Tổng kết và trao giải cuộc thi “Sáng tác ca khúc về thầy cô và mái trường"

Cuộc thi “Sáng tác ca khúc về thầy cô và mái trường” (Cuộc thi) do Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức. Báo Giáo dục và Thời đại được giao là đơn vị thường trực, tổ chức thực hiện.

Tổng kết và trao giải cuộc thi “Sáng tác ca khúc về thầy cô và mái trường"
Tổng kết và trao giải cuộc thi “Sáng tác ca khúc về thầy cô và mái trường" ảnh 1

Lễ tổng kết và trao giải Cuộc thi diễn ra từ 20h ngày 23/10, tại Nhà hát lớn thành phố Hà Nội có sự tham dự của:

Ông Nguyễn Kim Sơn, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; Ông Phùng Xuân Nhạ, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; Ông Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; Ông Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch.

Thiếu tướng, Nhà văn Nguyễn Hồng Thái, Tổng biên tập Tạp chí Công an Nhân dân; PGS, TS Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam; Ông Phạm Ngọc Khôi, Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam; Nhà báo Triệu Ngọc Lâm, Tổng Biên tập Báo Giáo dục và Thời đại, Trưởng ban tổ chức; Ông Đỗ Quốc Hưng, Trưởng khoa Thanh nhạc, Học viện Âm nhạc Việt Nam.

Cùng sự góp mặt của các nhạc sĩ; các tác giả có tác phẩm đạt giải.

Ông Nguyễn Kim Sơn, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Ông Nguyễn Kim Sơn, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Ông Phùng Xuân Nhạ, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo
Ông Phùng Xuân Nhạ, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo
PGS, TS Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam
PGS, TS Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam

Với mục đích khích lệ, động viên và khơi dậy niềm tự hào đối với đội ngũ cán bộ, giáo viên ngành Giáo dục; đồng thời là dịp thể hiện tình cảm, sự tri ân đối với những đóng góp của các thế hệ nhà giáo, Cuộc thi “Sáng tác ca khúc về thầy cô và mái trường” đã thu hút được sự tham gia đông đảo của các tác giả chuyên, không chuyên trong cả nước.

Ca khúc "Bài ca về mái trường"(Nhạc và lời: Nguyễn Ngọc Thịnh) mở màn buổi lễ.
Ca khúc "Bài ca về mái trường"(Nhạc và lời: Nguyễn Ngọc Thịnh) mở màn buổi lễ.

Cuộc thi đã nhận được hơn 400 tác phẩm tham dự, tập trung phản ánh truyền thống và những nét đẹp của nghề giáo, những cống hiến thầm lặng của người làm công tác giáo dục trên khắp mọi miền Tổ quốc.

Trong số các tác phẩm này, Ban Giám khảo đã chấm điểm, lựa chọn được 30 tác phẩm đạt giải, trong đó có 2 giải Nhất; 4 giải Nhì; 8 giải Ba và 16 giải Khuyến khích.

Thông tin cụ thể về các tác giả, tác phẩm đạt giải sẽ được công bố tại Lễ trao giải tối nay.

Nhấn F5 để cập nhật nội dung mới nhất

report

Nhạc sĩ Đỗ Thanh Khang: Văn nghệ sĩ sẽ có thêm nhiều tác phẩm về thầy cô và mái trường

Nhạc sĩ Đỗ Thanh Khang (Ảnh: NVCC)
Nhạc sĩ Đỗ Thanh Khang (Ảnh: NVCC)

Từ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, nhạc sĩ Đỗ Thanh Khang (Hội viên Ban Âm nhạc - Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) chia sẻ: Từ năm 2018 tới nay, tôi đã có 6 giải thưởng ở các cuộc thi ca khúc và tôi luôn có mặt để nhận giải vì được giải là niềm vui, niềm tự hào lớn của người sáng tác.

Lần này, thật tiếc vì dịch Covid -19 mà tôi không thể ra Hà Nội để nhận giải được, bỏ lỡ cơ hội gặp gỡ, giao lưu với các nhạc sĩ đoạt giải để học hỏi thêm.

Cảm ơn Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức cuộc thi rất ý nghĩa nhằm tôn vinh các thế hệ thầy, cô giáo - những kỹ sư tâm hồn đang ngày đêm dạy dỗ những lớp người kế tiếp trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.

Qua cuộc thi này, tôi tin rằng các văn nghệ sĩ sẽ có thêm nhiều tác phẩm ở các thể loại về chủ đề thầy cô và mái trường; dư luận xã hội và các bậc phụ huynh cũng sẽ quan tâm hơn trong việc kết hợp với nhà trường để giáo dục con em mình.

Với tôi, giải thưởng này sẽ là nguồn động viên rất lớn để tôi có thêm nhiều cảm xúc khi viết ca khúc để tôn vinh ngành Sư phạm, góp phần giáo dục, động viên thế hệ trẻ ngày càng chăm ngoan.

Mong rằng, hàng năm sẽ có thêm các cuộc thi, các cuộc vận động sáng tác nghệ thuật để có nhiều tác phẩm tri ân các thầy, cô giáo, các CB-CNV của ngành giáo dục.

Kim Thoa

report

Nhạc sĩ Kiều Tấn Minh chia sẻ niềm vui, niềm hạnh phúc từ nơi xa

Nhạc sĩ Kiều Tấn Minh (Ảnh: NVCC)
Nhạc sĩ Kiều Tấn Minh (Ảnh: NVCC)

Ngay lúc này, từ TP. Hồ Chí Minh, nhạc sĩ Kiều Tấn Minh (Hội Âm nhạc TP. HCM) chia sẻ: Tôi vô cùng hạnh phúc khi đoạt giải cuộc thi sáng tác ca khúc về thầy cô và mái trường do Bộ GD&ĐT tổ chức. Lễ tổng kết, trao giải được tổ chức vào 23/10 tại Nhà hát lớn Hà Nội một cách trang trọng, hoành tráng. Tuy nhiên, rất tiếc vì tình hình dịch bệnh  Covid-19 nên tôi không thể có mặt.

Là nhạc sĩ và từng là người thầy đứng trên bục giảng nên tôi rất tâm đắc với cuộc thi này. Một đề tài tuy dễ mà khó. Dễ viết nhưng có để lại dấu ấn dài lâu trong tâm trí người thưởng thức hay không, đó là một thử thách thú vị và cần thời gian trải nghiệm của tác phẩm trong đời sống văn nghệ của ngành giáo dục…

Cuộc thi có ý nghĩa sâu sắc, gợi mở nhiều góc độ sáng tác cho người dự thi từ vị trí người thầy, người cô, học trò, tất cả cùng giao thoa tình cảm trên cơ sở tôn sư trọng đạo, mang đậm bản sắc đạo lý người Việt Nam. Đồng thời, góp phần giáo dục các thế hệ học sinh càng thêm yêu quê hương, đất nước, yêu quý thầy cô, bè bạn và kỷ niệm dưới mái trường thời đi học.

Tính nhân văn và sức lan tỏa được thể hiện bởi chất lượng tác phẩm dự thi và sự chăm chút trong truyền thông của cuộc thi đã cho kết quả thật tuyệt vời như hôm nay.

Tôi xin gửi lời cảm ơn quý Ban Tổ chức và xin được chia sẻ niềm vui niềm hạnh phúc từ một nơi xa.

Kim Thoa

report

Đảm bảo an toàn phòng dịch cho lễ trao giải

Các đại biểu đến dự buổi Lễ được đo thân nhiệt, khai báo mã QR theo đúng quy định của Bộ Y tế

Tổng kết và trao giải cuộc thi “Sáng tác ca khúc về thầy cô và mái trường" ảnh 8
Tổng kết và trao giải cuộc thi “Sáng tác ca khúc về thầy cô và mái trường" ảnh 9
Tổng kết và trao giải cuộc thi “Sáng tác ca khúc về thầy cô và mái trường" ảnh 10
Tổng kết và trao giải cuộc thi “Sáng tác ca khúc về thầy cô và mái trường" ảnh 11

Thế Đại

report

Chia sẻ của cô giáo Trần Thị Hường (Trường THCS Nguyễn Du, Di Linh, Lâm Đồng) - tác giả ca khúc “Hạnh phúc của em”

Kim Thoa

report

Văn nghệ chào mừng

1. Bài hát: Bài ca về mái trường

Nhạc và lời: Nguyễn Ngọc Thịnh

Do Tốp ca nam nữ cùng nhóm múa biểu diễn

Tổng kết và trao giải cuộc thi “Sáng tác ca khúc về thầy cô và mái trường" ảnh 12

2. Tác phẩm: Em là cô giáo vùng cao

Nhạc và lời: Trần Văn Hùng

Do Trần Hồng Nhung SAO MAI 2017 và nhóm  múa biểu diễn

Thanh Thủy

report

Nhạc sĩ Đào Hữu Thi: Mong muốn giải sẽ được tổ chức hàng năm, tạo động lực cho các nhạc sĩ có niềm cảm hứng sáng tác

Tổng kết và trao giải cuộc thi “Sáng tác ca khúc về thầy cô và mái trường" ảnh 13

Có mặt tại lễ trao giải, nhạc sĩ Đào Hữu Thi- tác giả ca khúc “Em là cô giáo vùng cao” chia sẻ niềm vui khi tác phẩm của mình được Ban tổ chức lựa chọn là một trong những tác phẩm lọt vào vòng chung kết. Đánh giá cao sáng kiến, nỗ lực của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong quá trình tổ chức giải, nhạc sĩ mong muốn giải sẽ được tổ chức hàng năm, tạo động lực cho các nhạc sĩ có niềm cảm hứng sáng tác, để có những tác phẩm ấn tượng, sâu sắc hơn nữa về đề tài thầy cô và mái trường.

Vân Anh

report

Nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thịnh: Sống lại tuổi thơ đẹp, đầy ý nghĩa

Nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thịnh
Nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thịnh

Năm nay, nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thịnh tham gia Cuộc thi “Sáng tác ca khúc về thầy cô và mái trường” với ca khúc mang tên "Bài ca mái trường".

Chia sẻ trước lễ trao giải, nhạc sĩ Ngọc Thịnh cho biết, ca khúc được sáng tác trong cảm xúc sâu sắc về thầy cô, bạn bè, mái trường, về tuổi thơ và quê hương thân yêu.

Đánh giá cao ý nghĩa nhân văn của Cuộc thi, theo nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thịnh, với Cuộc thi này, mình vừa có cơ hội để tri ân những người Thầy đã dìu dắt qua năm tháng, vừa được sống lại tuổi thơ đẹp, đầy ý nghĩa. 

Nguyễn Nhung

report

Gạch nối xã hội với giáo dục

Là vợ của nhạc sỹ Lê Thống Nhất, bà Trần Thị Tạo không giấu nổi niềm vui khi chồng mình vinh dự là một trong những tác giả được giải Cuộc thi “Sáng tác ca khúc về thầy cô và mái trường”.

“Cả hai vợ chồng đều xuất thân là nhà giáo nên khi Bộ GD&ĐT phát động cuộc thi, chồng tôi đăng ký tham dự ngay. Vì thế, ông viết với tâm trạng hồ hởi, vui tươi, xen lẫn là sự biết ơn, tri ân” – bà Tạo bộc bạch, đồng thời bày tỏ tự hào về chồng của mình.

Bà Trần Thị Tạo và chồng tại lễ trao giải.
Bà Trần Thị Tạo và chồng tại lễ trao giải.

Đến tham dự lễ trao giải, bà Tạo mong muốn, các tác phẩm sẽ sớm được lan toả đến các nhà trường, các thế hệ học sinh và được công chúng đón nhận. Qua đó, tạo nên những gạch nối giữa xã hội với giáo dục, để mọi người thêm yêu, thêm tự hào về sự nghiệp giáo dục, đào tạo của nước nhà.

Thông qua mỗi ca khúc, mỗi người sẽ thấy những miền kí ức của mình về một thời áo trắng, về thầy cô và mái trường mà mình đã từng theo học.

Minh Phong

report

Tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu:

Cuộc thi “Sáng tác ca khúc về thầy cô và mái trường” là sự kiện do Báo Giáo dục và Thời đại thực hiện dưới sự chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Cuộc thi được tổ chức nhằm khích lệ, động viên và khơi dậy niềm tự hào đối với đội ngũ cán bộ giáo viên ngành giáo dục, đồng thời là dịp để các tác giả thể hiện tình cảm, sự tri ân đối với những đóng góp của các thế hệ nhà giáo trong sự nghiệp giáo dục.

Qua sự kiện này, những tác phẩm âm nhạc xuất sắc sẽ góp phần làm phong phú thêm cho hoạt động văn hóa, văn nghệ và đời sống tinh thần trong nhà trường.

Cuộc thi đã nhận được hơn 400 tác phẩm tham dự. Số lượng bài lớn, giá trị nghệ thuật xuất sắc khẳng định sự thành công vượt trội của cuộc thi. Và hôm nay, được sự đồng ý của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ban tổ chức cuộc thi long trọng tổ chức Lễ tổng kết và trao giải cuộc thi “Sáng tác ca khúc về thầy cô và mái trường”

Các đại biểu tham dự Chương trình:

Ông Nguyễn Kim Sơn, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; Ông Phùng Xuân Nhạ, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; Ông Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; Ông Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch.

Thiếu tướng, Nhà văn Nguyễn Hồng Thái, Tổng biên tập Tạp chí Công an Nhân dân; PGS, TS Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam; Ông Phạm Ngọc Khôi, Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam; Nhà báo Triệu Ngọc Lâm, Tổng Biên tập Báo Giáo dục và Thời đại, Trưởng ban tổ chức; Ông Đỗ Quốc Hưng, Trưởng khoa Thanh nhạc, Học viện Âm nhạc Việt Nam.

Đến tham dự buổi lễ còn có sự hiện diện của đại diện lãnh đạo các cơ quan Ban, Ngành T.Ư, Hội Nhạc sĩ các tỉnh, thành phố; Các đơn vị trực thuộc Bộ GD&ĐT, đại diện sở, ngành các địa phương, các nhạc sĩ  và các cơ quan thông tin báo chí của Trung ương và Hà Nội.

Tú Anh

report

Nhà báo Triệu Ngọc Lâm, Tổng Biên tập Báo Giáo dục và Thời đại, Trưởng ban Tổ chức phát biểu khai mạc

Tổng kết và trao giải cuộc thi “Sáng tác ca khúc về thầy cô và mái trường" ảnh 16
Cuộc thi đã nhận được hơn 400 tác phẩm tham dự. Số lượng bài lớn, giá trị nghệ thuật xuất sắc khẳng định sự thành công vượt trội của cuộc thi, đạt hiệu quả tốt về công tác truyền thông.

Phát biểu khai mạc, ông Triệu Ngọc Lâm – Tổng biên tập Báo Giáo dục & Thời đại – cho biết: Cuộc thi “Sáng tác ca khúc về thầy cô và mái trường” do Bộ GD&ĐT phối hợp với Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức và giao cho Báo Giáo dục và Thời đại là đơn vị thường trực, tổ chức thực hiện.

Cuộc thi đã tạo được sức hút lớn và nhận được sự quan tâm không chỉ với các nhạc sĩ chuyên nghiệp, mà còn với những người sáng tác không chuyên trong ngành và ngoài ngành Giáo dục.

Mặc dù được tổ chức sau 12 năm và bị ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, song Cuộc thi đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của các đơn vị, các tác giả. Nhiều tác phẩm có ca từ, ý nhạc đẹp, mang ý nghĩa sâu sắc, đã thực sự gây xúc động cho người nghe.

Nhấn mạnh Cuộc thi đã thành công tốt đẹp, Tổng biên tập Triệu Ngọc Lâm mong muốn các đơn vị, trường học sẽ giới thiệu, phổ biến các tác phẩm đoạt giải, kể cả những tác phẩm chưa đoạt giải trong cuộc thi này tại đơn vị mình. Đồng thời, sử dụng các ca khúc trong hoạt động văn hóa, văn nghệ, nhằm tuyên truyền, tạo sức lan tỏa trong ngành và xã hội, là món ăn tinh thần của các thầy cô và các em học sinh. Qua đó, góp phần hun đúc tình yêu, sự gắn bó với mái trường, thầy cô, bè bạn trong hành trang vào đời của các thế hệ học trò.

Sỹ Điền

report

Biểu diễn ca khúc

 Ca khúc Tình cô

Nhạc: Kiều Tấn Minh

Thơ: Phạm Bạch Trúc

Do Dương Đức SAO MAI 2019 biểu diễn

Tổng kết và trao giải cuộc thi “Sáng tác ca khúc về thầy cô và mái trường" ảnh 17

Ca khúc  Em đi gieo mùa xuân đất nước

Nhạc và lời: Đặng Hoàng Long

Do Bích Ngọc SAO MAI 2015 và nhóm múa biểu diễn

Tổng kết và trao giải cuộc thi “Sáng tác ca khúc về thầy cô và mái trường" ảnh 18

Thanh Thủy

report

NSND Phạm Ngọc Khôi: Đề tài thầy cô và mái trường là nguồn cảm hứng sáng tạo

Phát biểu tổng kết, đánh giá cuộc thi, NSND, Nhạc sĩ Phạm Ngọc Khôi, Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Trưởng ban Giám khảo, cho biết: Sau khi phát động, trong một thời gian ngắn, cuộc thi nhận được sự hưởng ứng đông đảo của các nhạc sĩ chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp trong cả nước.

Điều này cho thấy sự quan tâm của tất cả nhạc sĩ đối với sự nghiệp trồng người theo lời dạy của Bác Hồ “Vì lợi ích trăm năm phải trồng người”. Sự nghiệp Giáo dục vừa là nguồn cảm xúc, vừa là động lực và nhu cầu của đông đảo những người làm công tác nghệ thuật nói chung và âm nhạc nói riêng.

NSND. NS Phạm Ngọc Khôi, Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Trưởng ban Giám khảo tổng kết, đánh giá về cuộc thi. Ảnh: Thế Đại
NSND. NS Phạm Ngọc Khôi, Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Trưởng ban Giám khảo tổng kết, đánh giá về cuộc thi. Ảnh: Thế Đại

Với hơn 400 ca khúc tham dự, đề tài được khai thác rất rộng, nhiều cấp độ, từ học sinh mầm non, mẫu giáo tới phổ thông rồi đại học. Có nhiều tác phẩm về ký ức, thầy cô trong giai đoạn đi học của những người đã trưởng thành với sự biết ơn sâu sắc, chắt chiu về lời ca đẹp, về giai điệu âm nhạc. Nhiều nhạc sĩ đã lấy chất liệu âm nhạc dân gian để viết những tác phẩm bám sát cuộc sống từ miền núi, cao nguyên tới đồng bằng mang những sắc thái riêng.

Tất cả tác phẩm tham dự lần này đều có sự tìm tòi sáng tạo với ngôn ngữ âm nhạc rất chuyên nghiệp, dàn dựng tốt. Có thể thấy các nhạc sĩ luôn đồng hành cùng ngành Giáo dục trong mọi giai đoạn.

"Đề tài về thầy cô và mái trường luôn là động lực, nguồn cảm hứng cho sáng tạo. Kết quả cuộc vận động đã là nhiều tác phẩm tốt cho công chúng, cho sự nghiệp giáo dục. Hình ảnh thầy cô luôn đẹp trong cuộc sống, trong ý nghĩ của mỗi chúng ta qua âm nhạc là nhịp cầu", ông Phạm Ngọc Khôi chia sẻ.

Tú Anh

report

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn: Lan tỏa hơn nữa những ca khúc về thầy cô, mái trường

PGS.TS Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phát biểu.
PGS.TS Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phát biểu.

Thay mặt lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn gửi lời cảm ơn trân trọng đến các tác giả, các nhạc sĩ đã tham gia cuộc thi, cảm ơn đội ngũ Ban giám khảo đã làm việc công tâm, trách nhiệm; đồng thời chúc mừng các tác giả đoạt giải.

Trong không khí vui tươi, phấn khởi cả nước hướng về Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, thay mặt lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đạo tạo, Thứ trưởng cũng gửi đến các thế hệ nhà giáo trên mọi miền Tổ quốc lời thăm hỏi thân thiết và lời chúc mừng tốt đẹp nhất.

Chia sẻ về Cuộc thi “Sáng tác ca khúc về thầy cô và mái trường”, Thứ trưởng nhận định đây là hoạt động thiết thực góp phần tạo môi trường, điều kiện cho các tác giả, nhạc sỹ tìm tòi, sáng tạo những tác phẩm mới về thầy cô, mái trường, đáp ứng yêu cầu phát triển phong trào văn nghệ trong các nhà trường, ngành Giáo dục.

Đây là cuộc thi giàu hình tượng cảm xúc về hình ảnh người thầy, thể hiện được giá trị giáo dục và tính nhân văn cao. Ngay tên gọi cuộc thi cũng đã thể hiện được vai trò của người thầy đối với các em học sinh, với nền giáo dục. Thầy cô và mái trường – nơi đã gắn bó rất nhiều kỷ niệm đẹp của tuổi thơ.

Những tác phẩm tham gia cuộc thi “Sáng tác ca khúc về thầy cô và mái trường”, dù đạt giải hay không đạt giải, cũng hứa hẹn sẽ làm phong phú thêm nội dung trong các chương trình văn nghệ của các nhà trường. Hy vọng, thông điệp ý nghĩa của cuộc thi sẽ được lan tỏa và những ca khúc sẽ trở nên quen thuộc đối với học sinh, thầy cô.

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho biết: Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013, Hội nghị Trung ương 8 khóa XI của Đảng nêu rõ “phát triển năng lực và phẩm chất người học, hài hòa đức, trí, thể, mỹ; dạy người, dạy chữ và dạy nghề”. Do vậy, trong những năm qua, ngành Giáo dục cũng đã xây dựng, ban hành nhiều quy định về chương trình môn âm nhạc nhằm giúp học sinh có điều kiện trải nghiệm, khám phá và thể hiện bản thân thông qua các hoạt động âm nhạc 

Trong thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục đẩy mạnh truyền thông để lan toả rộng rãi hơn nữa những ca khúc về thầy cô, mái trường, góp phần bồi dưỡng tâm hồn và phát triển nhân cách của học sinh, đáp ứng mục tiêu giáo dục âm nhạc theo Chương trình Giáo dục phổ thông.

Nguyễn Nhung

report

Công bố và trao giải cho các tác giả đoạt giải Khuyến khích

Thiếu tướng Nguyễn Hồng Thái, Tổng Biên tập Tạp chí Công an nhân dân; Nghệ sĩ nhân dân Đỗ Quốc Hưng, Trưởng khoa Thanh nhạc, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam lên sân khấu trao giấy chứng nhận cho các tác giả có tác phẩm đoạt giải Khuyến khích.

Tổng kết và trao giải cuộc thi “Sáng tác ca khúc về thầy cô và mái trường" ảnh 21

Danh sách 16 tác phẩm đoạt giải:

1. Tác phẩm "Thắp lên ngọn đuốc sáng"

Tác giả: Lê Hải Đăng, Chung cư 43 Hồ Văn Huê, phường 9, quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh

2. Tác phẩm "Hoa nắng sân trường"

Tác giả Nguyễn Lê An Phương - Khoa tiếng Anh, Trường ĐH Ngoại ngữ - Đại học Đà Nẵng

3. Tác phẩm "Chuyến đò ngày xưa"

Tác giả: Trịnh Vĩnh Thành, Trường THCS và TH Việt Mỹ, quận 11 thành phố Hồ Chí Minh.

4. Tác phẩm "Trường vùng cao mến yêu"

Tác giả: Hà Văn Mười, Giáo viên Trường TH Tà Chải, Bắc Hà, Lào Cai

5. Tác phẩm "Cô giáo cắm bản"

Tác giả: Tống Đức Cửu, Hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Hòa Bình

6. Tác phẩm "Ngày ấy tôi trở về"

Tác giả: Ma Thanh Quân, Khoa Nghệ thuật, Trường Cao đẳng Lào Cai

7. Tác phẩm "Ước mơ mùa khai trường"

Tác giả: Phạm Bá Chỉnh, Nhà hát cải lương Hà Nội

8. Tác phẩm "Điệp khúc đại ngàn"

Nhạc: Nguyễn Sỹ Hùng, thơ: Lê Hoài Thạnh, thành phố Quảng Ngãi

9. Tác phẩm "Mong sao…"

Tác giả: Lê Tuấn Tú, Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC

10. Tác phẩm "Gieo chữ vào Trường Sa"

Tác giả: Đoàn Nguyên Hiếu, Trung tâm Phát thanh – Truyền hình Quân đội

11. Tác phẩm "Thầy cô cho em"

Tác giả: Nguyễn Văn Minh, Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Đồng Nai

12. Tác phẩm "Gieo chữ trên rẻo cao"

Tác giả: Tô Văn, Tổ 22 Đông Phong, thành phố Lai Châu, tỉnh Lai Châu

13. Tác phẩm "Niềm vui cô giáo"

Tác giả: Nguyễn Minh Châu, Hội Văn học – Nghệ thuật Quảng Ngãi

14. Tác phẩm "Tạm biệt mái trường"

Tác giả: Đỗ Thanh Khang, Ban Âm nhạc, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu

15. Tác phẩm "Về thăm thầy cũ"

Tác giả: Nguyễn Hưng, Chi hội Âm nhạc, Hội Văn học nghệ thuật Đắc Lắk

16. Tác phẩm "Mỗi ngày là một ngày vui"

Tác giả: Lê Thống Nhất, Công ty Cổ phần Hỗ trợ trường học Việt Nam

Thanh Thủy

report

Công bố và trao giải cho các tác giả đoạt giải Ba

Ông Phạm Ngọc Khôi, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhạc sĩ Việt Nam, ông  Triệu Ngọc Lâm, Tổng Biên tập Báo Giáo dục và Thời đại, Trưởng ban Tổ chức lên sân khấu trao giấy chứng nhận và hoa cho các tác giả có tác phẩm đoạt giải Ba.

Tổng kết và trao giải cuộc thi “Sáng tác ca khúc về thầy cô và mái trường" ảnh 22

Các tác giả và tác phẩm đạt giải Ba:

1. Tác phẩm Người gieo chữ nơi đảo xa

Tác giả Trần Văn Hùng (Bộ Giao thông Vận tải)

2. Tác phẩm Người thầy của tôi

Tác giả Nguyễn Mạnh Hoạch (Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam)

3. Tác phẩm Một thời kỷ niệm

Tác giả Trần Gia Cường (Chi hội Nhạc sĩ Công an nhân dân, Bộ Công an)

4. Tác phẩm Tiếng hát trên non

Tác giả Lê Anh Hà (Trường THCS Lý Nhật Quang, huyện Đô Lương, Nghệ An)

5. Tác phẩm Cô tiên của núi rừng

Tác giả Lê Tâm (Thành phố Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh)

6. Tác phẩm Con mãi không quên

Tác giả Nguyễn Thương Thương (Tiền Giang)

7. Tác phẩm Hành khúc người đưa đò

Tác giả Cao Kỳ Nam (Trường Đại học Quy Nhơn, Bình Định)

8. Tác phẩm Hát về thầy tôi

Tác giả Quách Thái Duy (TPHCM)

Vân Anh

report

Chia sẻ của các tác giả đọat giải Ba

Tri ân thầy cô giáo ngoài biển đảo

Nhạc sĩ Trần Hùng cho rằng, hiện nay, có rất nhiều ca khúc tri ân ca ngợi thầy cô giáo và viết về các vùng miền khác nhau. Những tác phẩm đó chủ yếu tập trung vào những nơi mà các thầy cô và học sinh có điều kiện học tập thuận lợi hơn. Mặc dù trước đó cũng có những ca khúc viết về tấm gương các thầy cô và mái trường ở vùng cao cũng rất ấn tượng.

Tuy nhiên, để viết về người thầy gieo chữ ở ngoài đảo thì chưa nhiều. Vì vậy, ca khúc “Người gieo chữ nơi đảo xa” do anh sáng tác như một lời tri ân, một sự quan tâm hơn nữa tới các thầy cô giáo, các em học sinh ngoài biển đảo.

Theo nhạc sĩ, ngoài đảo, thầy cô giáo và các em đang phải tự chủ động mọi thứ, đoàn kết yêu thương kiên định vượt lên bão táp phong ba thì tình cảm thầy trò càng trân quý hơn bao giờ hết. Ở đó, người thầy không chỉ là người truyền thụ kiến thức, dạy các em biết yêu quê hương, giữ vững chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Họ còn là những người anh chị, người bạn cùng vun đắp tình cảm như người thân ruột thịt.

Động viên thầy cô

Là một trong những tác giả có tác phẩm đoạt giải cuộc thi "Sáng tác ca khúc về thầy cô và mái trường" năm 2020, tác giả Nguyễn Như Hoạch - giảng viên Khoa Thanh nhạc, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam đã chia sẻ về tác phẩm của mình.

Tác giả cho biết, ca khúc "Người Thầy của tôi" được sáng tác trong không khí chào mừng ngày nhà giáo Việt Nam. Bài hát ra đời nhằm tri ân những người thầy của mình. Chất liệu tác phẩm được sử dụng chủ yếu trên thang 5 âm của Việt Nam. Phong cách thể hiện của ca khúc trên 3 thể loại: Nhạc nhẹ, cổ điển và bán cổ điển, đại diện cho các lứa sinh viên.

"Là một giảng viên dạy âm nhạc trong bối cảnh dịch bệnh, việc học âm nhạc cũng như các môn khác còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế. Ca khúc sẽ góp phần động viên cho cả thầy và trò cùng cố gắng trong thời dịch bệnh. Vì tinh thần yêu nghề, yêu học sinh sinh viên, vì sự nghiệp nâng cao chất lượng âm nhạc cho lớp trẻ, cũng như tạo nền móng cho nền âm nhạc nước nhà phát triển", tác giả gửi gắm.

Những kí ức được tích tụ

Tác giả Trần Gia Cường chia sẻ, người Việt Nam vốn có truyền thống hiếu học. Truyền thống ấy luôn gắn với lòng biết ơn thầy, cô giáo và tình cảm hướng về mái trường. Những học trò xưa giờ dù có làm việc ở bất kì lĩnh vực nào, bao giờ cũng nhắc lại những kỷ niệm thời đi học. Tất cả những kỉ niệm ấy cứ đọng lại, tích tụ dầy lên trong kí ức. Cho đến một lúc nào đó ta ngồi nhớ lại để viết thành bài thơ, hay bài hát bao giờ cái thôi thúc trong cảm xúc cũng là nghĩ về thầy cô, về bạn bè…

Ca khúc “Một thời kỉ niệm” được ra đời trong mạch cảm xúc hòa chung niềm biết ơn thầy cô và nỗi nhớ bạn. Mạch cảm xúc ấy luôn có hình ảnh người thầy và bạn bè luôn song hành. Ơn thầy cô thực sự là ơn trời bể. Có được chúng tôi ngày hôm nay, cha mẹ thì có công sinh dưỡng, còn thầy cô thì dạy dỗ để chúng tôi trở thành người có ích cho xã hội.

Khi viết bài hát này, tác giả cho biết trước hết là viết cho chính mình, viết cho bạn bè và viết để tri ân thầy cô. Tác giả cũng gửi lời cảm ơn Báo Giáo dục và Thời đại đã tổ chức cuộc thi “Sáng tác ca khúc về thầy cô và mái trường” để cho ca khúc được thêm nhiều người biết đến và lan tỏa nhiều hơn tới các thế hệ học sinh.

Cô giáo, cô tiên của núi rừng

Tác giả Lê Tâm cho biết, năm 2018, khi tình cờ xem phóng sự “Cô tiên và đôi ủng vạn dặm” của VTV, những hình ảnh, ký ức về những giáo viên vùng núi tại Nghệ An lại ùa về trong cảm xúc của tác giả. Đó cũng là mạch nguồn để ông sáng tác tác phẩm “Cô tiên của núi rừng”.

“Xem xong phóng sự tôi rất xúc động, cùng với những kỷ niệm về chuyến đi thực tế của hơn 30 năm trước mọi ý tưởng về bài hát cứ thế hình thành trong tôi. Bài hát được phỏng theo nội dung của phóng sự nên từ khi bắt tay viết đến khi hoàn thành, phổ nhạc cũng khá nhanh”, ông chia sẻ.

Tác phẩm được ông bắt tay viết cũng vào dịp kỷ niệm 36 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/2018) đến đầu năm 2019 thì tác phẩm được hoàn thành. Qua bạn bè, người thân tác giả Lê Tâm biết được cuộc thi “Sáng tác ca khúc về mái trường và thầy cô” nên ông đã gọt dũa thêm phần chữ và nhạc để thu âm gửi tác phẩm dự thi.

Vân Anh

report

Công bố và trao giải cho các tác giả đoạt giải Nhì

Ông Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và ông Phạm Ngọc Khôi, Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam trao giấy chứng nhận và hoa cho 4 tác giả có tác phẩm đoạt giải Nhì.

Tổng kết và trao giải cuộc thi “Sáng tác ca khúc về thầy cô và mái trường" ảnh 23

 

1. Tác phẩm Em đi gieo mùa xuân đất nước

Tác giả Đặng Hoàng Long - Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội Âm nhạc Hà Nội

2. Tác phẩm Bài ca về mái trường

Tác giả Nguyễn Ngọc Thịnh - Hội Nhạc sĩ Việt Nam

3. Tác phẩm Hạnh phúc của em

Tác giả Trần Thị Hường - Giáo viên Trường THCS Nguyễn Du, Di Linh, Lâm Đồng

4. Tác phẩm Trở lại mái trường xưa

Tác giả Phạm Xuân Hải - Trưởng phòng Đào tạo Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Nghệ An

Kim Thoa

report

Chia sẻ của các tác giả đoạt giải Nhì:

Tác giả Đặng Hoàng Long với ca khúc “Em đi gieo mùa xuân đất nước”:

Nhạc sĩ Đặng Hoàng Long hiện là hội viên Hội Âm nhạc Hà Nội, Hội nhạc sĩ Việt Nam. Các tác phẩm của ông đa dạng, từ dòng nhạc dân gian, nhạc nhẹ đến thính phòng, hầu hết đều mang dấu ấn riêng.

Thông qua ca khúc “Em đi gieo mùa xuân đất nước”, nhạc sĩ Đặng Hoàng Long muốn gửi đến tất cả những người làm ngành giáo dục nói chung, thầy cô giáo nói riêng lời tri ân sâu sắc. Ông cho rằng, nếu không có những thầy cô giáo, sẽ không có thế hệ tương lai và mùa xuân của đất nước cũng không xuất hiện. Ca khúc này là món quà, lời động viên tinh thần mà nhạc sĩ muốn gửi tới các thầy cô giáo. 

"Tôi mong rằng, ca khúc sẽ góp phần hun đúc tình yêu nghề của các thầy cô, có thêm động lực trau dồi kiến thức, kỹ năng để đưa ngành giáo dục phát triển lên tầm cao mới", nhạc sĩ Đặng Hoàng Long chia sẻ.

Tác giả Nguyễn Ngọc Thịnh với tác phẩm “Bài ca về mái trường”:

Nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thịnh sinh ra và lớn lên tại Hà Tĩnh. Hiện, ông đang công tác tại Văn phòng Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Ông đã cho ra đời nhiều tác phẩm có chỗ đứng đáng tự hào trong đời sống âm nhạc Việt Nam. Hơn 40 năm sáng tác, nhạc sĩ Ngọc Thịnh đã sở hữu nhiều giải thưởng âm nhạc uy tín như Giải thưởng Liên hiệp Văn học - Nghệ thuật Việt Nam, Giải thưởng Hội nhạc sĩ Việt Nam…

Với ca khúc “Bài ca về mái trường”, nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thịnh tâm sự: Tuổi học sinh bao giờ cũng có những kỷ niệm đẹp về nơi đã nuôi dưỡng mình trưởng thành. Đó là mái trường yêu dấu - nơi gắn liền với tuổi thơ của mỗi người.

“Bài ca về mái trường” là cảm xúc luôn thường trực dâng lên trong trái tim tôi khi nhớ về bạn bè, thầy cô, về mái trường đã nuôi dưỡng ước mơ của một thời tuổi trẻ. Vì vậy, khi tôi đặt bút ghi những lời bài hát đầu tiên, những giai điệu đẹp cứ âm rung lên trong tâm trí tôi. Những kỷ niệm đẹp những tưởng đã chôn sâu trong kí ức cứ thế ùa về, ngân nga và rất sống động…

Kim Thoa

report

Trao giải cho tác giả đoạt giải Nhất

PGS.TS Nguyễn Kim Sơn, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, GS.TS Phùng Xuân Nhạ - Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo trao giải cho tác giải đoạt giải Nhất.

Tổng kết và trao giải cuộc thi “Sáng tác ca khúc về thầy cô và mái trường" ảnh 24

Danh sách tác phẩm đoạt giải 

1. Tác phẩm Em là cô giáo vùng cao

Tác giả Đào Hữu Thi (quận Long Biên, Hà Nội)

Nhạc sĩ Đào Hữu Thi sinh năm 1944 tại Hà Nội, tốt nghiệp chuyên ngành Sáng tác tại Nhạc viện Hà Nội. Ông từng là Đội trưởng Đội Văn công xung kích, Bộ Tư lệnh 473 Trường Sơn, cán bộ sáng tác âm nhạc của Đoàn Văn công Giải phóng. Năm 1988, ông về làm giảng viên Trường Đại học Văn hóa Hà Nội.

Trong sự nghiệp sáng tác của mình, nhạc sĩ Đào Hữu Thi đã viết nhiều tác phẩm ở các thể loại, trong đó có tác phẩm viết cho giao hưởng, khí nhạc được đánh giá cao, được trao tặng nhiều giải thưởng. Với 9 năm sống, chiến đấu và hoạt động nghệ thuật ở Trường Sơn, nhạc sĩ Đào Hữu Thi đã sáng tác hàng trăm ca khúc về Trường Sơn, được bạn bè, đồng nghiệp gọi là “Nhạc sĩ của Trường Sơn”. Nhạc sĩ Đào Hữu Thi cũng sáng tác nhiều ca khúc về  thầy cô giáo,  mái trường để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng khán thính giả.

2. Tác phẩm Tình cô

Nhạc: Kiều Tấn Minh

Thơ: Phạm Bạch Trúc

Hội Âm nhạc thành phố Hồ Chí Minh

Nhạc sĩ Kiều Tấn Minh sinh năm 1956, quê ở huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An. Ông là hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam, hội viên hội nhạc sĩ TPHCM. Hiện ông giữ vai trò Chi hội phó chi hội 3 Hội Âm nhạc TPHCM.

Một số ca khúc đáng chú ý của nhạc sĩ Kiều Tấn Minh: “Công nhân trên chặng đường mới” - Giải A - Liên đoàn Lao động TPHCM năm 2001); “Tuổi trẻ bước vào thế kỷ mới” - Giải C - Thành Đoàn TPHCM năm 2001; “Hương hoa bưu điện” - Giải thưởng chào mừng 30 năm thành lập Cung văn hóa Lao động TPHCM; “Tự hào thanh niên thành phố Bác”  - Giải Khuyến khích chào mừng Đại hội Đoàn lần thứ VIII TPHCM năm 2007...

Năm 2001, nhạc sĩ Kiều Tấn Minh được Bộ Văn hóa - Thông tin tặng Huy chương “Vì sự nghiệp văn hóa thông tin” cùng nhiều Bằng khen, Giấy khen của sở, ban, ngành TPHCM.

Thanh Thủy - Đức Hạnh

report

Nhạc sĩ Đào Hữu Thi (giải Nhất): Chừng nào còn khỏe sẽ viết tiếp ca khúc về ngành Giáo dục và tôn vinh những người thầy

Tác giả đạt giải Nhất, nhạc sĩ Đào Hữu Thi, chia sẻ: Ca khúc “Em là cô giáo vùng cao” sáng tác năm 2018 trong bối cảnh ông và học trò có chuyến thực tế sáng tác tại huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang.

Đường lên địa đầu tổ quốc hùng vĩ hiểm trở, bỗng thấy cô gái dáng người nhỏ xinh liền đỗ ô tô lại hỏi thăm. Cuộc trò chuyện của nhạc sĩ với cô gái trong 1 giờ đồng hồ và cô cho biết mình là cô giáo, đang dạy học trên bản xa.

Nhạc sĩ Đào Hữu Thi bày tỏ sự xúc động khi kể về quá trình sáng tác ca khúc.
Nhạc sĩ Đào Hữu Thi bày tỏ sự xúc động khi kể về quá trình sáng tác ca khúc.

Cô cũng chia sẻ quê ở dưới xuôi nên rất nhớ nhà khi phải xa người thân, gia đình. Tuy nhiên tình yêu học trò và những ánh mắt của trẻ vùng cao đã níu cô ở lại với ngôi trường và học sinh nơi đây…

Sau cuộc trò chuyện đó, nhạc sĩ đã phác thảo ra những ca từ của bài hát với nội dung kể về một cô giáo miền xuôi lên vùng cao dạy học. Những hình ảnh về học trò vùng cao và quá trình dạy học của cô giáo cũng được thể hiện sâu đậm, rõ nét trong ca từ. Người nghe có thể cảm nhận được những khó khăn, vất vả của cô giáo vùng cao trong quá trình dạy học…

Nhạc sĩ Đào Hữu Thi bày tỏ, bản thân là người lính 22 năm sau đó chuyển sang làm thầy giáo. Đã sáng tác nhiều bài hát về người lính và thầy cô giáo, khi nhận được giải Nhất bản thân rất xúc động. “Năm nay đã 80 tuổi, nhưng khi nào còn khỏe  sẽ còn viết những các khúc về đề tài giáo dục và tôn vinh những thầy cô giáo..." - nhạc sĩ chia sẻ.

Đức Hạnh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.