"Thực sự rất mất mặt nhưng tôi phải làm như thế vì nếu không sẽ không còn cơ hội để nói", TS "mắm" Trần Thị Dung chia sẻ chiều 8/3
Chiều 8/3, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cùng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng - TĐC (Bộ KH&CN) đã gặp gỡ báo chí để trao đổi về những nội dung liên quan đến Dự thảo TCVN 1260: 2019 Quy phạm thực hành sản xuất nước mắm.
Phút cuối, một cánh tay của người phụ nữ đứng tuổi giơ lên muốn phát biểu, song bị chủ tọa ngăn cản. Người phụ nữ ấy chính là TS Trần Thị Dung, chuyên gia nước mắm, nguyên cán bộ Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Thủy sản, nay thuộc Bộ NN&PTNT). Bà cũng là người đầu tiên lên tiếng minh oan cho nước mắm truyền thống khi bị gắn mác “nhiễm asen” cách đây hơn 2 năm về trước.
Đã có rất nhiều câu hỏi liên quan tới nội dung Dự thảo Tiêu chuẩn TCVN 1260: 2019 được đặt ra trong cuộc họp báo, nhưng chưa được trả lời thỏa đáng.
Khi chủ tọa là ông Trần Văn Công, Phó cục trưởng Cục chế biến và Phát triển thị trường nông sản (đơn vị soạn thảo Dự thảo) vội vàng tuyên bố kết thúc, bà Dung đã phải hét lên: “Kịch bản hơn hai năm trước đã lặp lại. Mọi người hãy nghe tôi nói”. Tuy nhiên ông Công lập tức yêu cầu nữ chuyên gia rời khỏi khán phòng họp. Thậm chí khi bà Dung đã ra tới ngoài sân, còn bị bảo vệ gây khó. Chỉ tới khi báo chí lên tiếng, nữ chuyên gia này mới được đứng lại trao đổi thông tin.
“Cách đây hơn 2 năm với sự kiện asen trong nước mắm tôi cũng phải hành động như vậy. Tôi muốn thay mặt các nhà sản xuất nước mắm truyền thống để nói ra vì họ không được mời tới đây. Thực sự rất mất mặt nhưng nếu không làm thế thì không còn cơ hội nào để nói”, bà Dung mở đầu cuộc trao đổi.
Nhấn mạnh tên nước mắm chỉ được dùng cho sản phẩm làm từ cá và muối chứ cái tên nước mắm không phải dùng cho các loại lấy nước mắm về pha loãng với các hóa chất, bà Dung đặt vấn đề: “Người ta đi từ đâu và định làm gì với cái tiêu chuẩn này?”.
Theo bà Dung, có đến hơn 50 nội dung quy định hoặc từ ngữ chưa sát, chưa phù hợp với thực tế sản xuất nước mắm. Ví dụ như yêu cầu kiểm soát các loại thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật của nước mắm trong khi nguyên liệu làm nước mắm chủ yếu là cá biển chứ không phải cá nước ngọt (cá nuôi)…
Còn nguồn nguyên liệu sản xuất nước mắm từ cá nước ngọt của một số nơi chủ yếu được lấy từ phụ phẩm của cá tra thì việc kiểm soát các chỉ tiêu trên không cần thiết, bởi trên thực tế phụ phẩm của cá tra, khi sử dụng làm hàng xuất khẩu đã được kiểm soát các chỉ tiêu an toàn thực phẩm.
“Những quy định này sẽ khiến các nhà sản xuất nước mắm mất thêm chi phí và thời gian để đi kiểm các chỉ tiêu không gây mất an toàn thực phẩm cho nước mắm. Hơn nữa, điều kiện sản xuất quy định ở trong quy trình này không phù hợp với hiện trạng sản xuất mắm của doanh nghiệp ở thời điểm hiện tại”, bà Dung nói.
Trả lời câu hỏi, nếu dự thảo tiêu chuẩn quy trình sản xuất nước mắm ra đời, điều lo ngại nhất là gì, bà Dung chia sẻ: “Mặc dù tiêu chuẩn không bắt buộc, nhưng đây sẽ là cơ sở cho cơ quan quản lý làm việc. Tôi lo ngại đang có sự dùng thẩm quyền của cơ quan nhà nước để đưa ra định nghĩa xóa nhòa ranh giới giữa nước mắm truyền thống với nước mắm pha chế. Đây cũng cũng chính là điều lo ngại của hơn 2.800 doanh nghiệp và các hộ sản xuất chế biến nước mắm truyền thống. Họ chỉ muốn được trả lại tên nước mắm cho nước mắm truyền thống”.
Cũng theo bà Dung, không thể nói các cơ sở sản xuất nước mắm truyền thống hiện nay chưa đảm bảo điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. “Tôi là người đã gắn bó mấy chục năm nay với quy trình sản xuất nước mắm truyền thống. Tất cả các cơ sở này đều đã được cấp phép, đảm bảo điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm thì mới được hoạt động. Do đó đừng có đem những thông tin vớ vẩn để xuyên tạc sự thật”, bà Dung nhấn mạnh.
Nữ chuyên gia cũng đặt câu hỏi, tại sao phải chạy theo tiêu chuẩn của nước ngoài mà lại gạt bỏ tính truyền thống của đặc sản địa phương? “CODEX là tiêu chuẩn thực phẩm chung của thế giới, song các nước vẫn có quyền ra tiêu chuẩn riêng cho các sản phẩm của mình. Thử hỏi làm nước mắm có mấy khi được cá tươi? Nước mắm truyền thống có mùi khăm khẳm, người nước ngoài không thích nhưng người Việt Nam lại rất thích. Cũng như người dân các nước châu Âu rất ưa thích loại pho mai thối bởi đó là đặc sản địa phương và họ cũng có tiêu chuẩn riêng”, bà Dung dẫn giải.