Tiến sĩ Khí tượng học nhận bằng sở hữu trí tuệ máy rửa tay sát khuẩn tự động

GD&TĐ - Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ KH&CN vừa có quyết định chấp nhận đơn hợp lệ đăng ký quyền sở hữu trí tuệ sáng chế Thiết bị rửa tay tự động có thể nhắc nhở mọi người thực hiện rửa tay.

TS Nguyễn Văn Hiếu- bìa phải khi tặng máy rửa tay thông minh cho bệnh viện Quận 9, TPHCM
TS Nguyễn Văn Hiếu- bìa phải khi tặng máy rửa tay thông minh cho bệnh viện Quận 9, TPHCM

Công trình nghiên cứu được bảo hộ quyền sở hữu trên thuộc về TS Nguyễn Văn Hiếu-Trưởng bộ môn Vật Lý, Trường ĐH Nông Lâm TPHCM.

TS Nguyễn Văn Hiếu là chuyên gia về Khí tượng học, tuy nhiên ông rất đam mê nghiên cứu ứng dụng, đặc biệt là các ứng dụng mang tính thiết thực và gần gũi với đời sống thường ngày.

Ngay từ đợt dịch thứ 2 bắt đầu vào đầu năm 2020, TS Nguyễn Văn Hiếu trăn trở với nguy cơ lây nhiễm và bùng phát dịch Covid-19, đã nghiên cứu chế tạo thành công nước rửa tay diệt khuẩn Nano bạc để tặng miễn phí cho các trường đại học và các khu cách ly tập trung.

Đến tháng 4/2020, khi TPHCM tạm khống chế được dịch và trở lại trạng thái bình thường mới, TS Nguyễn Văn Hiếu vẫn không thôi trăn trở nghiên cứu và chế tạo ra máy rửa tay diệt khuẩn tự động để đặt tại các bệnh viện, trung tâm thương mại và nơi cộng cộng nhằm đảm bảo nguyên tắc phòng chống dịch của Bộ Y tế. 

Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ KH&CN công nhận quyền sở hữu trí tuệ sáng chế của TS Hiếu
Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ KH&CN công nhận quyền sở hữu trí tuệ sáng chế của TS Hiếu

Sau hơn 1 tháng tự nghiên cứu, TS Hiếu đã chế tạo thành công máy rửa tay thông minh diệt khuẩn, phòng dịch covid-19.

Điểm đặc biệt của chiếc máy này là nó có chức năng nhận diện, cảm biến thông minh nên khi đặt trước cửa cơ quan, siêu thị, ngân hàng, hay trường học… chỉ cần người đi qua nơi đặt máy, máy sẽ nhận biết và phát ra tín hiệu (tiếng kêu và giọng nói: xin mời anh chị đến rửa tay).

Khi người đến rửa tay, chỉ cần giơ bàn tay dưới vòi nước (bộ phận cảm biến và nhận biết) sẽ phun ra một lượng dung dịch rửa tay (dung dịch diệt khuẩn nano bạc) vừa đủ để người sử dụng rửa tay sát khuẩn. Sau khi người dùng rửa tay xong, máy sẽ tự động ngắt.

Chia sẻ về niềm vui được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học & Công nghệ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ nghiên cứu của mình, TS Nguyễn Văn Hiếu cho biết anh vô cùng hạnh phúc sau hơn 1,5 năm nộp hồ sơ và chờ đợi.

"Tôi vui không phải vì nghiên cứu của mình đã được công nhận và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, mà điều làm tôi hạnh phúc nhất chính là những gì tôi làm, cố gắng suốt thời gian qua đã được thừa nhận"- TS Hiếu nói. 

Ngoài các nghiên cứu vì cộng đồng, TS Nguyễn Văn Hiếu cũng được biết đến là nhà khoa học nhiều tâm huyết. Anh từng ra tận quần đảo Trường Sa vào năm 2014 để lắp đặt hệ thống quan trắc khí tượng tự động nhằm nghiên cứu môi trường tại nơi đây, qua đó phát triển hệ thống cây rau, phù hợp cho chiến sĩ, người dân trên đảo.

TS Nguyễn Văn Hiếu trong một giờ lên lớp của mình khi TPHCM chưa bùng phát dịch
TS Nguyễn Văn Hiếu trong một giờ lên lớp của mình khi TPHCM chưa bùng phát dịch

Không chỉ giỏi nghiên cứu, TS Hiếu còn khá nhanh nhạy trong việc thích nghi với thị trường, xây dựng thương hiệu và làm marketing.

Anh chính là người phát triển và nâng tầm thương hiệu các sản phẩm của đội ngũ thầy cô giáo Trường ĐH Nông Lâm TPHCM như: “Nấm Linh chi Nông Lâm”, “Đông trùng hạ thảo Nông Lâm”, “Gạo mầm”, “Bột dinh dưỡng chùm ngây”... Những sản phẩm kể trên hiện có chỗ đứng vững chắc trên thị trường nhờ hệ thống phân phối phủ khắp toàn quốc. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giáo viên Trường THCS Thụy Liên (Thái Thụy, Thái Bình) trong giờ dạy môn Khoa học tự nhiên.

Giúp dạy học hiệu quả môn tích hợp

GD&TĐ - Sau 3 năm triển khai, các nhà trường đã rút ra những kinh nghiệm để triển khai dạy học hiệu quả môn tích hợp, nhất là môn Khoa học tự nhiên.
Minh họa/INT

Bóng ma hạt nhân ở Trung Đông

GD&TĐ - Tình hình Trung Đông đã đột ngột căng thẳng kể từ đêm 13/4 rạng sáng 14/4 khi Iran lần đầu tiên trong lịch sử thực hiện một cuộc không kích quy mô lớn.