Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm: Mỗi người phải là người thầy vĩ đại của chính mình

GD&TĐ - Theo Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội tâm lý Giáo dục Hà Nội, có một người thầy rất vĩ đại chúng ta phải biết tri ân, đó là bản thân các trò. Mỗi người phải là người thầy vĩ đại của chính mình.

Ảnh minh hoạ/internet
Ảnh minh hoạ/internet

Tri ân những người thầy

TS Nguyễn Tùng Lâm chia sẻ, tri ân về những người thầy đã giúp chúng ta trưởng thành cùng năm tháng trên ghế nhà trường để không chỉ có tri thức, và quan trọng phải có nhân cách, trở thành những người tử tế, những người có phẩm chất năng lực để đóng góp, cống hiến cho xã hội.

Tri ân những người giúp đỡ mình, dẫn dắt mình trưởng thành trong cuộc sống là một phẩm hạnh mà ai cũng phải có; một người sống không biết tri ân, không biết bao dung, không có yêu thương bao la, không có lòng tự trọng, chắc chắn không thể “lớn nổi thành người”.

Vì thế, lòng tri ân của các trò gửi đến các thầy cô dạy dỗ mình là quan trọng, là cần thiết, nhưng chỉ điều đó thôi là chưa đủ. Cha mẹ ta không chỉ sinh ra ta, nuôi dưỡng ta mà còn là người thầy đầu tiên và hàng ngày giúp ta hình thành và phát triển nhân cách làm người theo năm tháng cùng với thầy cô trong mỗi nhà trường; tại sao chúng ta lại không tri ân.

Người thầy vĩ đại của chính mình

Dẫn lại câu nói của cha ông ta “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”; TS Nguyễn Tùng Lâm phân tích, người giúp ta biết được “một chữ”, hay chỉ “nửa chữ” cũng là thầy ta.

Vì thế trong xã hội, ngoài bạn bè và bất cứ ai giúp ta “một chữ” hay “nửa chữ” chúng ta lấy đó là điều quý giá và phải tri ân. Hiểu rộng ra trong mỗi trang sách các con đọc được mà khai mở cho các con trí tuệ, bồi dưỡng các con lẽ sống làm người cũng chính là những người thầy vĩ đại của chúng ta.

Lịch sử loài người đã từng tôn vinh nhiều người thầy vĩ đại của các dân tộc trên thế giới. Việt Nam chúng ta có Chủ tịch Hồ Chí Minh được UNESCO tôn vinh Danh nhân văn hóa thế giới.

TS Nguyễn Tùng Lâm.
TS Nguyễn Tùng Lâm.

“Khoa học hiện đại cũng đã chứng minh, không có phương pháp giáo dục nào thành công hơn phương pháp mỗi người hãy tự giáo dục mình một cách thường xuyên” – TS Nguyễn Tùng Lâm trao đổi, đồng thời nhấn mạnh: Biết tự giáo dục mình tức là biết tự lãnh đạo mình. Biết tự giáo dục mình tức là biết tự lãnh đạo. Phải biết tự lãnh đạo mình trước khi lãnh đạo người khác.

Nếu biết tự chiến thắng những trở ngại trong chính bản thân mình thì có thể chiến thắng bất cứ trở lực nào trên con đường đi đến thành công của chính mình.

Có vậy chúng ta mới đáp ứng được sứ mệnh và thách thức của giáo dục thế kỷ 21 là: “Thách thức lớn nhất của giáo dục là làm sao khơi mở tiềm năng của tất cả trẻ em để chúng có thể dẫn dắt cuộc sống của chính mình thay vì người khác dẫn dắt. Đây là mấu chốt của chuyển đổi giáo dục… nhiệm vụ của giáo dục là giúp đỡ mỗi đứa trẻ đưa ra những quyết định cho chính mình”.

Tôi mong các trò hãy nỗ lực phấn đấu thực hiện thật tốt phong cách “5 tự”: tự học sáng tạo; biết sống tự chủ, tự tin, tự trong, tự chịu trách nhiệm về mỗi việc làm của chính mình.

Đây là cách để mỗi trò trở thành người thầy vĩ đại của chính mình. Mỗi ngày đến trường thật sự là một niềm vui được trưởng thành, được phát triển chứ không phải là những điều ép buộc của thầy cô, của cha mẹ.

TS Nguyễn Tùng Lâm dẫn lại câu nói về người thầy vĩ đại của nhà văn Mỹ William Arthur Ward: “Người thầy bình thường sẽ chỉ nói. Người thầy giỏi sẽ giải thích. Một người thầy xuất sắc sẽ chứng minh điều mình nói, còn người thầy vĩ đại sẽ là người truyền cảm hứng”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.