TS Phong hiện là Trưởng bộ môn Hóa – Hóa sinh – Vi Ký sinh Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng (HIU).
Ngã rẽ không ngờ
Sinh ra và lớn lên ở TPHCM, năm 16 tuổi, Vũ Gia Phong quyết định sang Mỹ du học. Thời điểm, du học không hề suôn sẻ như bây giờ. Càng khó khăn hơn khi ngôi trường Phong lựa chọn lại là trường Đại học California tại Berkeley (UC Berkeley) - Trường Đại học công lập số 1 thế giới.
Đây là nơi đào tạo ra nhiều thiên tài trong nhiều lĩnh vực nghiên cứu khoa học, như Steve Wozniak (đồng sáng lập công ty Apple); Steven Chu (cựu Bộ trưởng Năng lượng Hoa Kỳ)...
Dù yêu cầu tuyển chọn du học sinh của ngôi trường này rất cao, nhưng năm 2002 Vũ Gia Phong vẫn đậu vào Đại học California, San Diego (University of California - UCSD) và tốt nghiệp thủ khoa, 4.0/4.0. Tại đây, TS Vũ Gia Phong đã học kết hợp giữa khoa học thần kinh và trí tuệ nhân tạo cũng như máy tính.
Sau đó, nhiều biến cố đã xảy ra. Một người bạn thân của Phong mất vì ung thư. Một năm sau đó, mẹ của Phong cũng được chẩn đoán mắc ung thư cổ tử cung. Trăn trở về căn bệnh này, anh quyết tâm theo học ThS và TS ngành hóa sinh.
TS Gia Phong là 1 trong số 4 sinh viên nhận được giải thưởng Luận án tiến sĩ xuất sắc của Văn phòng Chủ tịch Viện Đại học California. Đây là một thành quả đáng tự hào cho nhiều năm đèn sách vất vả ở đất nước xa xôi. Cũng nhờ vậy, chàng trai trẻ được giữ lại trường đảm nhiệm vai trò giảng viên và là người dẫn đầu trong một nhóm phát triển và thực hiện giao thức an toàn mới tại phòng thí nghiệm của trường.
“ Cuộc đời thật sự có nhiều sự sắp đặt rất khó nói. Bác sĩ nói mẹ tôi có thể sẽ sống được 5 năm, nhưng đến nay bà đã sống khỏe được 10 năm rồi. Thời điểm đó, tôi quyết chí học y cũng vì mong muốn cứu mẹ mình. Các thầy dạy tôi đã khuyên tôi rằng, vi sinh vật cũng có thể dùng để trị liệu trong y học. Vì vậy, tôi đã học ngành vi sinh học để tiếp tục nghiên cứu”- TS Phong chia sẻ.
Vũ Gia Phong vào học chuyên ngành dinh dưỡng chuyển hóa (Nutritional Sciences) and hóa sinh (Biochemistry) tại trường UC Berkeley cũng thuộc hệ thống UCSD. UC Berkeley được xếp hạng cao trên bản đồ quốc tế, theo nhiều bảng xếp hạng uy tín như Webometrix, USnews....
Chia sẻ thêm, TS Vũ Gia Phong cho biết anh chọn học ngành vi sinh rồi tới tiến sĩ sinh hóa vì nhận thấy nếu làm bác sĩ chỉ cứu được từng bệnh nhân khi họ gặp phải những vấn đề về sức khỏe. Nhưng với ngành vi sinh, sinh hóa thì những liệu pháp gene, vaccine mà mình nghiên cứu ra có thể giúp đỡ được rất nhiều người.
"Chúng tôi theo học hóa sinh với GS Sidney Altman để nghiên cứu các biện pháp trị liệu phân tử bằng RNA bằng cách điều phối các sản phẩm sinh hóa có trong cơ thể, ức chế/kích hoạt tổng hợp gene, tạo ra vi khuẩn hay virus nhân tạo giúp bệnh nhân chống chọi lại bệnh tật tốt hơn"- TS Phong cho biết.
Đến những thành công lớn
TS Vũ Gia Phong theo đuổi con đường nghiên cứu chủ yếu là trị liệu gene, trị liệu phân tử và chẩn đoán phân tử
“Chẩn đoán phân tử là thiết kế các thí nghiệm để xem con người mắc bệnh gì, biến chủng virus gì. Tôi đã tham gia trong nhóm nghiên cứu bộ kit phát hiện chẩn đoán biến chủng EV71 gây ra bệnh tay chân miệng tại Quảng Đông, Quảng Châu, Vũ Hán, Hồ Bắc… vào năm 2012. Sau đó bộ kít này cũng đã được đi vào sản xuất,” TS Vũ Gia Phong cho biết.
Ngoài ra, TS Vũ Gia Phong còn phát triển kéo phân tử cắt được hầu hết các loại virus có RNA. Nhiều bài báo cáo nghiên cứu của anh đã đăng trên Viện Hàn lâm Hoa Kỳ cho thấy anh đã sử dụng kéo phân tử cắt được các chuỗi RNA của virus HIV1, HBV… như một loại thuốc trị liệu, giúp không sản sinh ra virus được nữa. Năm 2013, trên ấn phẩm Molecular Therapy thuộc tạp chí Nature, anh đã đăng tải nghiên cứu về trị liệu phân tử đối với virus viêm gan siêu vi B - HBV.
Năm 2017, TS Vũ Gia Phong thực hiện một nghiên cứu khác với kéo phân tử trị liệu nhiễm Cytomegalovirus (HCMV), đặc biệt phụ nữ mang thai. Một số trẻ bị nhiễm bệnh này có thể khiến thần kinh phát triển kém, dẫn đến khiếm thị hay khiếm thính.
Đặc biệt, với đề tài “Cytomegalovirus UL23 ở người ức chế phiên mã các gen kích thích interferon-γ và ngăn chặn các phản ứng interferon-γ của virus bằng cách tương tác với protein tương tác N-myc của người”, anh đã phát hiện ra một loại bệnh tiềm ẩn đối với trẻ em, danh tiếng khoa học của anh lên tầm cao mới.
"Bệnh này thông thường không cần chữa thì trẻ em cũng có thể khỏi trong vòng 2 đến 3 tuần. Tuy nhiên ở một số trường hợp thì bệnh dẫn đến bại liệt, viêm màng não, nặng hơn là tử vong. Nghiên cứu của tôi giúp thiết kế primer (đoạn mồi gồm những chuỗi ADN nhỏ) đến phát hiện ra bệnh cho dù nó tiềm ẩn.
Ngoài ra, việc thu thập các mẫu phẩm khác nhau của virus cho tôi biết được tốc độ biến dị của virus cũng như gợi ý cho tôi biết bộ phận nào trên gen của virus không biến đổi để có thể dùng đó làm mục tiêu cho các liệu pháp gen…”- TS Phong phân tích.
Quay về để cống hiến
Đang ở đà thành công rực rỡ trong NCKH, năm 2020, TS Vũ Gia Phong có quyết định khiến nhiều người bất ngờ khi quay về Việt Nam, làm Trưởng bộ môn Hóa – Hóa sinh – Vi Ký sinh Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng.
Nói về quyết định này, anh cho biết trong một lần về Việt Nam thăm gia đình, lại ngay lúc dịch bệnh Covid-19 bùng phát khiến anh không thể trở về Mỹ được. Vậy là anh quyết định ở lại quê hương tiếp tục nuôi dưỡng ước mơ khoa học và giúp thúc đẩy các nghiên cứu trong lĩnh vực mà mình đang theo đuổi.
Theo TS Vũ Gia Phong, để đi theo con đường nghiên cứu, đòi hỏi phải có đam mê, kiên trì, không ngại gian khó. "Với sinh viên, chúng ta cần nuôi dưỡng cảm hứng cho các bạn. Đạt được những thành công nhỏ sẽ tạo nên niềm đam mê và ngược lại. Chúng ta hoàn toàn có thể mơ bay cao để đi xa. Ít ra khi bay lên cao, dù thành công một nửa, chúng ta cũng có thể thành ngôi sao tỏa sáng trên bầu trời", TS Phong chia sẻ.
Vì vậy, khi trở thành giảng viên ở HIU, TS Vũ Gia Phong đã luôn cố gắng xây dựng và tạo ra một số khóa nghiên cứu ngắn cho sinh viên. Tôi dạy các em việc sử dụng kéo phân tử để cắt một số virus. Cách để chiết xuất hoạt chất, pha thạch nuôi cấy vi khuẩn làm kháng sinh đồ… Bởi những kiến thức nền tảng trên theo TS Phong chính là cầu nối giữa khoa Dược và khoa Y trong các nghiên cứu y sinh cũng như trong khám chữa bệnh.
"Khi ở Mỹ, tôi may mắn khi được học và làm việc, nghiên cứu cùng những giáo sư nổi tiếng, trong đó có hai người từng giành giải Nobel là Giáo sư Sidney Altman (Nobel hóa học năm 1989) và Randy W. Schekman (Nobel Sinh lý học và Y khoa năm 2013). Họ là những người đã truyền ngọn lửa đam mê nghiên cứu đến tôi.
Tôi cũng muốn trở thành người truyền những đam mê nghiên cứu đó lại cho thế hệ sinh viên tiếp theo của mình. Tôi muốn người Việt được vinh danh ở lĩnh vực nghiên cứu khoa học thế giới”- TS Phong chia sẻ.