Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944-22/12/2024)

Tiếp lửa vinh quang đến thế hệ trẻ

GD&TĐ - Đã có nhiều tâm huyết, nỗ lực đối với công tác GD truyền thống cách mạng của toàn xã hội để không ngừng tiếp lửa vinh quang đến thế hệ...

Nhiều người mong Bắc Bộ phủ sẽ được mở cửa đón khách tham quan thường xuyên. Ảnh: Hoàng Anh
Nhiều người mong Bắc Bộ phủ sẽ được mở cửa đón khách tham quan thường xuyên. Ảnh: Hoàng Anh

Bài 1 - Từ di sản lịch sử cách mạng

LTS: Từ sự tiếp cận, đưa bức thư của liệt sĩ thành cổ Quảng Trị đến với công chúng; mở cửa di tích lịch sử cách mạng Bắc Bộ phủ đến việc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam được xây dựng và đưa vào hoạt động với tầm vóc bề thế, hiện đại; tổng lực sản xuất, phát sóng các bộ phim, chương trình chạm đến trái tim… đều là những tâm huyết, nỗ lực đối với công tác giáo dục truyền thống cách mạng của toàn xã hội để không ngừng tiếp lửa vinh quang đến thế hệ trẻ dịp kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam. Từ đây, mỗi người con đất Việt thêm tự hào, biết ơn thế hệ cha anh để không ngừng rèn luyện bản lĩnh, trau dồi tri thức, tiếp tục vững vàng, xuất sắc trong sự nghiệp bảo vệ, dựng xây đất nước mạnh giàu.

Không quá ngạc nhiên khi lần đầu được mở cửa đón khách tham quan trong khuôn khổ Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024 hồi tháng 11 vừa qua, Bắc Bộ phủ - Nhà khách Chính phủ luôn tấp nập du khách từ sớm đến tối. Cũng bởi, ngày càng có nhiều người quan tâm đến di sản liên quan đến lịch sử cách mạng để được trải nghiệm và tự hào.

Dù đã đến lúc phải rời Bắc Bộ phủ, nhưng ông Đào Việt Hưng (Linh Đàm, Hoàng Mai, Hà Nội) vẫn nán lại gửi gắm đề xuất nhỏ: “Di tích lịch sử cách mạng này và một số di tích khác cần được mở cửa đón khách tham quan đại trà thường xuyên hơn chứ không nên chỉ trong khuôn khổ của sự kiện Lễ hội Thiết kế Sáng tạo 2024. Theo tôi, thời điểm phù hợp nhất là dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám thành công và Quốc khánh mùng 2/9 hằng năm”.

Nói thêm về lý do đưa ra đề xuất đó, ông Hưng cho biết: Việc giáo dục lịch sử cách mạng qua các di tích, nhân chứng rất quan trọng và thường đạt được hiệu quả cao. Ví dụ, học đến Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945, kết hợp với bài giảng, tư liệu từ sách giáo khoa, thầy cô, nhà trường có thể tổ chức chuyến tham quan trực tiếp tại Bắc Bộ phủ.

Khi được đứng ngay trong tòa nhà là chứng nhân của lịch sử và nghe những câu chuyện về cuộc tổng khởi nghĩa cũng như trước những ngày toàn quốc kháng chiến (12/1946) xảy ra tại đây, chắc chắn học sinh sẽ có sự tiếp nhận tích cực, hào hứng hơn. “Có thể giáo dục lịch sử cách mạng, niềm tự hào dân tộc để khơi dậy, bồi đắp tinh thần yêu nước cho thế hệ trẻ từ điểm di sản này. Thế nên, di tích lịch sử cách mạng đặc biệt như Bắc Bộ phủ cần được mở cửa thường xuyên hơn”, ông Hưng bày tỏ.

Thực ra, không riêng gì ông Hưng mà nhiều khách tham quan khác khi đến Bắc Bộ phủ đều có chung suy nghĩ đó. Cũng vì, không chỉ là một di sản kiến trúc hơn 100 năm, Bắc Bộ phủ còn là nơi lưu giữ những dấu tích, câu chuyện lịch sử đặc biệt của dân tộc.

Chẳng thế mà, sau khi chăm chú đọc từng áp phích treo phía trong Bắc Bộ phủ khi được mẹ đưa đến tham quan dịp vừa qua, Tiến Thành (Hà Đông, Hà Nội) thể hiện sự hào hứng, thích thú. Cũng vì, từ bài học lịch sử được cô giáo giảng trên lớp và xem nhiều tranh ảnh tư liệu, khi bước vào không gian lịch sử diễn ra nhiều sự kiện của ngày đầu lập quốc, xây dựng và đấu tranh gìn giữ nhà nước độc lập non trẻ này cậu học trò lớp 8 không quá bỡ ngỡ.

tu-di-san-lich-su-cach-mang-1.jpg
Bắc Bộ phủ nườm nượp khách tham quan khi được mở cửa. Ảnh: Hoàng Anh

Bằng những kiến thức được trang bị và tham khảo từ tư liệu trong Bắc Bộ phủ, đứng trước sảnh chính, Thành phóng tầm mắt ra Quảng trường Nhà hát Lớn và hình dung về những ngày Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 trong bao niềm tự hào: Ngày 19/8/1945, biển người tuần hành do Việt Minh tổ chức rầm rập tiến về quảng trường, vừa đi vừa hô những khẩu hiệu cách mạng hoặc hát bài “Tiến quân ca”.

Sau đó, các lực lượng quần chúng cách mạng đổ về đánh chiếm Phủ Khâm sai (sau Cách mạng Tháng Tám là Bắc Bộ phủ). Hình ảnh lịch sử giành chính quyền tại Bắc Bộ phủ đã được nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Năng An chụp lại và trở thành kinh điển, tượng trưng cho cuộc cách mạng lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Nối tiếp đó, ngày 20/8/1945 tại Bắc Bộ phủ đã diễn ra lễ ra mắt của Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời Bắc Bộ và Hà Nội. Sau ngày 2/9, Bắc Bộ phủ trở thành trụ sở của Chính phủ lâm thời. Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ làm việc tại đây cho đến ngày toàn quốc kháng chiến 19/12/1946. Vẫn còn lưu lại hình ảnh ghi một số hoạt động của Người ở Bắc Bộ phủ như: Tiếp tướng Pháp Leclerc, tháng 3/1946 (Ảnh: Getty Images); gặp mặt các nhà tư sản Hà Nội năm 1945 (Ảnh: Ban Quản lý lăng Hồ Chí Minh); cùng các đại biểu Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và cùng các thành viên Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại sảnh sau (Ảnh: TTXVN).

Mặt khác, nơi đây đã diễn ra một trong những trận đánh đầu tiên khốc liệt nhất để bảo vệ Thủ đô ngày toàn quốc kháng chiến. Trên cổng, hàng rào vẫn lưu dấu nhiều vết đạn của trận chiến mùa Đông năm 1946. Phòng thủ tại đây là Đại đội 1, Tiểu đoàn 101 vệ quốc đoàn, dưới sự chỉ huy của chính trị viên Lê Gia Đình và đại đội trưởng Mộng Hùng. Trận chiến đấu bảo vệ Bắc Bộ phủ diễn ra ác liệt từ đêm 19 đến sáng 20/12/1946.

Sau khi đẩy lùi nhiều cuộc tiến công của hàng trăm binh lính Pháp cùng xe tăng, bộ đội đã rút về nhà bưu điện. Để bảo vệ cuộc rút lui, chính trị viên Lê Gia Đình ở lại chặn địch và hy sinh. Anh được truy tặng danh hiệu “Người quyết tử quân số 1”, và phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân năm 2000.

Được mở cửa trong một tuần lễ, ngày nào Bắc Bộ phủ cũng nườm nượp đón vài nghìn du khách. Ghi lại dòng lưu bút, nhiều bạn trẻ bày tỏ: “Rất ấn tượng, ý nghĩa” (Khánh Nhi) và không quên đề xuất: “Được tận mắt khám phá lịch sử đó là điều tự hào đối với mỗi người con đất Việt. Mong là sẽ được đặt chân vào nhiều không gian lịch sử hơn nữa” (Bùi Tuấn Nam).

Năm 1918, người Pháp xây dựng dinh Thống sứ Bắc Kỳ tại vị trí giao nhau giữa đại lộ Henri Rivière (phố Ngô Quyền ngày nay) và phố Chavassieux (phố Lê Thạch). Ngày 9/3/1945, Nhật đảo chính Pháp, dinh Thống sứ Bắc Kỳ được đổi thành phủ Khâm sai Bắc Kỳ. Ngày 19/8/1945, Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám nổ ra ở Hà Nội. Lực lượng Việt Minh cùng nhân dân Hà Nội đã chiếm giữ tòa nhà này và đổi tên là Bắc Bộ phủ. Năm 1954, Bắc Bộ phủ được tu sửa lại và trở thành Nhà khách Chính phủ. Năm 2005, công trình được gắn biển Di tích lịch sử cách mạng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ