Tiến trình bị hắc hóa của chữ Vạn

GD&TĐ - Tùy theo từng nền văn hóa, chữ Vạn mang ý nghĩa khác nhau nhưng chung quy đều đại diện cho sự vĩnh cửu và viên mãn.

Ban đầu, chữ Vạn là biểu tượng may mắn, vĩnh cửu, viên mãn. Ảnh: Smithsonianmag.com
Ban đầu, chữ Vạn là biểu tượng may mắn, vĩnh cửu, viên mãn. Ảnh: Smithsonianmag.com

Thập niên 1870, nhà khảo cổ Heinrich Schliemann (Đức) tìm ra thành Troy cổ đại và trên các hiện vật của nó, ông phát hiện một biểu tượng được sử dụng phổ biến: Chữ Vạn. Với ít nhất 1.800 biến thể, chữ Vạn là biểu tượng may mắn không chỉ của nền văn minh La Mã, mà còn của cả châu Á, Mỹ, Phi… Tuy nhiên, chỉ vài thập kỷ sau, nó đã biến thành biểu tượng mà ai nấy đều khiếp sợ.

Biểu tượng may mắn

Heinrich Schliemann (1822 – 1890) là nhà khảo cổ nghiệp dư say mê sử thi Iliad của Homer, nhà thơ Hy Lạp cổ đại lừng danh. Trong khi hầu hết các nhà khảo cổ đương thời đều cho rằng các địa điểm trong Iliad đều là giả tưởng thì Schliemann lại đinh ninh chúng có thật. Ông xem sử thi này như tập bản đồ, dựa vào nó mà tìm kiếm các thành phố cổ đại trên khắp Địa Trung Hải.

tien-trinh-bi-hac-hoa-cua-chu-van-2.jpg
Heinrich Schliemann, nhà khảo cổ phát hiện và cũng là người 'bôi đen' chữ Vạn. Ảnh: Smithsonianmag.com

Một trong các địa điểm mà Schliemann khao khát tìm ra bằng được là thành Troy, nơi xảy ra cuộc chiến khốc liệt được nhắc đến cả trong Iliad lẫn Odyssey. Suốt nhiều năm làm nhà thầu quân sự,

Schliemann áp dụng lời khuyên của Homer vào mọi việc, từ tìm hiểu phong tục địa phương đến điều trị bệnh và đặc biệt là xác định vị trí thành Troy. Đến đầu thập niên 1870, ông khiến toàn thế giới kinh ngạc vì phát hiện gây chấn động: Tìm thấy di tích thành Troy tại Hisarlık, Thổ Nhĩ Kỳ. Chính trong di tích hoành tráng này, ông bắt gặp biểu tượng chữ Vạn. Nó được in, khắc trên các mảnh gốm và hiện vật cổ, có ít nhất là 1.800 biến thể khác nhau.

Hình dạng của chữ Vạn là 卍. Với sự phổ biến của nó trên các hiện vật cổ thành Troy, Schliemann tin đây là biểu tượng may mắn. Nhân chuyến đi từ Tây Tạng đến Paraguay và Bờ Biển Ngà, ông tìm hiểu thêm về chữ Vạn và rút ra kết luận nó là biểu tượng may mắn toàn cầu.

Nền văn minh đầu tiên sử dụng chữ Vạn có lẽ là Ấn Độ. Từ khoảng thế kỷ VIII trước Công nguyên, họ lấy hình dạng của nó miêu tả sợi lông xoắn trên ngực đấng sáng tạo Brahma (một trong 3 vị thần tối cao được thiết lập trong Kinh Vệ Đà), xem nó là dấu hiệu của sự thanh tịnh, tốt lành, tròn đầy.

Sau Ấn Độ là nhiều nền văn hóa tín ngưỡng khác cũng dùng chữ Vạn như biểu tượng may mắn. Tại châu Á, người ta phát hiện nó trong văn hóa Mã Gia Diêu thuộc thời kỳ đồ đá mới. Tại châu Phi, người ta tìm thấy nó trong khu vực Kush, Jebel Barkal và Bắc Kavkaz, trên các hiện vật thuộc thời đại đồ sắt... Tùy theo từng nền văn hóa, chữ Vạn mang ý nghĩa khác nhau nhưng chung quy đều đại diện cho sự vĩnh cửu và viên mãn.

Ác hóa và đen vĩnh viễn

Năm 1871, Schliemann công bố phát hiện về chữ Vạn và châu Âu lập tức bị hình dạng của ký tự này mê hoặc. Từ thương hiệu đình đám Coca - Cola đến các tổ chức thanh thiếu niên, thậm chí là cả quân đội đều thi nhau lấy chữ Vạn làm biểu tượng cho mình.

Trong tư cách là nước đầu tiên phát hiện ra chữ Vạn, Đức vô cùng tự hào. Khám phá khảo cổ cũng chỉ ra, chữ Vạn xuất hiện ở đây từ thời kỳ đồ sắt. Ngay sau khi nghe được tin Schliemann phát hiện chữ Vạn, Émile-Louis Burnouf, Hiệu trưởng Trường tiếng Pháp ở Athens đã viết thư cho nhà khảo cổ này và đề xuất “chữ Vạn nên được xem là dấu hiệu của chủng tộc Aryan”.

Ban đầu, Aryan chỉ là từ được dùng để gọi nhóm ngôn ngữ Ấn – Âu. Nói cách khác, nó là thuật ngữ thuộc ngành ngôn ngữ học và không liên quan gì đến sự phân loại dân tộc. Tuy nhiên, cũng ở cuối thế kỷ XIX, thuyết ưu sinh khai sinh.

Đức đương thời tự nhận là chủng tộc thượng đẳng và vin vào bài luận cho rằng “người Đức là hậu duệ của người Aryan huyền thoại” của nhà quý tộc Arthur de Gobineau (Pháp) mà tự nhận là chủng tộc Aryan.

tien-trinh-bi-hac-hoa-cua-chu-van-3.jpg
Trong Thế chiến II, chữ Vạn đại diện cho Đức Quốc xã và Hiler. Ảnh: Dailystar.co.uk

Schliemann là người theo thuyết ưu sinh và cổ xúy Đức thượng đẳng. Ông lập tức nghe theo Burnouf, tuyên bố người Troy là Aryan, liên kết chữ Vạn với nước Đức và chứng minh bằng các hiện vật thời đồ sắt được tìm thấy ở Königswalde,

Sachsen. Mặc dù càng khai quật rộng và tìm kiếm thêm ở nhiều nơi, chữ Vạn càng ít và không liên quan đến Đức, ông vẫn cố gắn kết nó với Aryan. Năm 1912, các nhóm người Đức tin sùng thuyết ưu sinh sử dụng chữ Vạn làm huy hiệu và kể từ lúc này, chữ Vạn gắn chặt với chủ nghĩa dân tộc Đức.

Sau khi Thế chiến I (1914 – 1918) kết thúc, Đức Quốc xã thành lập và chủ trương của nhà nước này là chủ nghĩa dân tộc Đức. Thủ tướng Adolf Hitler (1889 – 1945) càng lúc càng khiến Đức nặng chủ nghĩa thượng đẳng và cuối cùng, vào năm 1920, ông quyết định dùng chữ Vạn làm biểu tượng quốc gia.

“Tôi cho rằng, Hitler cần một biểu tượng mạnh mẽ như búa liềm của đảng cộng sản đối địch nên mới dùng đến chữ Vạn”, nhà sử học Steven Heller (Mỹ) suy đoán. Ngày 19/5/1933, Bộ trưởng Bộ Tuyên truyền Joseph Goebbels (1897 - 1945) của Đức Quốc xã còn ban hành sắc lệnh cấm sử dụng trái phép biểu tượng chữ Vạn để độc tôn sức mạnh quyền lực của nó.

Trong Thế chiến II (1939 – 1945), chữ Vạn là đại diện của Đức Quốc xã và Thủ tướng Hitler. Nó chễm chệ trên cờ Đức, được thêu lên quân phục và thậm chí còn là đội hình diễu hành mít tinh.

Bất cứ ai phản đối phát xít cũng căm ghét chữ Vạn. Một phi công người Anh chiến đấu cho quân Đồng minh còn cố ý sử dụng biểu tượng này trong nhật ký để đếm số máy bay Đức mà mình đã bắn hạ.

Thế chiến II kết thúc với sự sụp đổ triệt để của Đức Quốc xã nên lẽ ra, chữ Vạn bị hắc hóa cũng chết cùng với nó. Bản thân nước Đức sau chiến tranh cũng nỗ lực cấm biểu tượng này. Thế nhưng, các nhóm phân biệt chủng tộc theo chủ nghĩa người da trắng thượng đẳng lại tận dụng nó.

“Đến tận bây giờ, chữ Vạn vẫn bị xem là biểu tượng của cái ác. Tôi nghĩ, phương Tây đã vô phương trong việc tẩy trắng và trả lại ý nghĩa ban đầu cho nó”, sử gia Heller chỉ ra. Trong khi tại châu Á và châu Phi, chữ Vạn vẫn được sử dụng với ý nghĩa khởi nguyên thì tại các châu lục còn lại, không ít quốc gia và thương hiệu khổ sở vì nó.

Gần đây nhất, năm 2022, tiểu bang Victoria của Úc ban lệnh cấm trưng bày chữ Vạn, người cố ý vi phạm sẽ bị phạt 1 năm tù hoặc 23.077 đô la Úc.

Theo smithsonianmag

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Đồng chí Lê Minh Hưng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương trình bày các nội dung chính, trọng tâm việc triển khai tổng kết Nghị quyết số 18 – NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả". Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Sắp xếp, hoàn thiện tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng

Sáng 1/12, tại Hà Nội, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của BCHTW Đảng khóa XII; tình hình KT - XH năm 2024, giải pháp tăng tốc, phát triển KT-XH năm 2025 và tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt về thể chế.