Tiến sĩ Hàn Quốc thất nghiệp hàng loạt

GD&TĐ - Vào năm 2024, tình trạng thất nghiệp của tiến sĩ Hàn Quốc đã đạt mức kỷ lục, đặc biệt nghiêm trọng đối với những người dưới 30 tuổi.

Dù có bằng tiến sĩ, nhiều thanh niên Hàn Quốc vẫn thất nghiệp.
Dù có bằng tiến sĩ, nhiều thanh niên Hàn Quốc vẫn thất nghiệp.

Dữ liệu mới đây từ Cục Thống kê quốc gia Hàn Quốc cho thấy 3 trong số 10 người có bằng tiến sĩ không có việc làm, và gần 50% tiến sĩ trẻ gặp khó khăn khi tìm công việc ổn định.

Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là việc Chính phủ Hàn Quốc cắt giảm ngân sách cho nghiên cứu và phát triển (R&D) vào năm 2024. Quyết định được đưa ra sau gần 3 thập kỷ đầu tư mạnh mẽ.

Chính sách trên đã khiến nhiều dự án nghiên cứu bị thu hẹp, làm giảm cơ hội việc làm trong các lĩnh vực khoa học và công nghệ. Theo phân tích của Cục Thống kê, số lượng lao động thất nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ khoa học và công nghệ đã tăng mạnh sau khi ngân sách R&D bị cắt giảm.

Tình trạng thiếu việc làm đối với những người có bằng tiến sĩ trong các lĩnh vực này cũng phản ánh trong nhiều khảo sát. Một nghiên cứu đối với nghiên cứu sinh tiến sĩ mới tốt nghiệp cho thấy tỷ lệ không có việc làm của nhóm này đã tăng lên mức cao nhất từ trước đến nay, với hơn 29% không có việc làm hoặc không tích cực tìm kiếm việc làm. Đặc biệt, tỷ lệ thất nghiệp trong nhóm nữ tiến sĩ cao hơn đáng kể so với nam giới, với gần 1/3 không có công việc.

Các tiến sĩ trẻ, đặc biệt là những người dưới 30 tuổi, là nhóm đối mặt với khó khăn lớn nhất. Gần 48% trong số họ không thể tìm được việc làm, phản ánh việc tìm kiếm việc làm đã trở nên cạnh tranh và khó khăn hơn bao giờ hết.

Tình trạng này càng thêm nghiêm trọng khi nhiều sinh viên sau tiến sĩ cho biết họ không tìm thấy cơ hội việc làm phù hợp với trình độ và chuyên môn của mình. Một số người chấp nhận làm các công việc không yêu cầu bằng tiến sĩ, trong khi những người khác phải tìm kiếm cơ hội việc làm ở các quốc gia khác có môi trường nghiên cứu thuận lợi hơn như Mỹ.

Bên cạnh đó, mức lương của nhóm có việc làm không khả quan. Một nửa số tiến sĩ có việc làm chỉ nhận được mức lương hàng năm từ 20 triệu KRW đến 60 triệu KRW. Đây là mức lương không tương xứng với trình độ và công sức học tập. Trong khi đó, những người làm trong các ngành kỹ thuật hoặc khoa học tự nhiên có mức lương cao hơn đáng kể.

Một yếu tố khác làm trầm trọng thêm tình trạng này là hiện tượng “lạm phát bằng cấp”. Trong bối cảnh thị trường việc làm hạn chế, nhiều sinh viên đã lựa chọn theo đuổi các chương trình thạc sĩ và tiến sĩ với hy vọng nâng cao cơ hội nghề nghiệp.

Tuy nhiên, với sự gia tăng số lượng người có trình độ học vấn cao, các công ty và viện nghiên cứu ngày càng yêu cầu nhiều kinh nghiệm hơn, khiến những người mới tốt nghiệp không thể đáp ứng được yêu cầu công việc.

Tình hình thất nghiệp trong các lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật mặc dù nghiêm trọng, nhưng không đáng lo bằng lĩnh vực nhân văn. Những người có bằng tiến sĩ trong các lĩnh vực như nghệ thuật, văn học, và xã hội học gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm.

Các trường đại học cắt giảm các chương trình đào tạo nhân văn do thiếu ngân sách, và tỷ lệ thất nghiệp của tiến sĩ trong lĩnh vực này lên tới 40%, cao nhất trong tất cả các ngành. Các chuyên gia cho rằng, ngành nhân văn thiếu sự hỗ trợ từ bên ngoài, khiến các nghiên cứu sinh phải tự lực cánh sinh sau khi hoàn thành chương trình học.

Tình trạng hiện tại đặt ra nhiều câu hỏi về tương lai của nhóm tiến sĩ tại Hàn Quốc, đặc biệt là trong bối cảnh chính phủ giảm ngân sách cho R&D và các trường đại học đang phải đối mặt với khó khăn tài chính.

Mặc dù, Hàn Quốc vẫn duy trì chi tiêu cho R&D ở mức cao so với tiêu chuẩn quốc tế, nhưng sự thiếu hụt trong các khoản đầu tư nghiên cứu đã làm suy yếu cơ hội nghề nghiệp cho các sinh viên tốt nghiệp tiến sĩ.

Các chuyên gia cho rằng, chính phủ cần xem xét lại chính sách cắt giảm ngân sách và tạo ra môi trường hỗ trợ mạnh mẽ hơn cho nghiên cứu và phát triển, đặc biệt trong các lĩnh vực có tính đổi mới sáng tạo cao như công nghệ, khoa học tự nhiên và nhân văn. Hơn nữa, các công ty và viện nghiên cứu cũng cần nắm bắt cơ hội trong việc tạo ra các vị trí việc làm dành cho những người có trình độ cao, thay vì chỉ yêu cầu kinh nghiệm nhiều năm trong ngành.

Theo University World News

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ông Nguyễn Đắc Thủy - Giám đốc Sở VH, TT&DL tỉnh Phú Thọ tặng hoa và cờ lưu niệm cho các đơn vị.

Lung linh 'Sắc màu du lịch Đất Tổ'

GD&TĐ - Tối 3/4, Sở VH, TT&DL Phú Thọ khai mạc Chương trình “Sắc màu Du lịch Đất Tổ”, phát động hưởng ứng kích cầu Du lịch “Phú Thọ - Đi để yêu”.