Khung cảnh đông đúc, sôi động, tấp nập tại các điểm du lịch, bến xe, sân bay hay quán ăn, quán cafe… trong những ngày nghỉ lễ; trường học đã mở cửa đón học sinh ở mọi cấp học; phố xá lại tắc nghẽn trong giờ cao điểm… Những hình ảnh sinh động của đời sống thường nhật như vậy một lần nữa cho thấy chúng ta đã thực sự thích ứng linh hoạt, an toàn với dịch Covid-19 và cuộc sống đang thực sự bình thường trở lại.
Không chỉ là hình ảnh hay cảm nhận, sự bình thường đó và tốc độ khôi phục sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, người dân thể hiện rõ qua các con số thống kê.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, GDP quý I năm nay ước tăng 5,03% so với cùng kỳ, trong đó đáng chú ý khu vực dịch vụ tăng 4,58%, gấp gần 1,5 lần so với cùng kỳ các năm 2020 - 2021. Điều này tạo niềm tin vào các chính sách phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, kỳ vọng tăng trưởng tiếp tục đà tích cực trong quý II và cả năm.
Xuất khẩu cũng phục hồi mạnh mẽ, quý I tăng 12,9% so với cùng kỳ; đặc biệt, xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước tăng 22% so với cùng kỳ, gấp 2,2 lần tốc độ tăng của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
Điểm sáng nữa là vốn FDI đăng ký tăng thêm và góp vốn, mua cổ phần quý I tăng gần gấp 2 lần so với cùng kỳ; FDI thực hiện tăng 7,8% so với cùng kỳ - mức cao nhất kể từ năm 2016 đến nay, phản ánh kỳ vọng của nhà đầu tư nước ngoài vào môi trường đầu tư kinh doanh, triển vọng tăng trưởng trung và dài hạn của nước ta.
Trong khi nông nghiệp duy trì sự ổn định thì sản xuất công nghiệp tiếp tục khởi sắc và thương mại, dịch vụ tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 3 tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước. Thị trường du lịch quốc tế mở cửa hoàn toàn từ giữa tháng 3, nhiều đường bay quốc tế được nối lại… đã đưa lượng khách quốc tế đến nước ta trong quý I tăng 89,1% so với cùng kỳ.
Tình hình doanh nghiệp cũng rất tích cực. Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và tái gia nhập thị trường trong tháng 3 cao gấp 3 lần doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tính chung quý I đạt kỷ lục hơn 60 nghìn doanh nghiệp, tăng 36,7% so với cùng kỳ năm trước, cao nhất trong các quý I từ trước tới nay.
Đây là dấu hiệu tăng trưởng tích cực cho năm 2022, phản ánh kỳ vọng, niềm tin mạnh mẽ của cộng đồng doanh nghiệp vào tiến trình mở cửa, phục hồi của nền kinh tế sau hơn 2 năm chịu tác động của dịch bệnh.
Tuy vậy, nước ta vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro về ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát, có thể làm chậm lại đà tăng trưởng, ảnh hưởng đến tiến trình phục hồi của nền kinh tế. Đáng ngại nhất là “cơn bão lạm phát” làm cho cuộc sống của người dân, công nhân càng khó khăn, vất vả hơn.
Chính vì vậy, các bộ, ngành, địa phương cần quyết tâm, quyết liệt hơn trong việc triển khai hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Bởi mũi tên này không chỉ hướng đến việc tiếp sức cho quá trình hồi phục của nền kinh tế - vốn đang có những tín hiệu khởi sắc, mà còn là tấm lưới an sinh vững chắc cho người dân, doanh nghiệp trước những rủi ro đang bủa vây.
Thực tế, từ khi Chương trình phục hồi được ban hành đến nay đã hơn 2 tháng và Thủ tướng Phạm Minh Chính đã 3 lần ra công điện đôn đốc, nhắc nhở các bộ, ngành, địa phương thực hiện. Điều này một mặt cho thấy sự quan tâm chỉ đạo của người đứng đầu Chính phủ, mặt khác cũng chứng tỏ các bộ, ngành đang chậm trễ trong việc hoàn thành những nhiệm vụ được giao.