Tiến sĩ không làm quan vẫn để lại tiếng thơm muôn đời

GD&TĐ - Có lẽ, Chu Văn Nghị được xem là vị Tiến sĩ duy nhất của triều đình nhà Nguyễn không ngày nào làm quan.

Đỗ Tiến sĩ nhưng không ra làm quan, Chu Văn Nghị về quê dạy học và thành danh sư nổi tiếng Kinh Bắc. Ảnh minh họa: INT.
Đỗ Tiến sĩ nhưng không ra làm quan, Chu Văn Nghị về quê dạy học và thành danh sư nổi tiếng Kinh Bắc. Ảnh minh họa: INT.

Ông ở nhà dạy học và trở thành vị danh sư xứ Kinh Bắc, là thầy của nhiều nhà khoa bảng đương thời.

Tự học, tự đọc và học từ bạn bè

Tiến sĩ Chu Văn Nghị (1787 - 1842), người xã Yên Phụ, tổng Yên Phụ, huyện Yên Phong, phủ Từ Sơn, xứ Kinh Bắc, nay là thôn Cầu Gạo, xã Yên Phụ (Yên Phong, Bắc Ninh). Ông đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa thi năm Bính Tuất (1826) triều vua Minh Mạng. Ông là một trong 18 Tiến sĩ đầu tiên của triều nhà Nguyễn, kể từ thời vua Gia Long.

Theo Chu tộc thế phả, Chu Văn Nghị sinh trưởng trong một dòng họ có truyền thống thi thư có tiếng ở Kinh Bắc. Theo lý giải gia phả, họ Chu vốn là họ Nguyễn cùng xã Yên Phụ với những nhà khoa bảng, như: Bảng nhãn Nguyễn Chiêu Huấn, Tiến sĩ Nguyễn Khắc Khoan. Căn nguyên đổi từ họ Nguyễn sang họ Chu vì có người họ Nguyễn được cậu ruột họ Chu nhận làm con nuôi, sau đó làm người thừa tự mà đổi họ.

Tương truyền, gia đình ông vốn chỉ làm nông nhưng lại có đời sống khá sung túc. Thân sinh của Chu Văn Nghị cũng là người có học, và chính là người thầy đầu tiên hướng ông theo nghiệp bút nghiên. Được cha dạy bảo tỉ mỉ nên khi mới chỉ “4 tuổi đã biết làm câu đối quốc âm, thích nghe chuyện, có khi ngồi suốt đêm không ngủ”.

Lên 9 tuổi học đến đâu biết đến đó, có vị Tiến sĩ triều Lê đến nhà chơi, ra đầu đề thử tài đều được Chu Văn Nghị đối đáp trôi chảy. Tiến sĩ nghe xong, cười mà rằng: “Cậu này có khẩu khí Tiến sĩ, về vùng này chỉ thấy có một vậy. Tôi quyết là về sau cậu bé sẽ thành tài”.

Sức học của Chu Văn Nghị nổi tiếng đến nỗi các làng học khác của Kinh Bắc đều nghe tên tỏ mặt. Thời ấy, nhiều gia đình giàu có ở Kinh Bắc thường gửi con tới học ở Quốc Tử Giám với mong muốn sẽ thu được nhiều điều hay, có cơ may thi thố đỗ đạt. Riêng Chu Văn Nghị lại có cách nghĩ, cách nhìn và cách học khác.

Ông chủ yếu tự học, tự đọc và học từ chính các nho sinh trong vùng: “Ngày ngày vào lúc rỗi, ta thường đem sách của người ra đọc, vì thế mới đến học các trường gần làng như Quan Độ, Mẫn Xá, Thọ Khê, nho sinh đến học các bậc tiên sinh, văn chương tiến tới nhiều lắm” (Chu tộc thế phả).

tien-si-khong-lam-quan-van-de-lai-tieng-thom-muon-doi-1-428.jpg
Văn bia 'Yên Phong văn phái bi ký' khắc năm 1837, từng đặt tại Từ chỉ huyện Yên Phong.

Ông bắt đầu con đường khoa cử từ khoa thi Hương năm Đinh Mão (1807), thi đến tam trường thì bị hỏng. 12 năm sau, vào khoa Kỷ Mùi năm Gia Long 18 (1819) ông đỗ Cử nhân. Đây cũng là khoảng thời gian ông phải trải qua nhiều biến cố khi vợ ốm, con thơ yểu mệnh, chịu tang cha, và bản thân thì sức khỏe không tốt… Có lẽ vì thế mà ông bỏ lỡ khoa thi Tiến sĩ đầu tiên của triều nhà Nguyễn vào năm Nhâm Ngọ (1822).

Khoa thi năm Bính Tuất (1826), Chu Văn Nghị lều chõng vào Huế tham gia ứng thí, đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, tên đứng thứ hai trong hàng Đệ tam giáp. Theo sách “Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ”, triều Nguyễn rất hậu đãi những người đỗ Tiến sĩ.

Ngoài việc tổ chức lễ truyền lô (xướng danh Tiến sĩ) tại điện Thái Hòa, các tân Tiến sĩ sẽ được tham dự yến tiệc, ban thưởng áo lụa vàng bạc, dạo phố vinh quy và ban chức quan. Các Tiến sĩ được khắc tên vào văn bia dựng ở Văn Miếu để lưu danh thiên cổ.

Danh sư xứ Kinh Bắc

Sau khi đỗ đạt, Tiến sĩ Chu Văn Nghị nhận được ân tứ của triều đình về quê vinh quy bái tổ. Được nghỉ ngơi 2 tháng và theo thời hạn phải tiến kinh để nhậm chức vua ban. Tuy nhiên, có lẽ tự nhận thấy vì sức khỏe không đảm bảo, hoặc có thể vì một lý do nào khác mà ông đã không ra làm quan, mặc dù triều đình năm lần bảy lượt triệu vào kinh đô.

Người xưa thường lấy thi cử làm con đường tiến thân, nhưng Chu Văn Nghị lại không nghĩ vậy. Ông không ra làm quan mà ở nhà dạy học, lấy đó làm thú vui và lẽ sống.

Chu tộc thế phả cho biết, Chu Văn Nghị nổi tiếng là người giỏi văn chương chữ nghĩa cho nên học trò theo về rất đông, trong đó có nhiều người đỗ đạt cao như Tiến sĩ Phan Đình Dương (1805 - 1865) người làng Trang Liệt (Từ Sơn) đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp) khoa thi năm Nhâm Dần - Thiệu Trị 2 (1842); Phó bảng Ngô Quang Diệu (1825 - ?) người Vọng Nguyệt - Tam Giang đỗ khoa thi năm Kỷ Dậu - Tự Đức 2 (1849), cùng nhiều vị đỗ Cử nhân, Giải nguyên, Tú tài... Trong đó có con trai ông là Chu Văn Giảng đỗ Cử nhân khoa thi năm Giáp Tý (1864).

Ở quê dạy học, trở thành danh sư một vùng đã chẳng phải là chuyện dễ. Ông còn toàn tâm lập ra Từ chỉ Yên Phụ và phụng soạn bia “Yên Phong văn phái bi ký” khắc năm 1837 đặt tại Từ chỉ huyện Yên Phong.

tien-si-khong-lam-quan-van-de-lai-tieng-thom-muon-doi-2-6193.jpg
Quang sách của Tiến sĩ Chu Văn Nghị còn bảo lưu tại Từ đường.

Hiện nay, tấm bia này đang lưu giữ tại Bảo tàng Bắc Ninh và được đánh giá là rất có giá trị bởi cung cấp nhiều thông tin quý giá về việc kiến lập Từ chỉ huyện Yên Phong vào đầu thế kỷ 19 và văn bia còn cho biết toàn bộ tên tuổi, khoa danh 41 vị đỗ đại khoa của huyện.

Theo ông Nguyễn Văn An (Bảo tàng Bắc Ninh), Từ chỉ huyện Yên Phong xưa được xây dựng tại xã Yên Phụ Thượng, tổng Hương La (nay thuộc địa phận thôn An Ninh, xã Yên Phụ), là nơi thờ Khổng Tử cùng các bậc tiên hiền và các vị đại khoa, Cử nhân, Giám sinh, Tú tài… huyện Yên Phong.

Từ chỉ xưa nhìn về hướng Nam phía trước là cánh đồng rộng thoáng, trông xa là kinh thành Thăng Long. Các công trình kiến trúc chính của Từ chỉ có mặt bằng tổng thể hình chữ Khẩu gồm 4 toà nhà. Toàn bộ các hạng mục kiến trúc đều xây dựng theo lối “tường hồi bít đốc tay ngai”, khung nhà làm bằng gỗ tứ thiết, kết cấu vì kèo kiểu “thượng giá chiêng, hạ kẻ tràng”.

Các công trình của Từ chỉ huyện Yên Phong nối thông với nhau tạo thành một mặt bằng khép kín có sân ở giữa và phía truớc toà Tiền tế rất thuận lợi cho việc tế lễ vào dịp Xuân Thu nhị kỳ. Tại Từ chỉ trước đây có dựng khoảng 10 tấm bia đá khắc chữ Hán đặt hai bên nhà hành lang.

Nội dung ghi chép về các bậc tiên nho, tiên hiền của huyện Yên Phong, xã Yên Phụ Thượng và các nghi tiết tế lễ, việc tu sửa, tôn tạo Từ chỉ. Tiếc là trải qua năm tháng lịch sử, Từ chỉ huyện Yên Phong bị tàn phá nặng nề, đến năm 1948 bị phá huỷ hoàn toàn.

Hiện nay cổ vật duy nhất còn liên quan tới Từ chỉ là tấm bia đá “Yên Phong văn phái bi ký” cao 79cm, rộng 45cm, dầy 9,5cm. Trên trán bia ghi niên đại và tên văn bia “Hoàng triều Minh Mệnh thập bát niên tứ nguyệt nhật Yên Phong văn phái bi ký”. Lòng bia khắc chữ Hán thể chân phương. Văn bia do đích thân Tiến sĩ Chu Văn Nghị soạn.

Nội dung văn bia chia làm 2 phần: Phần đầu ca ngợi địa danh Yên Phong và truyền thống hiếu học của huyện cùng với lý do kiến lập Từ chỉ; phần sau ghi chép về tên tuổi khoa danh 41 vị đỗ đại khoa của bản huyện trải qua các thời Lê sơ, Mạc, Lê trung hưng, từ người đỗ đầu tiên năm 1433 là cụ Chu Xa người xã Yên Phụ Thượng tới người đỗ cuối cùng năm 1775 là cụ Lê Duy Đản người xã Hương La (trong đó chưa tính Tiến sĩ Chu Văn Nghị - người soạn văn bia đỗ năm 1826 và Phó bảng Ngô Quang Diệu người xã Vọng Nguyệt đỗ năm 1849).

Học trò lập bia ơn thầy

Hiện nay, tại Từ đường Tiến sĩ Chu Văn Nghị ở thôn Cầu Gạo, xã Yên Phụ là công trình văn hóa tiêu biểu phản ánh về truyền thống hiếu học và khoa bảng địa phương. Từ đường vừa là nơi ở của gia đình Tiến sĩ Chu Văn Nghị xưa, vừa là nơi dạy học.

Sau khi Tiến sĩ Chu Văn Nghị qua đời, Từ đường trở thành nơi thờ phụng, tưởng niệm và lưu giữ những kỷ vật gắn bó sâu sắc về cuộc đời, sự nghiệp của Tiến sĩ Chu Văn Nghị, nhằm thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” và ước vọng con cháu trong gia tộc phát huy truyền thống khoa bảng của cha ông.

tien-si-khong-lam-quan-van-de-lai-tieng-thom-muon-doi-1-8300.png
Cổng Từ đường Tiến sĩ Chu Văn Nghị tại thôn Cầu Gạo, xã Yên Phụ, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh.

Từ đường còn bảo lưu được nhiều tài liệu cổ vật quý giá như: Quang sách của Tiến sĩ Chu Văn Nghị, biển gỗ “Ấn tứ vinh quy”, bộ siêu đao, nghi trượng, câu đối, bản “Chu tộc thế phả” do Tiến sĩ Chu Văn Nghị soạn thảo. Đặc biệt là bia đá khắc năm Canh Thân, niên hiệu Tự Đức thứ 13 (1860) và bảng gỗ khắc năm Canh Tý niên hiệu Minh Mệnh thứ 21 (1840), do các học trò của ông cung kính phụng soạn với nhiều thông tin quý giá.

Các môn sinh, gồm: Tiến sĩ Phan Đình Dương, Phó bảng Ngô Quang Diệu, Cử nhân Nguyễn Thuật, Nguyễn Viên, Giải nguyên Nguyễn Hiệp, Giám sinh Trần Văn Năng, Chu Văn Viên, Nguyễn Văn Bái... lập bia đá “Chu tiên sinh từ đường” ca ngợi công đức to lớn của thầy Chu và cùng nhau đặt ruộng hậu tại xứ ấp để thờ cúng báo đáp ân đức của thầy.

Văn bia cho biết, Tiến sĩ Chu Văn Nghị là người giỏi văn chương chữ nghĩa, một người thầy mẫu mực, đã đào tạo được nhiều thế hệ học trò xuất sắc thành danh; ông cũng là người có tấm lòng nhân hậu, hay cứu giúp những người nghèo khổ khó khăn; là tấm gương về lòng hiếu kính với ông bà, cha mẹ; là người có tâm với làng xóm, quê hương.

Trong bia còn có đoạn viết: “Khoa Bính Tuất năm Minh Mệnh thứ 7 (1826), Tiên sinh đỗ Tiến sĩ, vinh quy về làng, sau vì ốm mà không ra làm quan, bèn đem sở học của mình ra dạy học trò. Những người theo học phần lớn đều thành đạt.

Đến mùa Thu năm Canh Tý, Tiên sinh ốm nặng rồi qua đời ngay tại nơi ở của mình, thọ 56 tuổi. Sau khi an táng xong, các môn sinh tụ hợp tại từ đường và nói với nhau rằng: Tiên sinh là người có công đức với chúng ta và người đời sau.

Nay không thể không nhớ đến ân đức, bèn đặt ruộng ở tại thôn để cúng tế, đó là lẽ đương nhiên ở trong tâm người ta đó vậy. Vì thế thuật lại khái quát để khắc vào bia đá. Đến khi gió xuân cỏ biếc, nước lạnh trăng thu, vẫn còn nhớ đến Thất Diệu, Ngũ Khê, vẫn đầu cuối vì nhau, khó khăn vẫn gần gũi, xin thuật lại chép ra như vậy”.

Theo Bảo tàng Bắc Ninh, Từ chỉ huyện Yên Phong tuy không còn nhưng tấm bia “Yên Phong văn phái bi ký” là một tư liệu quý giá trong việc nghiên cứu, tìm hiểu về truyền thống khoa bảng của vùng đất Yên Phong. Văn bia cung cấp tư liệu về tên tuổi, khoa danh của các vị đại khoa huyện Yên Phong. Ngoài ra còn là tư liệu quan trọng nghiên cứu về sự thay đổi địa danh hành chính tỉnh Bắc Ninh nói chung. Tấm bia phục vụ công tác trưng bày giới thiệu về truyền thống hiếu học, khoa bảng trên quê hương Bắc Ninh - Kinh Bắc, xứng với câu ca “một giỏ ông Đồ, một bồ ông Cống, một bị Trạng nguyên, một thuyền Bảng nhãn”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Các cuộc tấn công của Israel sẽ không thể gây bất ngờ cho Iran.

Israel không còn gây bất ngờ

GD&TĐ - Iran đã nắm rõ kế hoạch tấn công sắp tới của Israel nhằm vào Tehran sau khi hàng loạt tài liệu tuyệt mật được tình báo Mỹ soạn thảo bị lộ.