Tiến tới bỏ chứng chỉ Ngoại ngữ, Tin học trong tuyển dụng công chức, viên chức

GD&TĐ - Trả lời về quy định về chứng chỉ liên quan đến viên chức như: ngoại ngữ, tin học;  Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, Chính phủ tập trung xem xét giảm bớt các thủ tục.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội.

Về tuyển dụng, Nghị định của Chính phủ đã quy định, đối với trường hợp tốt nghiệp các bằng chuyên môn đã chuẩn về đầu ra Ngoại ngữ, Tin học theo quy định của Bộ GD&ĐT, ví dụ như: ngoại ngữ thuộc về trình độ bậc 3 thì không cần yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ nữa.

Nếu trường đại học đào tạo chuẩn rồi thì không cần nữa. Tương ứng, những người tuyển sinh đại học, thi nâng ngạch mà những đối tượng được miễn Tin học, Ngoại ngữ thì không cần phải nộp chứng chỉ này.

Để tiến tới bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học trong vấn đề tuyển dụng, nâng ngạch công chức và thăng hạng viên chức, Bộ Nội vụ đang phối hợp với các bộ, ngành sửa đổi các tiêu chí về chuyển ngạch của công chức và hạng viên chức.

Theo đó không yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ, tin học nữa mà chỉ quy định về năng lực sử dụng Ngoại ngữ và Tin học, việc này thể hiện trong các kỳ thi kiểm tra trên máy và vi tính.

Theo Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân, trong thời gian qua, Bộ Nội vụ đã phối hợp với Bộ GD&ĐT ban hành các thông tư về chuẩn chức danh nghề nghiệp của giáo viên mầm non, phổ thông công lập; trong đó cũng không quy định chứng chỉ Tin học, Ngoại ngữ trong tiêu chuẩn đào tạo và bồi dưỡng.

“Riêng về công tác bổ nhiệm cán bộ, trước đây tôi đã nói khi bổ nhiệm công tác cán bộ phải có đủ 7 văn bằng, chứng chỉ nhưng bây giờ chúng  ta chủ yếu tập trung trình độ về chuyên môn, lý luận chính trị và trình độ quản lý Nhà nước.

Đây là 3 chứng chỉ cơ bản trong đề bạt bổ nhiệm, còn những văn bằng chứng chỉ khác chỉ phục vụ trong quá trình tiếp theo”- Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân nhấn mạnh.

Liên quan đến thực hiện xã hội hóa một số dịch vụ công, Bộ trưởng Bộ Nội vụ chia sẻ, trên cơ sở chức năng nhiệm vụ của các cơ quan chuyên môn của T.Ư và tỉnh, hiện nay các Bộ, ngành, địa phương đang rà soát lại theo Nghị quyết 19; tức là tiến hành sắp xếp lại dịch vụ công chia ra làm 4 loại.

Đối với những dịch vụ công mà Nhà nước không cần phải nắm giữ trong 4 loại hiện có thì phải có lộ trình. “Cái nào giữ lại 100% của nhà nước, cái nào phải thực hiện tự chủ, cái nào phải tiến hành xã hội hóa”, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân nói, đồng thời trao đổi:

Riêng về vấn đề y tế, giáo dục là hai lĩnh vực có nhiều dịch vụ công và đông số viên chức làm việc nhất. Chúng ta nói ở đây là xã hội hóa trong lĩnh vực y tế, không có nghĩa là tư nhân hóa các cơ sở hiện có, mà đó là mở rộng thêm các dịch vụ công trong lĩnh vực này.

Ngoài ra, tất cả các dịch công trong thời gian qua, nhất là trong lĩnh vực khoa học công nghệ, trong các lĩnh vực trung tâm kiểm định, dạy lái xe… đã tiến hành xã hội hóa.

Các cơ quan nhà nước, nhất là các cơ quan T.Ư, chúng ta chỉ thực hiện các công việc như: quy hoạch, xây dựng chiến lược phát triển; xây dựng về thể chế chính sách; hướng dẫn tổ chức triển khai thực hiện; cuối cùng thanh tra kiểm tra.

“Chúng ta chỉ tập trung làm những việc này còn những dịch vụ khác, tôi nghĩ rằng cơ quan nhà nước không nên làm. Nhà nước nên cầm đèn chứ đừng để Nhà nước cầm búa, chúng ta chỉ làm những việc ở tầm vĩ mô lớn” – Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân nói, đồng thời cho rằng, sắp xếp như vậy sẽ đẩy nhanh quá trình xã hội hóa cũng như loại bớt những dịch vụ mà Nhà nước không cần phải giữ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.