Từ nơi hợp nhất lực lượng đến căn cứ đầu não quân sự
Ngược dòng lịch sử, ngày 15/5/1945, tại Đình Làng Quặng (xã Định Biên, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên), Lễ hợp nhất Đội Cứu quốc quân với Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân thành Việt Nam Giải phóng quân (tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam ngày nay) đã được diễn ra.
Sau khi được thành lập, Việt Nam Giải phóng quân nhanh chóng được củng cố và phát triển lớn mạnh. Tổ chức đã cùng lực lượng du kích từ căn cứ địa Việt Bắc tiến về các địa phương xóa bỏ chính quyền thực dân phong kiến, thành lập chính quyền cách mạng, góp phần cho thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa, làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám vĩ đại năm 1945.
Trong những năm tháng kháng chiến, An toàn khu Định Hóa trở thành căn cứ đầu não quân sự. Tại xóm Bảo Biên, xã Bảo Linh (Định Hóa), Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Tổng Quân ủy, Bộ Tổng Tư lệnh đã hoạt động, họp bàn và đưa ra những quyết định quan trọng.
Đây chính là nơi khởi phát cho những thắng lợi lịch sử như Chiến dịch Việt Bắc Thu - Đông, Chiến dịch Biên giới, Chiến dịch Điện Biên Phủ, đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đi đến giành thắng lợi hoàn toàn.
Giáo dục truyền thống trên quê hương ATK
Những giá trị lịch sử này là niềm tự hào của thầy và trò vùng quê cách mạng. Đây cũng chính là nguồn "học liệu" ý nghĩa và sống động nhất trong việc giáo dục truyền thống.
Nằm ở chính nơi diễn ra sự kiện lịch sử hợp nhất các lực lượng để thành lập Việt Nam Giải phóng quân, thầy và trò trường TH & THCS Định Biên (Định Hóa) luôn lấy truyền thống lịch sử làm những bài học ý nghĩa.
Nhà trường lên kế hoạch và triển khai cho học sinh chăm sóc di tích lịch sử thường xuyên hằng tháng, giữ cho cảnh quan luôn luôn sạch đẹp. Bên cạnh đó, những buổi ngoại khóa tập làm chiến sĩ, trải nghiệm làm bếp Hoàng Cầm, hành quân dã ngoại đến các điểm di tích… đã giúp các em hiểu biết và ý thức sâu sắc hơn về truyền thống lịch sử dân tộc ngay trên quê hương mình.
Cô giáo Nông Thị Thương, Tổng phụ trách Đội của Nhà trường chia sẻ: “Chúng tôi cố gắng đa dạng hóa các hình thức hoạt động để việc giáo dục truyền thống hấp dẫn, hiệu quả. Các em rất hứng thú với những buổi được nghe Cựu chiến binh nói chuyện lịch sử, tự tay vẽ tranh hay viết những cảm nhận về truyền thống quê hương, làm thiệp và viết thư tay gửi các chiến sĩ ngoài Trường Sa”.
Em Ma Thị Linh Nhi, lớp 5A (trường TH & THCS Định Biên) hào hứng chia sẻ: “Nhờ các hoạt động mà các thầy cô tổ chức cho, chúng em biết được ngay trên quê mình có những chiến công lịch sử lớn lao và ý nghĩa như vậy. Chúng em cảm thấy rất tự hào về truyền thống quê hương”.
Đối với trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Định Hóa, các giáo viên môn Lịch sử đã chủ động tổ chức nhiều hình thức mới mẻ, giúp cho môn học trở nên gần gũi và hấp dẫn với học trò. Đáng chú ý, việc thầy cô cùng học sinh tham gia trải nghiệm tại các di tích lịch sử của quốc gia và quê hương ngay tại địa phương đã đem lại những bài học sâu sắc.
Học sinh được nghe những câu chuyện từ các bác cựu chiến binh đã trực tiếp kinh qua chiến trận để hiểu hơn lịch sử. Dưới sự hướng dẫn của thầy cô, các em được tham gia tìm hiểu, sưu tầm tư liệu, hiện vật, tranh ảnh. Thậm chí, nhiều lớp còn tổ chức được nhiều hoạt động rất sáng tạo như diễn tiểu phẩm, thi kể chuyện về lịch sử...
Nhờ cách làm này, học sinh đón nhận những bài học về lịch sử, những giá trị về truyền thống một cách sống động và sâu sắc.
Hằng năm, Phòng GD&ĐT huyện Định Hóa đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Huyện ủy tổ chức bồi dưỡng về giáo dục truyền thống cách mạng cho lãnh đạo quản lý, cán bộ, giáo viên các nhà trường, trong đó có giáo viên trực tiếp giảng dạy bộ môn Lịch sử.
Công tác bảo vệ, chăm sóc di tích, giáo dục lịch sử truyền thống cách mạng trong hệ thống trường học được triển khai tích cực. 100% các trường TH, THCS đăng ký chăm sóc các di tích lịch sử trên địa bàn; tổ chức tốt chương trình giáo dục địa phương bằng việc đưa các sự kiện lịch sử liên quan đến các di tích trên địa bàn tích hợp trong các môn học khoa học - xã hội lịch sử; tổ chức các hoạt động trải nghiệm tại các di tích lịch sử.