Theo nghiên cứu của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội năm 2011 cho biết: Ở Việt Nam có từ 10% đến 20% trẻ rối loạn tâm trí… Đến nay con số này đã tăng cao hơn và đang rất cần có sự can thiệp, tiếp sức làm giảm thiểu chứng RLPTK ở trẻ.
Dạy trẻ RLPTK ở các Trung tâm
Theo ông Lê Đình Tuấn – Giám đốc Trung tâm Hướng nghiệp và tiếp sức trẻ học hòa nhập cho biết: Sau hơn 10 năm tiếp sức trẻ học hòa nhập, Trung tâm tôi đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ.
Hằng năm, Trung tâm tiếp sức cho từ 10-15 trẻ ở các yêu cầu khác nhau như trước khi hòa nhập bậc Mầm non, trước khi hòa nhập lớp 1 và trong quá trình hòa nhập từ lớp 1 đến lớp 8.
Từ 70-80% các trẻ đã qua rèn luyện các kỹ năng ở trung tâm đều học hòa nhập được trong các trường phổ thông. Cá biệt có trẻ đạt được danh hiệu học sinh giỏi.
Điều đó chứng tỏ rằng: Mô hình đã chứng minh được tính bền vững vì với những gia đình có thu nhập trung bình hoặc dưới trung bình vẫn có thể cho con tham gia tiếp sức được liên tục trong nhiều năm học.
Ví dụ: Trường hợp trẻ được tiếp sức sau khi được phát hiện sớm từ 23 tháng tuổi: Khi phát hiện con có dấu hiệu không bình thường (chậm nói) gia đình đã đưa con đi khám ở viện Nhi Trưng ương và được bác sĩ kết luận: có 10/23 dấu hiệu – theo dõi tự kỷ, rối loạn phát triển.
Khi gia đình đưa em bé đến trung tâm con vẫn chưa tự xúc ăn, chưa biết ăn cơm, ăn rau; hầu như không có ngôn ngữ, ít giao tiếp với mọi người; chưa nhận biết được các bộ phận trên khuôn mặt; gọi không quay lại; ngày hay la hét; đêm ngủ hay quấy khóc; đi lại hay nhón chân và thường hay tự ngã…
Sau 1 tháng can thiệp tại Trung tâm, trẻ đã biết ăn cơm, ăn rau; phát âm khá rõ một số từ (bà, mẹ, bố, đi chơi, ăn…) và có thể tự đếm từ 1-5.
Sau 2 tháng can thiệp, gia đình cho đi khán lại ở viện Nhi Trung ương (theo lịch hẹn của bệnh viện) và được kết luận: Trẻ đã nói theo một số từ, bác sĩ đã tiếp xúc được với con, nét mặt vui vẻ có biểu cảm, có hứng thú chơi, đã có quan sát và bắc chước…; trẻ biết ăn rau ăn cơm thành thạo; bước đầu biết cầm thìa xúc ăn; biết nghe lời người lớn; biết hợp tác trong khi chơi với bạn; nói được nhiều từ hơn và phát âm khá rõ (ông, bà, bố, mẹ, chị, anh, đi chơi, vệ sinh, chạy, ạ, chào, ăn rau, xin kẹo, bánh…), đặc biệt là trẻ có thể đếm đến 10 và hát theo được 2 từ cuối mỗi câu hát… Đêm ngủ không còn quấy khóc, ngày hết la hét; Đi lại không còn tự ngã và không còn hiện tượng nhón gót.
3 tháng sau khi gia đình đưa con đến can thiệp tại Trung tâm trẻ đã có tiến bộ hơn rất nhiều. Đủ 6 tuổi trẻ đã đi học hòa nhập tại một trường tiểu học công lập.
Vào lớp 1: trẻ đã gặp khó khăn về chữ viết (chữ viết to, xấu, không theo hàng). Trung tâm đã khắc phục bước đầu cho trẻ bằng cách cho sử dụng máy vi tính (thay cho cầm bút viết chữ). Kết quả: do được khắc phục về chữ viết, trẻ vẫn thực hiện được các bài chính tả theo yêu cầu của nhà trường.
Các năm tiếp theo trẻ vẫn học tại trường hòa nhập và được trung tâm tiếp tục hỗ trợ. Hiện nay, trẻ đã hoàn thành chương trình học lớp 3, được lên lớp 4 và được giáo viên kết luận: trẻ đã biết cách học tập, tuy nhiên còn chậm hơn so với những trẻ bình thường song con có thể tiếp tục học lên các lớp tiếp theo.
Hay với trường hợp trẻ mắc hội chứng Asperge kèm tằng động: Viện nhi Trung ương kết luận: “chậm phát triển – tăng động, tự kỷ”. Sau 10 năm được Trung tâm tiếp sức, hiện trẻ đã hoàn thành chương trình học lớp 8 phổ thông và được lên lớp 9. Gia đình đã đưa trẻ tới trung tâm can thiệp và được trung tâm tiếp sức đưa trẻ đi học học nhập phổ thông (theo đúng độ tuổi).
Kết quả học ở từng lớp học ngày càng tiến bộ. Cuối bậc Tiểu học trẻ đạt học sinh giỏi. Tuy nhiên, khi chuyển cấp học lên THCS, sức học của trẻ có giảm, lớp 6, lớp 7 trẻ đạt học sinh tiên tiến. Về mặt giao tiếp trẻ cũng có nhiều tiến bộ.
Trẻ biết giao lưu, biết chơi cùng các bạn, biết lắng nghe và chia sẻ… Đặc biệt khả năng vẽ, vi tính và ngoại ngữ của trẻ khá tốt. Trẻ có thể trình bày văn bản trên máy tính; có khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh.
Tháng 12/2013 trẻ đã vinh dự được Hội Bảo vệ Quyền Trẻ em Việt Nam cử đi cùng với 3 trẻ bình thường đại diện cho trẻ em Việt Nam tham gia Hội thảo quốc tế về Quyền Trẻ em châu Á Thái Bình Dương tổ chức tại Pattaya (Thái Lan). Trong suốt quá trình diễn ra Hội thảo, em đã hoàn toàn giao tiếp được bằng tiếng Anh với các bạn bè quốc tế và lãnh đạo của Liên minh.
Công việc còn nhiều khó khăn cần có chính sách hỗ trợ
Trẻ mắc chứng RLPTK rất khó khăn trong giao tiếp, rối loại ngôn ngữ, có nhiều hành vi không thích ứng; Trẻ không tương tác với giáo viên và mọi người trong trường. Ở nhà trẻ hay quấy phá, tự làm theo ý mình, không nghe lời ông bà, cha mẹ... Nguyên nhân do trẻ ít hoặc không có vốn từ nên thường biểu hiện mong muốn của bản thân bằng cách khóc, la hét,…
Trong sinh hoạt hàng ngày, trẻ chưa biết tự ăn, tự đi vệ sinh, khó ngủ nên thưởng bỏ ngủ trưa làm ảnh hướng đến các học sinh bình thường khác. Trong học tập trẻ thường gặp khó khăn khi tập đọc, tập viết, làm toán có lời văn, khi làm văn tả cảnh…
Về mặt cơ chế, chưa tiếp cận trẻ này trên cơ sở quyền của trẻ, mà chỉ nặng về tiếp cận trên cơ sở nhân đạo. Hiện nay, ngành Giáo dục chưa có các văn bản chính tạo điều kiện cho trẻ được hòa nhập một cách bền vững;
Việc tạo điều kiện cho trẻ học hòa nhập phụ thuộc vào cơ sở giáo dục và ban giám hiệu và giáo viên. Vì vậy rất cần có những điều kiện để được phát hiện sớm và can thiệp sớm và có sự tiếp sức trong suốt quá trình trẻ học hòa nhập ở các trường phổ thông.
Muốn tiếp sức trẻ hòa nhập đạt hiệu quả thì trước tiên phải nâng cao nhận thức cho cha mẹ về kiến thức và kỹ năng giáo dục đặc biệt. Ngoài ra cha mẹ trẻ phải cam kết đồng hành trong việc tham gia tác động trẻ. Đồng thời cũng cần phải có một đội ngũ cán bộ, giáo viên nòng cốt thực sự tâm huyết trong lĩnh vực giáo dục trẻ đặc biệt.
Ngoài ra cũng cần huy động sự tham gia của các cộng tác viên là các chuyên gia thần kinh, chuyên khoa Nhi, chuyên gia trị liệu ngôn ngữ, các giáo viên đặc biệt mầm non, các giáo viên tiểu học, trung học…
Ngành Giáo dục cũng nên có những quy định cụ thể nhằm hỗ trợ trẻ hòa nhập như: trẻ cần được miễn các môn học phụ chưa phù hợp với những khó khăn của trẻ; trẻ cần được sử dụng những công cụ - thiết bị hỗ trợ khi học các môn học chính; trẻ cần được đánh giá theo tinh thần của Thông tư 22 (điều 12 sửa đổi) vừa ưu tiên cho trẻ hòa nhập các cấp học phổ thông trong các trường công lập.