuộc đời khác để sống thì tôi đã không đổ vào đó hơn hai mươi năm trời. Tôi đâu có chờ đến lúc được hỗ trợ tiền mới bắt tay làm. Tuy nhiên, ở công đoạn cuối, nhờ có sự hỗ trợ của Hội, tôi đã thuận lợi hơn khi cho “đứa con tinh thần” của mình chào đời”, nhà thơ Đỗ Thị Tấc chia sẻ.

Trong khi đó, một số nhà văn tên tuổi cho rằng, trên thế giới, người ta nuôi sự sáng tạo một cách sang trọng khi trao giải thưởng Nobel, Pulitzer. Văn nghệ sĩ không ai được Nhà nước bao cấp cả nhưng vẫn có nhiều tác phẩm đỉnh cao.

Một nền văn nghệ mà được Nhà nước nuôi thì tất sẽ rơi vào tính chất “ăn bánh của ai ca bài ca của người đó”, khó “lành mạnh” được. Tình trạng “bao cấp” trong xã hội ta lâu nay quen vận hành cái cơ chế “xin - cho” nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến cách điều hành và hoạt động của nhiều tổ chức nghề nghiệp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

TIN BUỒN

TIN BUỒN

GD&TĐ - Gia đình chúng tôi vô cùng thương tiếc báo tin: