Hơn 70 năm kể từ ngày chàng thiếu niên Vừ A Dính hy sinh, đồng bào Mông ở quê hương cách mạng Pú Nhung vẫn mãi nhớ về anh. Các thế hệ con cháu người Mông coi anh như “tượng đài” về tinh thần yêu nước, gan dạ, ngoan cường để viết tiếp những trang sử hào hùng…
Chàng thiếu niên anh hùng
Tháng 8, những người con của mảnh đất cách mạng Pú Nhung (xã Pú Nhung, huyện Tuần Giáo, Điện Biên) từ khắp các miền quê lại háo hức trở về quê nhà. Pú Nhung như một điểm hẹn chẳng khác gì ngày Tết với đồng bào Mông nơi đây. Quốc kỳ phấp phới tung bay trước mỗi cổng nhà, khắp các con đường trên địa bàn toàn xã. Mọi người như sống lại thời kỳ đấu tranh, anh dũng của 7 thập niên về trước.
Ở đây, người già, trẻ nhỏ ai ai cũng có thể kể vanh vách về tiểu sử của anh hùng liệt sĩ Vừ A Dính. Phần bởi người đi trước truyền miệng, phần cũng bởi sử sách còn ghi.
Bà con vẫn kể rằng: Vừ A Dính sinh ra và lớn lên trong một gia đình người Mông có truyền thống yêu nước và cách mạng. Dính là con thứ ba của ông Vừ Chống Lầu (SN 1899) và bà Sùng Thị Plây (SN 1901). Gia đình Vừ A Dính là cơ sở cách mạng của huyện Tuần Giáo.
Bố Vừ A Dính là cán bộ Việt Minh của địa phương bị thực dân Pháp bắt và giam cầm tại nhà tù Sơn La. Ông bị thực dân Pháp thủ tiêu tại đó vào năm 1949.
Còn mẹ A Dính, trong đợt càn quét của địch vào Pú Nhung, vì nghi ngờ tiếp tế cho Việt Minh nên bà bị bắt cùng với bố chồng và bảy người con (chị gái và các em của Vừ A Dính) mang về giam tại đồn Bản Chăn. Cũng tại thời điểm đó, giặc Pháp đã lôi cả 22 người trong trại giam ra bắn chết. Ông nội, mẹ, chị gái và các em, tổng số có 9 người trong gia đình Vừ A Dính nằm trong số đó.
Vừ A Dính sớm giác ngộ cách mạng. 13 tuổi, Vừ A Dính đã thoát ly gia đình trở thành đội viên liên lạc của đội vũ trang huyện Tuần Giáo. Đội hoạt động trên một địa bàn rất rộng, từ châu Điện Biên ra châu Tuần Giáo rồi ngược lên châu Tủa Chùa. Dấu chân của Dính và đội vũ trang in khắp núi rừng. Đội vũ trang thoắt ẩn, thoắt hiện tại nhiều bản làng để vận động, giúp đỡ bà con các dân tộc ổn định cuộc sống, xây dựng tổ chức đoàn thể cách mạng, bí mật tổ chức kháng chiến, đánh Pháp xâm lược.
Cuộc sống thời kháng chiến gian khổ nhưng Vừ A Dính rất lạc quan yêu đời. Dính rất ham học. Lúc nào trong ngực áo của Dính cũng nhét cuốn sách để tranh thủ học. Khuôn mặt tròn, đôi mắt tinh nhanh, chân tay thoăn thoắt là hình ảnh chiến sĩ nhỏ Vừ A Dính để lại ấn tượng sâu sắc trong mắt các chiến sĩ của đội vũ trang Tuần Giáo.
Trung tuần tháng 6/1949, giặc Pháp huy động tổng lực quân lính từ các đồn trong khu vực để vây ráp hòng tiêu diệt đội vũ trang Tuần Giáo. Gần một nghìn quân đổ về khu căn cứ Pú Nhung từ nhiều ngả đường. Một tốp giặc ở đồn Bản Chăn bí mật phục kích ngay tại đầu bản đã nghi ngờ và bắt giữ Vừ A Dính để tra tấn nhằm khai thác thông tin.
Thiếu tá Vừ A Bình - Phó Trưởng Công an huyện Điện Biên (tỉnh Điện Biên) là một trong những người cháu thành đạt của anh hùng Liệt sĩ Vừ A Dính. Ông nội của Thiếu tá Bình (ông Vừ Gà Lử) là anh trai duy nhất của Vừ A Dính. Cho đến tận hôm nay, Thiếu tá Bình vẫn nhớ như in câu chuyện mà ông nội từng kể lại.
“Khi bị bắt, tra tấn dã man, ông tôi (Vừ A Dính) giả vờ khai ra cơ sở cách mạng. Chúng bắt dẫn đến tận nơi, nhưng dân và bộ đội của ta ở chỗ này thì ông khai chỗ khác. Chúng mới bực mình rồi tra tấn đến nỗi không thể đi được. Lúc đó, ông lại bảo là đã nhớ ra rồi. Thế là ông yêu cầu chúng cho ngồi lên cái võng, 2 thằng lính Pháp khiêng vào rừng để chỉ chỗ. Đi hết núi này đến đồi nọ lại quay về điểm xuất phát. Biết bị lừa, thằng đội Tây gầm lên. Nó xả cả một băng đạn vào ngực. Hôm ấy là chiều tối 15/6/1949. Ông tôi đã hy sinh khi chưa tròn 15 tuổi”, Thiếu tá Vừ A Bình kể lại.
Sau khi bắn Vừ A Dính, quân Pháp treo xác lên cây đào cổ thụ. Giặc bí mật phục kích nhiều ngày tại đây hòng đón bắt đơn vị vũ trang của ta tới đưa xác Dính về.
Qua nhiều ngày phục kích đón bắt lực lượng cách mạng xuất hiện không thành, bọn lính Pháp buộc phải rút quân về Tuần Giáo. Lịch sử còn ghi, ngay cái đêm Vừ A Dính hy sinh, chứng kiến cái chết hiên ngang, anh dũng của Vừ A Dính, hơn mười tên lính ngụy đã bỏ trốn khỏi hàng ngũ của địch.
Phát huy truyền thống
Tiếp nối truyền thống của cha ông, bao người con của mảnh đất Pú Nhung đã sớm giác ngộ tinh thần yêu nước. Họ rèn sức, luyện tài để trở thành người có ích cho xã hội. Bố của Thiếu tá Bình là ông Vừ Nhè Súa cùng em trai (ông Vừ Giống Kha), em gái (Vừ Thị Khua)… là những cán bộ, đảng viên mẫu mực, giữ chức vụ quan trọng trong hệ thống chính quyền và lực lượng vũ trang địa phương. Họ tiếp tục truyền dạy cho các thế hệ đi sau về tinh thần đoàn kết, nỗ lực vươn lên để vượt qua nghèo khó, xây dựng quê hương.
Ông Vừ Nhè Súa nguyên là Thiếu tá quân đội nghỉ hưu, tuổi cũng đã cao, sức khỏe có nhiều giảm sút sau đợt tai biến gần đây. Tuy vậy, ông vẫn là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho con cháu trong dòng họ Vừ ở Pú Nhung.
Từ lời truyền dạy của cha ông, Thiếu tá Vừ A Bình vốn là thanh niên nông thôn nghèo đã quyết tâm vươn lên trong học tập để đứng trong lực lượng công an nhân dân, tham gia bảo vệ an ninh trật tự.
“Điện Biên là mảnh đất biên giới, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội. Bởi vậy, từ đầu tôi đã xác định khi vào công tác trong ngành sẽ làm hết trách nhiệm của mình; Góp phần để nhân dân yên tâm lao động, sản xuất và làm giàu chính đáng”, Thiếu tá Vừ A Bình bộc bạch.
“Ngay từ nhỏ, nghe lời kể về các cụ của tôi, về câu chuyện của ông Dính và ông nội tôi trong thời kỳ chống Pháp, chúng tôi rất tự hào và đã nhận thức được tình yêu quê hương. Hồi ấy, nhà các cụ nghèo, lại đông con nên việc chăm sóc, giáo dục vẫn còn hạn chế. Song mỗi người con, em như chúng tôi đều tự ý thức được trách nhiệm với gia đình và xã hội. Những ai làm cán bộ đều gương mẫu thực hiện nhiệm vụ. Còn những ai không thể thoát ly thì hăng hái lao động, sản xuất, chấp hành quy định tại địa phương. Nếu không như vậy sẽ không xứng đáng với những gì cha ông đã hy sinh”, Thiếu tá Vừ A Bình tâm sự.
“Ngoài việc bảo ban các cháu ở quê, tôi dạy bảo ngay từ 2 người con của mình về truyền thống của gia đình, của quê hương”, anh Bình chia sẻ.
Vợ chồng anh Bình sinh được 2 người con là Vừ A Thu (SN 1998) và Vừ Hoài Nam (SN 2001). Dưới sự giáo dục, định hướng phù hợp của bố mẹ, cả hai đều chăm ngoan, học giỏi. Thu và Nam đang là sinh viên của các trường đại học uy tín trong nước.
“Trước kia, ở quê còn nghèo, các cháu bỏ học nhiều. Rồi sau được cha ông tuyên truyền, bảo ban nên tình trạng bỏ học giữa chừng không còn. Hầu hết ở Pú Nhung con em đều đến trường đầy đủ. Những năm gần đây, nhiều cháu thi đỗ vào các trường đại học với số điểm cao, 27 - 28 điểm. Đó là điều mà những bậc làm cha, làm mẹ như chúng tôi cảm thấy vui. Các cháu sẽ được mở mang hơn khi được ra bên ngoài học tập và công tác, tương lai sẽ tươi sáng hơn”, anh Bình tâm sự.
Đổi thay trên quê hương cách mạng
Xã Pú Nhung có 8 bản với 811 hộ gia đình sinh sống. Cả xã chỉ có 5 hộ người Kinh, 11 hộ người dân tộc Phù Lá, còn lại là đồng bào Mông. Tuy là các dân tộc khác nhau, song tất cả đều đoàn kết, đồng lòng, chung tay xây dựng quê hương Pú Nhung giàu mạnh.
Là cán bộ kế cận của các thế hệ người cháu, người con ở dòng họ Vừ, ông Vừ A Kỷ - Chủ tịch UBND xã Pú Nhung cảm nhận rõ về tinh thần đoàn kết cũng như sự đổi thay trên quê hương mình.
“Người dân chúng tôi thường xuyên giáo dục truyền thống tốt đẹp cho thế hệ trẻ. Công việc này đã duy trì từ nhiều đời nay. Quan điểm là toàn dân không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, mà phải tự mình vươn lên trong lao động, sản xuất để làm giàu chính đáng”, ông Kỷ cho biết.
“Trong bản, trong xã nhà nào có công việc cần huy động nhân lực, chẳng ai bảo ai, các gia đình tự giác cắt cử người đến giúp đỡ bằng công lao động và không có thù lao hay đòi hỏi gì khác. Nhà nào nghèo, có việc cưới, việc tang, các hộ xung quanh tự giác mỗi nhà mang một lu thóc, qua suối thì lấy thêm một vài can nước đến đóng góp giúp gia chủ”, ông Kỷ nói thêm.
Dù cuộc sống của đồng bào Mông ở xã Pú Nhung còn muôn vàn khó khăn với tỷ lệ hộ nghèo khoảng 39%, song phải khẳng định bức tranh nông thôn ở đây đã có nhiều đổi khác. Nhân dân vẫn miệt mài trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo với mục tiêu mỗi năm giảm 5%. Toàn xã luôn đồng sức, chung lòng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Hơn 800 hộ dân vẫn duy trì bền bỉ việc xây dựng nếp sống văn hóa mới. Hàng năm, tỷ lệ người dân đến khám chữa bệnh ngày càng tăng. Học sinh tự giác đến trường đông đủ với mong muốn sẽ có tương lai tươi sáng hơn.