Chuyện ít biết về Tiến sĩ khai khoa lục tỉnh

GD&TĐ - Không chỉ là sĩ tử đầu tiên của tỉnh Quảng Nam đỗ tiến sĩ, Lê Thiện Trị còn được vua Minh Mạng ban 6 chữ 'Tiến sĩ khai khoa lục tỉnh'.

Nhà thờ Tiến sĩ Lê Thiện Trị tại thị trấn Nam Phước (Duy Xuyên, Quảng Nam).
Nhà thờ Tiến sĩ Lê Thiện Trị tại thị trấn Nam Phước (Duy Xuyên, Quảng Nam).

Qua hơn 100 năm (từ 1807 đến 1919) nhà Nguyễn mở các khoa thi Nho học để kén chọn nhân tài, rất nhiều sĩ tử xứ Quảng đỗ đạt, nổi danh thiên hạ và tạo ra những tích lớn đối với triều đình và đất nước.

Đặc biệt với học vị Tiến sĩ, mãi đến khoa thi Hội năm Mậu Tuất (1838), dải đất 6 tỉnh trải dài từ Quảng Nam vào đến Ninh Thuận mới có người đỗ tiến sĩ, đó là Lê Thiện Trị.

Thi trượt không nản, quyết đỗ tiến sĩ

Lê Thiện Trị (1796 - 1872) người thôn Tây Trung An, xã Long Phước Đông, tổng Mỹ Khê, huyện Duy Xuyên, phủ Điện Bàn (nay thuộc khối phố Long Xuyên 2, thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam). Ông sinh ra trong một gia đình có truyền thống hiếu học, cha và ông nội đều là những nho sĩ đỗ tú tài. Cha ông là Lê Thiện Quang - Tri huyện Hòa Vang, mẹ ông là con gái của Tuyên phủ sứ Hà Lam, huyện Lễ Dương.

Tuy nhiên, Lê Thiện Trị lại phải trải qua một thời tuổi thơ gian khó khi mồ côi mẹ và chịu cảnh “mẹ ghẻ con chồng”. Sau khi cha ông bị bãi chức (do huyện đường bị cháy, ấn quan cũng bị thất lạc), khiến gia cảnh càng thêm khó khăn. Nhiều năm Lê Thiện Trị phải mưu sinh bằng nghề dạy học.

Thuở nhỏ, Lê Thiện Trị có tên là Lê Thiện Minh, sau đổi thành Lê Thiện Chánh, đến năm 15 tuổi cụ cố lại cho đổi thành Lê Thiện Trị. Cha ông bảo rằng, đổi tên nhiều lần như thế là để sáng tỏ tư tưởng dòng họ mình là “Quang minh chính đại” và phải lấy đức thiện mà sống ở đời.

Với tư chất thông minh hiếu học, thuở nhỏ học cha, sau mới đến học ở trường, đồng thời học rộng, hiểu biết về lẽ đời, từ thuở thiếu thời đã hình thành trong ông tính cách cương trực ngay thẳng, có ý chí.

Năm 17 tuổi (1813), Lê Thiện Trị đi thi lần đầu và đỗ nhị trường, đến năm Tân Tỵ (1821) đỗ tú tài. Các khoa kế tiếp vào năm Ất Dậu (1825) ông cùng cha đi thi nhưng đều chỉ đỗ tú tài (sau khi bị bãi chức, cha ông muốn tiếp tục hoạn lộ bằng khoa cử nhưng bất thành).

Các khoa thi Hương sau đó vào các năm Mậu Tý (1828), Giáp Ngọ (1834) ông đều không những không lấy được học vị cử nhân mà cũng không đỗ tú tài vì phạm trường quy. May nhờ Tổng đốc Quảng Nam là Hồ Bảo Thắng bảo lãnh, ông mới được vào học tại Quốc Tử Giám và khoa cử mới mỉm cười với ông.

Với lòng kiên trì, không nản chí sau mỗi lần thi trượt, quyết tâm sôi kinh nấu sử nên sức học của ông ngày càng thăng tiến. Đến năm Minh Mạng thứ 19 (1838), Lê Thiện Trị đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân. Điều đặc biệt là trước ông, dải đất 6 tỉnh rộng lớn từ Quảng Nam đến Ninh Thuận chưa có một sĩ tử nào đỗ tiến sĩ.

Vì thế, ông được xem là vị tiến sĩ khai khoa cho vùng đất lục tỉnh từ Quảng Nam đến Ninh Thuận. Ông được đích thân vua Minh Mạng ban cho cờ hiệu 6 chữ “Tiến sĩ khai khoa lục tỉnh”.

Theo “Quốc triều khoa lục” của Quốc sử quán triều Nguyễn, khoa này có 2 Tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp), 8 Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân và 10 Phó bảng. Trong đó có nhiều người sau này rất nổi tiếng như Doãn Khuê, Nguyễn Cửu Trường, Nguyễn Văn Siêu, Nguyễn Hữu Độ, Phạm Văn Nghị, Nguyễn Dục, Nguyễn Tường Vĩnh.

Khoa thi năm 1838 là khoa thi đặc biệt vì Chánh chủ khảo Trương Đăng Quế - Cơ mật đại thần, Thượng thư bộ Binh và Phó chủ khảo Phạm Duy Phiên - Thượng thư bộ Công đã được vua Minh Mạng chỉ đạo là đề thi và cách chấm phải mang tính thực dụng, chọn cho được người tài ra gánh vác việc nước chứ không phải chọn người giỏi văn chương sách vở.

Vua nói: “Sự học quý ở kiến thức, đem ra làm việc mới có thực dụng. Bài thi không cần phải tìm tòi sự lạ lùng bí ẩn. Dù đem việc hiện nay ra hỏi nhưng kiến thức sâu hay nông cũng định được” (Đại Nam thực lục). Chính vì tư tưởng chỉ đạo như vậy cho nên Nguyễn Cửu Trường được đỗ đầu vì “có nhiều kiến thức thực tế” còn Phạm Văn Nghị chỉ đỗ thứ hai vì “chỉ giỏi điển cố và sách vở mà thôi”.

chuyen-it-biet-ve-tien-si-khai-khoa-luc-tinh-5-2771.jpg
Sau nhiều lần thi trượt, Lê Thiện Trị không nản, và cuối cùng trở thành vị Tiến sĩ khai khoa lục tỉnh. Ảnh minh họa: ITN.

Con xin chịu tội thay cha

Trong thời gian gần 15 năm, sự nghiệp quan trường của Tiến sĩ Lê Thiện Trị tưởng chừng thuận buồm xuôi gió, được thăng tiến liên tục từ chánh thất phẩm lên tòng nhị phẩm, trải qua các chức vụ từ khởi bổ Hàn lâm viện biên tu đến chức Tuần phủ Thuận Khánh.

Ngờ đâu khi đương chức Tuần phủ Thuận Khánh, với bản tính không xu nịnh, không bè cánh, thẳng thắn thương dân lành nên ông chỉ ứng chi sai nguyên tắc một số tiền công khố, gặp kiểm tra nên lãnh tội trở thành thứ dân.

Chuyện là trong một vụ án, Lê Thiện Trị đã cùng viên Án sát Ngô Khắc Kiệm tìm cách gỡ tội cho một viên thủ kho tên là Nguyễn Đình Quảng, do y làm thất thoát của công trị giá 80 lạng, bằng cách cắt bớt lời khai vu oan của tên tử tù Trần Văn Tín trong hồ sơ và tạo cơ hội cho Nguyễn Đình Quảng khắc phục hậu quả bằng cách “bí mật” bồi thường đầy đủ số tiền thất thoát.

Việc đến tai triều đình và ông phải chịu tội, sách “Đại Nam thực lục” có chép: “Nguyên Bố chính, hiện thăng thự Tuần phủ Thuận – Khánh, là Lê Thiện Trị, cùng Án sát Ngô Khắc Kiệm, che chở cho Nguyễn Đình Quảng (riêng bí mật cho đền, sức cho tha ra; lại bỏ bớt lời cung của Trần Văn Tín, đều là cố ý tha tội cho người) cũng lấy tội “bất công bất pháp” để xử, xử bắn chuẩn làm tội đồ 4 năm”.

chuyen-it-biet-ve-tien-si-khai-khoa-luc-tinh-4-6624.jpg
Dấu tích Văn Thánh huyện Duy Xuyên.

Khi ông bị xử, con trai ông là Lê Thiện Thuật đã xin chịu tội thay cha. Về việc này, sách “Đại Nam thực lục” viết: “Lê Thiện Thuật người tỉnh Quảng Nam xin chịu tội thay cho cha. Quan tư pháp cho là Lê Thiện Trị nguyên can tội cố ý gỡ tội cho người có tội, thuộc về khoản nặng, xử tội lưu... chuẩn làm tội đồ, con là Thiện Thuật lại lấy cớ là bố ở chỗ giam bị ốm đau, xin chịu tội thay, cầu ơn nhảm bậy, xin bác đi.

Quan ở Nội các là bọn Phạm Thanh tâu nói: Thiện Trị tuy can án cố ý gỡ tội cho người, tuy thuộc về tội nặng, nhưng so với Nguyễn Đăng Uẩn, Nguyễn Duy vu cho người đến tội xử tử, Thái Bá Ngũ tư chế đồ quân khí, Trần Ngọc Lâm nhũng loạn có khác nhau, mà của Thiện Trị đã bị nghĩ xử lại không phải là hạng tù nặng tội, sung quân, phát lưu. Huống chi tên phạm ấy đến nơi bị đày đã hơn 1 năm, ốm đau khó chịu nổi, tình cũng nên thương. Nên cho con hắn thay tội để toàn đạo hiếu. Vua y cho”.

Cũng có tư liệu nói thêm, trong một năm gặp phải hạn hán, mất mùa, nhân dân đói khổ, Lê Thiện Trị đã tự ý xuất ngân khố, lương thực cứu giúp nhân dân mà chưa có sự đồng ý của triều đình. Sau khi truy xét rõ ràng, triều đình không thấy dấu hiệu nhũng nhiễu, lạm quyền nên ông được tha tội và giữ được tên tuổi trên bia Tiến sĩ ở Văn Thánh.

Người đặt nền móng Văn Miếu Duy Xuyên

Trở thành thứ dân, Lê Thiện Trị về quê sống cảnh điền viên, đọc sách ngâm thơ và dạy bảo con cháu. 10 năm sau, xét thấy ông là người nhân đức, có công lao với nước và yêu thương dân chúng, triều đình nhà Nguyễn tiếp tục bổ dụng lại phẩm hàm chức quan như cũ, nhưng ông lấy cớ bệnh tật, từ chối về quê dạy học.

Tại quê nhà, Tiến sĩ Lê Thiện Trị đã đứng ra vận động xây dựng Văn Miếu huyện Duy Xuyên (Văn Thánh), trên một khuôn viên rộng 8 sào để thờ Khổng Tử và các bậc đại nho trong huyện. Cứ ba năm một kỳ đại tế vào 16 tháng 2 âm lịch, không chỉ các văn nhân khoa bảng trong huyện mà các đương quan ở tỉnh và các phủ huyện đều về dự đông đủ.

chuyen-it-biet-ve-tien-si-khai-khoa-luc-tinh-1-9103.jpg
Văn bia đề danh Tiến sĩ khoa thi năm Mậu Tuất (1838) – khoa Lê Thiện Trị đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân.

Từ đó sĩ tử Duy Xuyên đua nhau học tập, ra sức dùi mài kinh sử. Chính vì vậy, Duy Xuyên nhanh chóng trở thành vùng đất học thứ 2 của Quảng Nam (chỉ sau Điện Bàn) với 2 Tiến sĩ, 5 Phó bảng và 56 Cử nhân, chiếm 22% số khoa bảng của Quảng Nam thời Nho học.

Có lẽ đương thời cả Quảng Nam, ngoài huyện Điện Bàn có Văn Thánh kết hợp thì chỉ huyện Duy Xuyên mới có Văn Miếu. Từ công trình này, một số xã trong và ngoài huyện hưởng ứng làm theo, xây dựng Văn Miếu xã (Văn chỉ làng), lập hội tư văn, tư võ học theo nghi thức Văn Thánh, hàng năm tế lễ long trọng.

Hiện nay khu Văn Thánh huyện Duy Xuyên không còn, chỉ còn hai trụ cổng và nền móng kiến trúc. Di tích đã được UBND tỉnh Quảng Nam công nhận di tích cấp tỉnh.

Năm 1872, Tiến sĩ Lê Thiện Trị qua đời, mấy chục năm sau, đến mỗi kỳ tế Văn Miếu huyện, các vị đương khoa, đương quan đều không quên người đã khai khoa học vị Tiến sĩ sáu tỉnh, lại là người sáng lập Văn Miếu. Tên tuổi của ông luôn được các bậc sĩ nho sĩ Duy Xuyên nhắc đến với sự tôn sùng, kính nể một bậc khoa bảng lớn.

Giới sử học cũng đánh giá Lê Thiện Trị là nhà nho mẫu mực, có ý chí, khi đỗ đạt ra làm quan thì đem hết tâm huyết, năng lực và đạo đức để phụng sự triều đình. Gần 15 năm quan lộ, trải qua 13 chức vụ, dù ở cương vị nào ông cũng đặt dân lên đầu.

12 năm sau khi ông mất, phong trào Nghĩa hội Quảng Nam phát triển rầm rộ, con cháu ông nhiều người tham gia, riêng người con thứ ba lập nhiều công trạng, được vua Hàm Nghi châu phê “Phụ từ tử hiếu”, cho khai phục truy phong chức Chủ sự.

Theo gia phả dòng họ Lê Thiện, Tiến sĩ Lê Thiện Trị có sáng tác khá nhiều thơ văn, song đến nay đã bị thất lạc. Về câu đối, ngoài công trình Văn Miếu của huyện thờ Khổng Tử, đến nay chỉ còn một số câu đối của ông được làm liễn ở chùa Long Phước.

Trong đó, câu đối ở cổng chùa: Long can nhật ấm bồ đề thọ/ Phước lý xuân nồng bát nhã hoa (Gò rồng ngày tỏa bóng bồ đề/ Đất phước xuân nồng hoa bát nhã).

Câu đối trong cột chùa: Mộ cổ thần chung cảnh tỉnh ái hà danh lợi khách/ Kinh khanh kệ hướng hoán hồi khổ hải mộng mê nhân (Chuông sớm trống chiều cảnh tỉnh đắm say phường danh lợi/ Lời kinh tiếng kệ đổi thay phiền não kẻ mộng mê).

Để tưởng nhớ công lao của Tiến sĩ khai khoa lục tỉnh, từ năm 2010 huyện Duy Xuyên đã thành lập quỹ học bổng mang tên Lê Thiện Trị, hàng năm trao tặng những phần quà ý nghĩa cho học sinh - sinh viên có thành tích học tập. Ngoài huyện Duy Xuyên, tại quận Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) cũng đặt cho một con phố mang tên Tiến sĩ Lê Thiện Trị.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lực lượng chức năng duy trì công tác tuần tra, kiểm soát khép kín địa bàn. Ảnh: TT

Giữ bình yên trên cao nguyên M’Nông

GD&TĐ - Bước vào thu hoạch cà phê niên vụ 2024, người dân trên cao nguyên M’Nông (Đắk Nông) đang hân hoan phấn khởi vì sản phẩm được giá.