"Xin thông báo, đã đến giờ học buổi tối tại nhà"

"Xin thông báo, đã đến giờ học buổi tối tại nhà"

(GD&TĐ) - 7h tối, ở một vùng quê (cách Hà Nội khoảng 30 km về phía Bắc), những chiếc loa phóng thanh bắt đầu dạo bản nhạc quen thuộc, gợi lên những lời hát thân thương với bao thế hệ học trò: “Em yêu trường em, với bao bạn thân và cô giáo hiền. Em yêu quê hương...”.

Đó chính là những âm thanh được gióng lên bao năm nay đúng vào lúc 7h tối trên khắp các thôn, xã của huyện Yên Phong (tỉnh Bắc Ninh), mà tìm hiểu ra thì chúng tôi được biết điều đặc biệt này khởi nguồn từ thôn Phú Mẫn nổi tiếng một thời với phong trào “học tập tốt và chăm sóc trâu bò béo” từng được Bác Hồ gửi thư khen ngợi...

Trống "gọi" học bài

Sau đoạn nhạc từ bài hát “Em yêu trường em”, trong không gian yên ả của những ngõ xóm ở thôn Phú Mẫn, chiếc loa phóng thanh tiếp tục ngân lên lời giục giã dường như đã trở thành một phần của buổi tối quê nơi đây: “Xin thông báo, đã đến giờ học buổi tối tại nhà. Đề nghị các bậc phụ huynh học sinh tạo điều kiện tốt nhất cho các em ngồi vào học. Yêu cầu các em học sinh ngồi vào bàn học nghiêm túc, đúng giờ...Tùng, tùng, tùng...”.

Những âm thanh đặc biệt như vậy diễn ra chỉ trong khoảng 3,5 phút từ đúng 7h tối hàng ngày (trừ thứ 7). Nhưng những giá trị thực có được từ sau khoảng khắc thúc giục tinh thần đó, chính là lý do khiến chúng tôi muốn đến tận bàn học trong các gia đình nơi vùng quê yên ả này.

Trời ngả tối, ông Đỗ Văn Liễn, 75 tuổi (PCT Hội Khuyến học huyện Yên Phong, một trong những người gắn bó với “tiếng trống giục học” cũng như phong trào khuyến học ở đây từ những năm 60 của thế kỷ trước) vẫn nhiệt tình đến tận các gia đình trong thôn Phú Mẫn “giới thiệu” chúng tôi để các bậc cha mẹ cho phóng viên xem con họ đang học bài, ôn bài buổi tối như thế nào.

Chăm chú học bài bên cạnh chị và em gái, em Nguyễn Thị Thu Quỳnh (đang học lớp 7) dừng bút giây lát trò chuyện với chúng tôi về thói quen học bài ở nhà mỗi tối: “Hầu như tối nào 7h chị em cháu cũng ngừng vui chơi để học bài. Bố mẹ không phải giục đâu ạ! Bọn cháu quen rồi, nên hễ có “tiếng trống” là tự động ngồi vào bàn học”. Quỳnh cho biết ngoài việc học ở lớp, thì thời gian học mỗi tối tại nhà cũng không nhiều, nhưng đó là thói quen của cả 3 chị em.

Hai chiếc bàn gỗ nhỏ kê thành góc học tập cho 3 chị em gái Nhung, Quỳnh, Thơm. Làm gương cho các em, cô chị cả Nguyễn Thị Nhung (HS lớp 12, Trường THPT Yên Phong 1) cũng chăm chỉ học buổi tối. Em cho biết, đã học bài buổi tối theo tiếng trống giục học từ suốt những năm học phổ thông, các em của Nhung cũng vậy. Hai em của Nhung đều là HS giỏi, còn Nhung có 12 năm là HS giỏi và tiên tiến.

Cô bé nhỏ nhất nhà là Nguyễn Thị Út Thơm có gương mặt xinh xắn, thông minh, như bừng sáng dưới đèn bàn học. Khi được hỏi: Học tiểu học 2 buổi/ ngày ở trường, sao về nhà tối vẫn học nữa? Bé Thơm không ngại ngần nói: “Các chị học tối nên cháu cũng muốn học. Cháu học hết bài trong sách còn làm bài chị “ra” thêm...” 

Hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn, nhưng học bài chăm chỉ mỗi tối là một yếu tố giúp Nguyễn Thị Dung (áo trắng ngồi giữa) vào được giảng đường một trường ĐH có danh tiếng.
Hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn, nhưng học bài chăm chỉ mỗi tối là một yếu tố giúp Nguyễn Thị Dung (áo trắng ngồi giữa) vào được ĐH 

Thức tỉnh thái độ và ý thức học tập

Theo lời kể của ông Đỗ Văn Liễn, từ năm 1966, ở Phú Mẫn đã có phong trào học tập tốt và chăn trâu bò béo. Bác Hồ khi đọc trên báo của tỉnh Hà Bắc lúc bấy giờ (nay là Bắc Ninh) biết được nên đã gửi thư khen Hợp tác xã măng non Phú Mẫn và khen cụ thể hai việc tốt là “học tập tốt và chăm sóc trâu bò béo”. Từ đấy trở đi phong trào học tập từ thôn được lan rộng khắp trong huyện. Nhiều cơ quan nghiên cứu của Bộ Giáo dục đã về thăm điểm sáng khuyến học này, đích thân Bộ trưởng Bộ GD Nguyễn Văn Huyên cũng đã về thăm và khen việc thực hiện tốt nguyên lý phương châm giáo dục của Đảng. Từ bấy giờ tiếng trống khuyến học (giục học bài mỗi tối) đã dần góp phần tăng thêm ý thức học tập của HS, cũng như nâng cao hơn nữa sự quan tâm đến GD của các bậc phụ huynh. Tiếng trống khuyến học được thu âm, in thành đĩa, phát cho 14 xã trong huyện để có chung một nhạc hiệu và lời giục học bài...

Ông Nguyễn Quốc Huân -Trưởng phòng GD huyện Yên Phong khẳng định: “Tiếng trống giục học buổi tối như một cách thức tỉnh thái độ và ý thức học tập tạo nên một nét văn hoá của vùng quê Yên Phong”. Nó góp phần tạo nên ý thức trong các bậc phụ huynh, học sinh và nhân dân quan tâm, chăm lo đến GD. Trực tiếp hơn, tiếng trống đã góp phần quan trọng tạo nề nếp và ý thức trong HS, từ đó tạo nên thói quen tự giác học tập. Thời gian học tập của các em được tăng lên và hiệu quả hơn.

“Nếu không có tiếng trống này có thể có em vẫn ngồi học buổi tối, nhưng việc học đó khác với thái độ, ý thức học của các em khi có tiếng trống giục học”- Ông Huân cho biết một thực tế- “Nếu không có tiếng trống ấy có em chỉ ngồi học được một tiếng, nửa tiếng, nhưng nghe tiếng trống và lời giục học ấy có thể em quyết ngồi học được 2, 3 tiếng. Cả về thời gian và chất lượng học tập đều thể hiện tác dụng của “tiếng trống học bài” một cách rõ ràng. 

Những trái ngọt

Phóng viên báo GD&TĐ đã ghé thăm nhà anh Nguyễn Huy Dưỡng ở Phú Mẫn (một hộ gia đình hoàn cảnh rất khó khăn). Trong suốt câu chuyện với khách, anh Dưỡng chỉ có mỗi niềm hãnh diện lớn nhất để khoe, đó là hai đứa con chăm ngoan, học giỏi. Cậu con trai cả đang là sinh viên năm cuối Trường ĐH Kiến Trúc và cô con gái là sinh viên năm thứ 3 ĐH Kinh tế Quốc dân.

Anh Dưỡng cho biết. Nguồn thu nhập chính của cả gia đình 5 người (1 mẹ già, 2 vợ chồng nông dân, một con trai, một gái đang đi học ĐH) chỉ vỏn vẹn 8 sào ruộng, lo đủ ăn đã chật vật... “Tiền ăn học của các con vay chỗ này, chỗ khác, họ hàng, làng xóm đâu còn cho vay được là tôi đến vay, tiền bán thóc, cộng với tiền nhà nước hỗ trợ (theo chính sách cho sinh viên nghèo vay vốn để học), cứ vay rồi xoay xở trả dần... Chúng nó còn học được thì gia đình tôi phải cố cho học”- anh Dưỡng lộ rõ quyết tâm.  

 Còn với cô con gái anh Dưỡng là cháu Nguyễn Thị Dung lại bộc bạch: “Tiếng trống giục học ở quê hương đã có tác dụng rất tốt đối với hai anh em gia đình nghèo không có tiền học thêm hay điều kiện học thuận lợi như gia đình cháu. Tiếng trống giục học mỗi tối như một hiệu lệnh buộc cháu phải đi học. Bây giờ đã học ĐH rồi, nhưng mỗi lần về quê vào cuối tuần, nghe tiếng trống ấy cháu lại có một cảm giác rất lạ, cũng thấy muốn ngồi vào bàn học để ôn bài...”.

Cũng là con nhà nghèo như Nguyễn Thị Dung, Đặng Đình Cương- cậu sinh viên năm thứ nhất ĐH Công Nghiệp HN lại chia sẻ về hoàn cảnh gia đình mình: Nhà có 3 anh em, Cương cả, còn em trai học lớp 7, em gái học lớp 3. Mẹ Cương bị dị tật ở chân, gia đình rất khó khăn và vì nghèo nên không có thuốc men điều kiện để chữa bệnh. Cương ra Hà Nội học ĐH từ năm học này, nhưng cuối tuần cậu lại về quê thăm gia đình, bảo ban hai đứa em học hành, hoặc giúp bố mẹ việc vặt trong nhà.

Bố mẹ Cương chỉ chuyên làm ruộng. Nông nhàn thì người cha đi làm phu hồ thêm ở khắp nơi để kiếm tiền cho mấy đứa nhỏ đi học, người mẹ có thêm nghề phụ là muối dưa cà,l àm tương... bán. Hàng tháng bố mẹ Cương vay tiền hỗ trợ sinh viên nghèo được 300 nghìn. Ngoài ra, họ phải thường xuyên vay thêm tiền từ họ hàng, người quen để có 1,2 triệu mỗi tháng gửi lên Hà Nội cho Cương đi học.

Cũng giống nhiều HS nghèo, không có điều kiện được học thêm, đến các lò luyện thi lớn, Cương thi đỗ ĐH chủ yếu bằng “phương pháp” tự học, tự ôn bài trong SGK mỗi tối để bước vào kỳ thi ĐH. “Cứ tới 7h tối có tiếng trống là cháu và các em đi học bài, dù đang làm gì bố mẹ cũng bảo để đấy học bài đã”- Cương cho biết. Gia đình này cũng như nhiều gia đình khác ở Yên Phong lâu nay đã có thói quen ăn cơm sớm trước 6h30 để tới 7h thì trẻ con có thể ngồi vào bàn học.

Có một điều thú vị nữa mà chúng tôi được Cương cho biết là các bạn học cùng lớp cấp 3 với em ở Trường THPT Yên Phong 1 thi đỗ ĐH với tỷ lệ tới 20/37 bạn (đây cũng là một trường nằm trong top 100 trường có tỷ lệ HS đỗ ĐH, CĐ cao nhất cả nước). Như vậy chắc hẳn không chỉ có Cương, Dung... mà ở Yên Phong còn không ít học sinh đến với cổng trường ĐH, CĐ nhờ những buổi tối chăm chỉ ôn luyện bài vở theo tiếng trống giục học. 

Tiếng trống khuyến học (cùng lời giục học bài) nhiều năm qua vẫn vang lên đúng vào 7h tối ở vùng quê Yên Phong... Tiếng trống giục học buổi tối đã thực sự hưởng ứng tích cực và đầy hiệu quả vào phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Bởi từ tiếng trống ấy đã góp phần đưa HS vào nề nếp, nâng cao ý thức trong học tập của các em...                                                                  

Lan Hương, Đức Hạnh

Tổng kết 13 năm làm theo thư Bác Hồ, ở Yên Phong, thành tích học tập năm sau kết quả cao hơn năm trước. Từ năm đầu tiên chỉ có 237 học sinh tiên tiến, xuất sắc thì đến bây giờ là hơn 600 HS đạt các thành tích cao trong học tập. Trước chỉ có 5 HS giỏi cấp tỉnh, đến nay đã có tới 29 HS giỏi cấp tỉnh, 5 HS giỏi Quốc gia, 1 HS đoạt Huy chương Vàng Olympic quốc tế...

Bình luận

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

IVES hiện thực hoá giấc mơ du học Đức

IVES hiện thực hoá giấc mơ du học Đức

Trường THCS-THPT Lê Quý Đôn và Viện Nghiên cứu Giáo dục Nghề nghiệp (IVES) phối hợp tổ chức chương trình 'Định hướng nghề nghiệp cho học sinh THPT – Khối 10'.