Gìn giữ, phát huy những di sản này trong cuộc sống đương đại là nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết nhưng cũng không kém phần phức tạp, nan giải.
Nhiều di sản cần được hỗ trợ
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 936/QĐ-TTg ngày 30/6/2017 phê duyệt Chương trình mục tiêu phát triển văn hóa 2016 - 2020 với nhiều phần việc cụ thể, trong đó có nội dung: Hỗ trợ tu bổ, tôn tạo tổng thể 20 di sản văn hóa thế giới, di tích quốc gia đặc biệt và một số di tích quốc gia có giá trị tiêu biểu; tu bổ cấp thiết 400 lượt di tích quốc gia… với tổng số vốn đầu tư lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Đây là quyết định đúng đắn, kịp thời trong thời điểm Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa giai đoạn 2011 - 2015 vừa kết thúc và danh sách di sản cần được hỗ trợ, “tiếp sức” vẫn còn rất dài.
Nếu nhìn vào một lượng lớn di tích cấp quốc gia, cấp TP, di sản thế giới đang xuống cấp mới thấy đề xuất trên hoàn toàn hợp lý. Có thể kể đến Phu Văn Lâu (Quần thể di tích Cố đô Huế) sập mái; nhà trăm tuổi (phố cổ Hội An) mục nát; tháp Chăm (khu đền tháp Mỹ Sơn, Quảng Nam) mủn vỡ… là thực trạng của nhiều di sản văn hóa thế giới hiện nay.
Theo thống kê từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trong 5 di sản văn hóa thế giới ở nước ta, ngoài di sản Thành nhà Hồ (huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa) còn bảo tồn được gần như nguyên vẹn quy mô kiến trúc, các di sản còn lại đều cần có sự “tiếp sức” đồng bộ và dài hạn để bảo vệ và phát huy toàn vẹn giá trị bản sắc gốc.
Nhiều di tích có hàng trăm đến nghìn năm tuổi đang trong tình trạng xuống cấp như: Chùa Phúc Lâm, chùa Nả (Ba Vì); đình Thần Quy, chùa Cổ Chế (Phú Xuyên); Lăng mộ Quận công Phạm Mẫn Trực (Thường Tín), “Đền thờ Đức Trần Triều (huyện Mỹ Đức) nhiều chỗ bị thấm dột nặng, một số hạng mục trong nội tự xuống cấp nghiêm trọng, rất nguy hiểm, có nguy cơ bị sập bất cứ lúc nào...”. Đây là vấn đề nan giải, không thể giải quyết trong một sớm, một chiều.
Giữ gìn tính nguyên gốc cho di sản
Việc bảo tồn, trùng tu, tôn tạo các di tích đòi hỏi phải có nguồn kinh phí lớn, trong khi đó ngân sách của các địa phương, đặc biệt là ở cấp xã quá eo hẹp, mức thu nhập của người dân thấp, việc đóng góp tiền bạc để trùng tu, tôn tạo di tích gặp rất nhiều khó khăn. Công tác xã hội hóa, kêu gọi sự ủng hộ, đóng góp còn hạn chế.
Nhiều địa phương dù đã cơ bản làm tốt công tác quản lý, tuy vậy, do không có kinh phí đầu tư tôn tạo, sửa chữa nên đành “xót xa” nhìn nhiều di tích đang ngày ngày bị thời gian bào mòn.
Thực trạng “mới hóa di tích”, trùng tu “đầu cua tai nheo”, “râu ông nọ cắm cằm bà kia” thực sự đã không còn xa lạ những năm qua. Nhà nghiên cứu Trần Lâm Biền nhiều lần thể hiện nỗi bức xúc về những di tích bị biến dạng sau trùng tu thời gian qua: “Không thể đua nhau lấy cái bằng về tu bổ, tôn tạo di tích là được, mà phải thực sự yêu di sản mới có thể làm những điều tốt nhất cho di sản. Giữ gìn cho di sản tính nguyên gốc, tức là đã góp phần duy trì bản sắc dân tộc”.
Về lâu dài, để việc tu bổ, tôn tạo, phục hồi di tích trở thành một hoạt động khoa học, thực tiễn riêng biệt, theo đúng nguyên tắc, không chỉ cần tiền, cơ chế, giải pháp và cả nguồn nhân lực, mà còn cần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về di sản văn hóa của các ngành, các cấp cũng như cộng đồng xã hội, chủ thể di sản.