Công an TPHCM vừa khởi tố vụ án, bắt tạm giam 33 bị can để điều tra về hành vi đưa hối lộ, môi giới hối lộ, nhận hối lộ và giả mạo trong công tác, xảy ra tại 9 Trung tâm Đăng kiểm cơ giới thuộc một số tỉnh phía Nam.
Theo cơ quan điều tra, các trung tâm này đã bỏ qua nhiều lỗi của 70 nghìn phương tiện xe cơ giới khi đến đăng kiểm. Đổi lại, các chủ xe đã hối lộ cho nhân viên và lãnh đạo các trung tâm này với số tiền trên 10 tỉ đồng.
Thực ra, so với các đại án tham nhũng thì số tiền 10 tỉ chia cho 9 trung tâm với 70 nghìn xe thì không quá lớn, song hậu quả từ những việc làm tại các trung tâm đăng kiểm này thì rất khó lường. Vì nó gián tiếp tiếp tay cho các vụ tai nạn giao thông từ những chiếc xe không đảm bảo kỹ thuật và sự an toàn khi tham gia giao thông.
Với 70 nghìn xe không đảm bảo kỹ thuật như mòn lốp, hệ thống thắng không đảm bảo, xịt khói mù trời… mà chạy trên đường hằng ngày thì khác nào mang họa cho người đi đường! Tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào từ những chiếc xe đã được “kiểm định đểu” như thế.
Đáng lưu ý là, trong số 9 trung tâm đăng kiểm nói trên thì có đến 5 trung tâm do bị can Trần Lập Nghĩa làm Giám đốc, rải đều ở 5 tỉnh Long An, Bến Tre, Sóc Trăng, Tiền Giang và Đồng Tháp với 50 nghìn phương tiện được xác định bỏ qua các lỗi vi phạm.
Theo cơ quan điều tra, ông Nghĩa đã có hành vi giả mạo vị trí công tác, cố ý hợp thức hóa công việc của các đăng kiểm viên và giả chữ ký của họ để ký vào các giấy tờ liên quan đến đăng kiểm.
Kể từ khi có Nghị định 139/2018 về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới (có hiệu lực từ ngày 1/1/2019), các trung tâm đăng kiểm mọc lên khá nhiều ở hầu hết các tỉnh.
Với cơ chế xã hội hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đăng kiểm, nhiều trung tâm ra đời đã góp phần quan trong giúp Nhà nước quản lý trong lĩnh vực này. Đây là những mặt tích cực cần được ghi nhận.
Tuy nhiên, để tồn tại và hoạt động có lãi, bên cạnh việc đầu tư nâng cấp các hệ thống thiết bị máy móc hiện đại giúp kiểm định tốt hơn, thái độ phục vụ tận tình của nhân viên để thu hút khách hàng, không ít những trung tâm đã làm ăn gian dối, tìm mọi cách để làm “hài lòng” khách đến đăng kiểm bằng việc cho qua những lỗi nguy hiểm, đe dọa đến sự an toàn khi tham gia giao thông.
Các trung tâm đăng kiểm xuất hiện ngày một nhiều khiến cho việc quản lý về mặt chuyên môn từ cơ quan chức năng không thường xuyên và đầy đủ. Giám sát các hoạt động của những trung tâm đăng kiểm là Cục Đăng kiểm Việt Nam thông qua hình thức trực tiếp hoặc qua hệ thống camera trực tuyến, phúc tra kết quả kiểm định nhưng do quá nhiều đầu mối, việc giám sát không đầy đủ nên đã xuất hiện những kẽ hở để một số trung tâm đăng kiểm lợi dụng làm bừa, làm ẩu như 9 trung tâm đăng kiểm vừa nêu.
Chưa có số liệu thống kê là có bao nhiêu trong 70 nghìn phương tiện đã được cấp phép “an toàn” kia đã gây tai nạn cho người tham gia giao thông thời gian qua nhưng việc “tiếp tay” để gây tai nạn như thế là rất đáng lên án.