Tiến sĩ Mỹ kể chuyện mưu sinh ở Việt Nam

"Việt Nam ngày nay - Chuyện mưu sinh" tập hợp 67 câu chuyện là 67 cảnh đời, chuyện nghề của những người ít được truyền thông để mắt đến: những người lơ xe, thợ sửa đồ điện, người nấu chè, thợ cắt tóc vỉa hè...

Tiến sĩ Mỹ kể chuyện mưu sinh ở Việt Nam

Họ không phải những người thành đạt, nhưng lại là những mắt xích không thể thiếu khiến xã hội chuyển động. Thế nhưng trong sự phát triển và cạnh tranh gay gắt của xã hội đương đại, tiếng nói của những người lao động chân tay, những người nghèo thường bị lu mờ. 

Không ai để ý đến câu chuyện của họ, đến nỗ lực từng ngày kiếm miếng ăn một cách trong sạch, không bỏ hóa chất độc hại vào thực phẩm, không kích thích tiêu dùng bằng những mánh lới truyền thông...

Tiếng nói từ những con người cần cù, chất phác trong lao động ấy chỉ trở nên lớn hơn như thể qua một bộ khuếch đại âm thanh khi cùng nhau xuất hiện trong cuốn sách "Việt Nam ngày nay - Chuyện mưu sinh" - một tập hợp những bài phỏng vấn những người lao động không nổi tiếng của TS Gerard Sasges và các học trò.

sách, ẩm thực

Gerald Sasges hiện đang làm việc tại khoa Nghiên cứu Đông Nam Á, ĐHQG Singapore

"Tôi xin tặng cuốn sách này cho hàng triệu phụ nữ và nam giới Việt Nam vẫn phải thức dậy từ sáng sớm – và làm việc thâu đêm – để kiếm sống cho mình và gia đình mình. Không có họ cùng hàng triệu công việc khác nhau mà họ làm, sẽ không thể có cái địa danh tuyệt vời mang tên Việt Nam", lời bạt của TS Gerard Sasges cho cuốn sách.

TS Gerald Sasges sống và làm việc tại Việt Nam từ năm 2000 đến 2011. Năm 2000, Gerard Sasges đến Việt Nam và bắt đầu nghiên cứu Tiến sĩ về Sử học tại ĐH California. 

Hai năm sau, ông được bổ nhiệm làm Giám đốc Quốc gia cho Chương trình của Đại học California, một vị trí ông yêu thích và đảm nhiệm trong suốt 10 năm sau. 

Trong quá trình giảng dạy, ông đã tập hợp sinh viên và tổ chức dự án: "Chuyện mưu sinh" chuẩn bị các bài phỏng vấn và cho ra đời cuốn sách. “It’s a living” - tên tiếng Việt "Chuyện mưu sinh" - là kết quả từ dự án “Kiếm ăn” vốn là một phần của chương trình giao lưu giữa trường Đại học California (Mỹ) và Đại học Hà Nội, được thực hiện từ năm 2010-2011.

Những câu chuyện được kể trong "Chuyện mưu sinh" hoàn toàn đời thực và chân thật, chính vì vậy nó cũng hé lộ nhiều bất ngờ trong cuộc sống được đúc rút từ kinh nghiệm lâu năm của những người trực tiếp trải đời, trải người, lao động chân tay. 

Phương pháp của Gerald Sasges và các sinh viên là lược bỏ toàn bộ câu hỏi và góc nhìn của người phỏng vấn, chỉ để lại những đoạn kể dài mang tính tự sự, tâm tình của người được hỏi. 

Đây là một tập hợp tâm sự về nghề khá quan trọng, đủ độ khách quan, có thể mang lại cái nhìn tổng quan về những người lao động đặt trong bối cảnh xã hội tại đô thị và các thành phố lớn.

Lắng nghe 67 tâm sự về nghề nghiệp trong "Chuyện mưu sinh" của Gerald Sasges, hiểu rằng họ nằm trong những góc khuất ít được chú ý, khiến tôi lại nhớ đến nhận xét của ông Ito Junichi, CEO công ty World Link Japan Inc về sự khác biệt trong cái nhìn về lao động ở Việt Nam với đất nước mặt trời mọc. 

“Chúng tôi tôn trọng những người trực tiếp làm ra cái thìa, cái kính vì họ có kỹ năng. Khi tôi mới đến Việt Nam 20 năm trước, tôi thấy người VN cũng rất chăm chỉ như người Nhật. 

Nhưng giờ thì tôi không còn cảm thấy điều đó nữa. Một điều có thể thấy là người Việt Nam thường coi thường những người lao động chân tay như thợ hàn, công nhân lao động, công nhân xí nghiệp".

sách, ẩm thực
Người bán phở (Ảnh: Mai Huyền Chi)

Đó là câu chuyện của chị Liên, 49 tuổi, người làm tào phớ. Chị tâm sự trong cuộc trò chuyện với các học trò của Gerald Sasges: "Cái buồn của nghề này là khách thành phố người ta có vẻ coi thường mình. 

Nhưng tôi thì thấy rằng, dù họ ăn nói bỗ bã và xem thường mình cũng không quan trọng. Tôi vẫn yêu công việc của mình và tôi biết chừng nào mình không bán điêu cho ai thì chẳng sự khinh rẻ nào thay đổi được giá trị con người hay công việc tôi làm để kiếm sống".

Một bài phỏng vấn khác trong "Chuyện mưu sinh" cũng nhắc đến một vấn nạn nữa tại Việt Nam - việc phá hủy môi trường sinh thái, sử dụng thuốc trừ sâu, diệt cỏ đang khiến người nông dân lao đao, khốn khổ.

"Lúc còn bé, tôi rất thích câu cá và mò cua... Ngày có nước triều dâng cao, tôi có thể kiếm được từ bốn đến 5 cân cua bự chỉ trong vòng 3 đến 4 tiếng. Khiếp chưa! Dĩ nhiên giờ thì khác rồi. 

Tôi vẫn không thể tin nổi những thay đổi diễn ra trong mấy năm tôi nằm trong trại bên Malaysia. Lúc tôi quay lại Gò Công năm 1994, 80% cua cá đã biến mất.

Để tăng năng suất trồng lúa xuất khẩu, Chính phủ xây thêm nhiều kênh mương tưới tiêu để có thể trồng được hai đến ba vụ lúa một năm. 

Chắc chắn là cách đó ban đầu làm tăng sản lượng thóc, nhưng nó cũng ảnh hưởng đến chu kỳ sáu tháng ngập nước mỗi năm khi nước sông Cửu Long dâng cao và 6 tháng nước lợ do ảnh hưởng của biển Đông.

Về cơ bản, việc này hủy hoại toàn bộ hệ sinh thái. Không còn nước lợ nữa thì tất cả sú vẹt đều chết. Không có mùa nước nổi thì không còn phù sa bồi đắp cho ruộng đồng nên chúng tôi phải mua phân tổng hợp. Và không có nước lũ cuốn trôi sâu bọ, chúng tôi đành phải sử dụng thuốc trừ sâu. (Câu chuyện của một giám đốc công ty du lịch).

sách, ẩm thực
Bản tiếng Anh đã ra mắt tại Singapore cách đây đúng một năm. Bản tiếng Việt phát hành tháng 10/2014.

Theo vietnamnet.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.