Tiếp sức cho chàng trai nghèo phố núi ước mơ thành cầu thủ chuyên nghiệp

GD&TĐ - Dù đang mang trong mình chấn thương, bệnh tật và hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nhưng chàng trai học lớp 12 của trường THPT Lê Quý Đôn, TP. Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) vẫn nuôi ước mơ trở thành cầu thủ bóng đá.

Đại diện Báo GD&TĐ, Sở GD&ĐT, trường THPT Lê Quý Đôn tặng quà, tiền hỗ trợ Thịnh đi chữa bệnh ở TP. Hồ Chí Minh.
Đại diện Báo GD&TĐ, Sở GD&ĐT, trường THPT Lê Quý Đôn tặng quà, tiền hỗ trợ Thịnh đi chữa bệnh ở TP. Hồ Chí Minh.

Đó là em Cao Xuân Trường Thịnh, học sinh lớp 12A10 trường THPT Lê Quý Đôn, TP. Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk. Thịnh có dáng vẻ đẹp trai, hiền hậu, luôn nở nụ cười đầy sức hút với chiếc răng khểnh đầy duyên, luôn khát khao trở thành cầu thủ để có thể giúp đỡ bà nuôi cả gia đình.

Gia cảnh éo le

Chiều muộn 28-3, chúng tôi cùng đoàn công tác của Văn phòng đại diện Báo Giáo dục và Thời đại (Miền Trung - Tây Nguyên) đến thăm, tặng quà động viên gia đình ngay trước ngày Thịnh lên đường xuống TP. Hồ Chí Minh để điều trị bệnh và phục hồi dây chằng đầu gối (bị đứt do tai nạn vào cuối năm 2020).

Hai bà cháu trở thành trụ cột cho cả gia đình
Hai bà cháu trở thành trụ cột cho cả gia đình

Ngôi nhà nhỏ nhắn của Thịnh nằm lọt thỏm sau rặng cây của khu Bảo tàng thế giới cà phê thuộc Tập đoàn Trung Nguyên, trên đường Nguyễn Đình Chiểu, phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột.

Đập vào mắt chúng tôi là một sự đối lập đến nao lòng. Cách cánh cổng nhà Thịnh khoảng 50m là sự lộng lẫy, vui nhộn khi mà các nam thanh, nữ tú, các gia đình giàu có với những chiếu ô tô đắt tiền đang đậu bên trong khu phố để chen chúc nhau chụp hình, quay video làm kỷ niệm … trước khung cảnh nguy nga, tráng lệ khi đến với thủ phủ cà phê Buôn Ma Thuột. Trong khi, tại ngôi nhà nhỏ của Thịnh lại đang phải đối mặt với bao khó khăn, đầy cám cảnh. Nhà có 5 người, gồm ông - bà nội, bố, em gái và Thịnh.

Bố (áo xanh) và ông nội (chống gậy) của Thịnh đều mất khả năng lao động.
Bố (áo xanh) và ông nội (chống gậy) của Thịnh đều mất khả năng lao động.

Nhà là tổ ấm, nhưng Thịnh lại không có một tổ ấm bình yên khi mẹ chia tay bố rồi đi bước nữa. Thịnh và em gái (đang học lớp 4) lớn lên bằng tình yêu thương của người bố, nguyên là cán bộ phường và ông bà nội vốn là những người bị bệnh tật dày vò.

Không chỉ sống cảnh thiếu thốn tình thương, mà tai ương liên tục ập đến những người thân thương nhất của em. Người bố khoẻ mạnh đột nhiên bị tai biến, mất hết khả năng lao động, ngay việc tự sinh hoạt cá nhân cũng nhờ vào người khác chứ nói gì đến việc lo cho Thịnh và em gái ăn học. Rồi ông nội vốn bị chất độc da cam cũng bị tai biến đi lại khó khăn, té ngã bao lần ... Vậy là gánh nặng cho chính gia đình, mọi sinh hoạt thường nhật phải phụ thuộc vào một mình bà nội và chính bản thân còn non trẻ của Thịnh.

Khó khăn bủa vây, dư chấn tinh thần bao lần vẫn không khiến Thịnh gục ngã. Ngược lại, Thịnh cùng bà nội gắng gượng hết sức để lo miếng cơm, rau cháo, thuốc men cho bố và ông nội.

"Rơi vào tình cảnh đầy nghiệt ngã như thế, nhưng em vẫn vươn lên trong học tập, tham gia đầy đủ các hoạt động của lớp, của nhà trường. Thầy cô trong trường, bạn bè của Thịnh ai cũng rất cảm phục nghị lực của em"- cô Nguyễn Thị Xuân Hương, Hiệu trưởng trường THPT Lê Quý Đôn, rưng rưng nói với tôi khi trò chuyện về Thịnh.

Một lao động nuôi cả gia đình

Để có tiền lo cho 5 miệng ăn, tiền thuốc thang cho chồng, con trai, tiền học cho các cháu và tiền phẫu thuật, điều trị bệnh cho cháu nội, mặc dù đã gần 70 tuổi nhưng bà Hoàng Thị Thanh Thu (bà nội của Thịnh) vẫn phải tảo tần, lam lũ ngược xuôi ở các khu phố để làm thuê, làm mướn cho các cơ sở kinh doanh. Thế nhưng số tiền bà kiếm được cũng chẳng đáng là bao, chỉ đủ để lo cho cái ăn, còn việc thuốc men cho chồng, con và cháu bà lại chạy đôn, chạy đáo nhờ sự hỗ trợ của bà con, của bạn bè.

Một mình bà nội lo toan, quán xuyến mọi việc trong gia đình
Một mình bà nội lo toan, quán xuyến mọi việc trong gia đình

Ở góc bếp nhỏ, bên rổ rau vừa luộc xong, bà Hoàng Thị Thanh Thu (gần 70 tuổi) ngân ngấn nước mắt tâm sự: “Bà biết, ở ngoài kia, nhiều gia đình còn khổ hơn gia đình nhà bà. Bà không đòi hỏi gì nhiều, sức lực đến đâu thì cố gắng lao động đến đó để kiếm tiền lo cho chồng, cho con và 2 cháu. Nếu ai thương, giúp đỡ thì bà cảm ơn. Ông nhà do di chứng của chiến tranh thì không nói, nhưng con trai bà bị đột quỵ, chết đi sống lại mấy lần, bà đã cố hết sức chạy chữa, giờ nó còn sống là bà vui rồi”.

“Thương thằng Thịnh lắm. Nó là niềm tin của cả gia đình. Việc bị tai nạn đứt dây chằng đầu gối, được nhà trường và mọi người hỗ trợ để phẫu thuật cho cháu kịp thời nên không đáng lo (mai cháu sẽ đi TP. Hồ Chí Minh điều trị phục hồi chức năng tiếp). Nhưng điều bà lo và trăn trở nhất là việc, vừa rồi thấy cháu bị ngất xỉu, bà cũng đã cho cháu đi khám ở bệnh viện Bạch Mai – Hà Nội, các bác sỹ bảo bà cố gắng chăm sóc, cho cháu học tập, vui chơi (không tiết lộ bệnh), bà cứ lo. Đang cố gắng được thì bà sẽ cố”, bà Thu nói.

Ước mơ trở thành cầu thủ chuyên nghiệp như Công Vinh

Tâm sự với chúng tôi, Thịnh hết sức vô tư và hồn nhiên. Thịnh mải mê nói về chủ đề đam mê của mình. “Em có niềm đam mê với môn bóng đá từ nhỏ. Em luôn được gọi tham gia vào các đội trẻ của địa phương và đạt nhiều giải cao tại Hội khỏe Phù Đổng cũng như các giải đấu của trường, của thành phố và của tỉnh. Trong năm 2020, em đã cùng đội tuyển của trường THPT Lê Quý Đôn giành Huy chương Vàng môn bóng đá nam tại Hội khỏe Phù Đổng cấp tỉnh. Ước mơ của em là trở thành cầu thủ chuyên nghiệp để có thể chơi bóng theo sở thích và kiếm tiền giúp bà chăm sóc cho ông nội, cho bố và lo cho em gái ăn học”.

Thịnh tâm sự với anh Nguyễn Văn Dũng, Trưởng VP đại diện Báo GD&TĐ tại miền Trung – Tây Nguyên và những người trong doàn công tác về niềm đam mê bóng đá và ước mơ trờ thành cầu thủ chuyên nghiệp.
Thịnh tâm sự với anh Nguyễn Văn Dũng, Trưởng VP đại diện Báo GD&TĐ tại miền Trung – Tây Nguyên và những người trong doàn công tác về niềm đam mê bóng đá và ước mơ trờ thành cầu thủ chuyên nghiệp.

Thịnh tâm sự: “Thần tượng nhất của em là chú Lê Công Vinh (CV9). Em thường xuyên xem lại các clip về cách điều khiểu trái bóng, cách ghi bàn của CV9. Và, em cũng thường xuyên đá ở vị trí tiền đạo cắm trong các trận đấu của lớp, của trường cũng như của địa phương”.

 Nhân chuyến đi chữa bệnh ở TP. Hồ Chí Minh lần này, em cũng mong muốn Báo Giáo dục và Thời đại kết nối để em có thể được gặp thần tượng của mình là chú Lê Công Vinh.

Chiếc áo "thần tượng" luôn được em mặc mỗi khi tham gia các trận bóng
Chiếc áo "thần tượng" luôn được em mặc mỗi khi tham gia các trận bóng

Có lẽ, bóng đá trở thành liều thuốc tinh thần giúp Thịnh vượt qua mọi sóng gió, mọi khó khăn. Em cũng không biết rằng một sự thật ngang trái và đau đớn hơn đang bủa vây em. Đó là, Thịnh vừa được phát hiện một chứng bệnh nan y, nếu không được chạy chữa kịp thời tính mạng em sẽ bị đe doạ.

“Khi nghe bác sỹ thông báo, bà lặng người đi, quyết giữ bí mật để cháu vui với bạn bè. Nhiều đêm bà không ngủ. Thương cháu bà chỉ biết khóc rồi tự ngăn tiếng nấc và giấu đi những giọt nước mắt. Cứ mỗi lần nhìn thấy cháu tung tăng, vui đùa, nước mắt cứ tuôn rơi”- bà Thu rưng rưng kể.

Rời căn nhà nhỏ của em Cao Xuân Trường Thịnh, điều mà chúng tôi day dứt chính là những câu hỏi nao lòng: Liệu sức khỏe của bà nội có còn duy trì được bao lâu? Liệu sự may mắn có mỉm cười với gia đình, với chính cuộc đời của cành trai khôi ngô ấy? Liệu những ước mơ đẹp của em có được viết tiếp hay không? … khi mà ngay chính trong câu nói của bà cũng đã chạm đến tâm can chúng ta “bà biết sẽ có lúc bà phải buông tay nó thôi …”.

Có lẽ, điều chúng ta nên làm lúc này chính là chung tay, tiếp sức để Thịnh và gia đình em ấy vượt qua khó khăn, giúp tiếp tục theo đuổi đam mê đẹp của tuổi trẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ