(GD&TĐ) – Nền kinh tế toàn cầu đang hồi phục sau cuộc khủng hoảng nặng nề trong vòng 3 năm qua. Tuy nhiên, sự hồi phục này đang đối mặt với một số thách thức lớn và nguy cơ trong thời gian ngắn sắp tới – Bộ trưởng ngân khố Mỹ Timothy Geithner cho biết hôm qua (3.3).
Nền kinh tế thế giới đang phát triển với những tốc độ khác nhau, trong đó các nền kinh tế mới nổi tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, các nền kinh tế đã phát triển thì tăng trưởng tương đối chậm.
Bộ trưởng Ngân khố MỹTimothy Geithner |
“Quỹ tiền tệ Quốc tế IMF dự báo rằng những nền kinh tế mới nổi sẽ tăng trưởng 6,5% năm nay, trong khi đó dự đoán tăng trưởng ở châu Âu và Nhật chỉ là 1,5%”, ông Geithner cho biết trong một bản báo cáo trước Ủy ban quan hệ nước ngoài của Thượng viện Mỹ, trong đó cũng nói rằng nền kinh tế tăng ở mức trung bình, nguy cơ lạm phát thấp nhưng tỉ lệ thất nghiệp vẫn ở mức cao không chấp nhận được.
Ông Timothy Geithner lưu ý rằng tốc độ hồi phục khác nhau gặp phải những thử thách và nguy cơ lớn sau:
Trước tiên là những thay đổi mang tính lịch sử ở Bắc Phi, bao gồm Ai Cập, Libya đã tạo ra sự bất ổn cho sự hồi phục toàn cầu.
Thứ hai, khủng hoảng nợ vẫn chưa được giải quyết ở châu Âu.
Thứ 3 là những nền kinh tế thị trường mới nổi, như Trung Quốc, Ấn Độ đang gặp phải những áp lực vốn liên quan đến sự tăng trưởng mạnh mẽ. Lạm phát đang leo thang tại các nền kinh tế này.
Thứ 4 là giá cả hàng hóa toàn cầu đang tăng lên, bao gồm thực phẩm và dầu, đang gây ra khó khăn cho nhiều nơi trên thế giới. “Quỹ IMF nói rằng, giá cả hàng hóa, kết hợp lại, tăng 25% trong năm 2010. Điều này có một ảnh hưởng nghiêm trọng đối với lạm phát và mức sống của những nhóm người có thu nhập thấp nhất ở các thị trường mới nổi, nơi thực phẩm, nhiên liệu có xu hướng chiếm phần lớn lượng hàng tiêu thụ” – ông Timothy Geithner nói.
Thứ 5, tính bền vững của sự hồi phục sẽ phụ thuộc một phần vào khả năng của những nền kinh tế mạnh, bao gồm Mỹ, để thực hiện các cuộc cải cách nhiều năm nhằm khôi phục lại tính bền vững của tài chính.
Ông Timothy Geithner nói rằng các nhà lãnh đạo nhóm G20 họp ở Toronto, Canada tháng 6 năm ngoái nhằm giảm thâm hụt tài chính xuống một nửa vào năm 2013 và để ổn định tỷ lệ nợ với GDP vào năm 2016.
Tỷ lệ nợ với GDP của Mỹ, dự đoán tăng 10,9% năm 2011, và được xem là không bền vững.
Hà Châu (Theo Xinhua)