'Tiền mất, tật mang' do tự điều trị đau mắt đỏ

GD&TĐ - Nhiều người tự ý mua thuốc về phòng bệnh, điều trị tại nhà dẫn đến tình trạng bệnh trở nên nặng thêm.

Nếu không được điều trị kịp thời, đau mắt đỏ có thể dẫn đến biến chứng ảnh hưởng đến thị lực. Ảnh minh họa
Nếu không được điều trị kịp thời, đau mắt đỏ có thể dẫn đến biến chứng ảnh hưởng đến thị lực. Ảnh minh họa

Các bác sĩ khuyến cáo, người dân không nên nghe theo những phương pháp chữa bệnh truyền miệng chưa được xác thực.

Thúc đẩy bệnh nặng thêm

Thời gian gần đây, nhiều địa phương cả nước đã ghi nhận sự gia tăng nhanh số trường hợp mắc bệnh đau mắt đỏ. Theo thống kê của ngành y tế, số người mắc bệnh đau mắt đỏ năm nay đã tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.

Bệnh viện Mắt Trung ương đã ghi nhận số lượng bệnh nhân lớn đến khám và điều trị đau mắt đỏ. Tại Khoa Giác mạc, Bệnh viện Mắt Trung ương, mỗi ngày, các bác sĩ tiếp nhận khoảng 30 bệnh nhân đến bóc lớp màng giả mạc. Trong khi một tháng trước đó, mỗi ngày, Khoa Giác mạc tiếp nhận khoảng hơn 60 bệnh nhân đến để bác sĩ bóc giả mạc.

Đau mắt đỏ không phải là bệnh nguy hiểm. Song, nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể dẫn đến những biến chứng ảnh hưởng đến thị lực. Tuy nhiên, việc nhiều người tự ý mua thuốc về phòng bệnh, điều trị tại nhà dẫn đến tình trạng bệnh trở nên nặng thêm.

Bệnh nhân N.M.H. (trú tỉnh Quảng Trị) có dấu hiệu bị đau mắt đỏ nên tự ý mua thuốc về nhỏ. Hai ngày sau, tình trạng vẫn không giảm nên bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện Mắt tỉnh Quảng Trị.

Qua thăm khám, các bác sĩ kết luận bệnh nhân H. bị viêm loét giác mạc do nấm và tự ý dùng thuốc không đúng. Bệnh nhân nhập viện với ổ loét giác mạc rộng, thâm nhiễm sâu, thị lực xuống thấp. Sau gần 14 ngày được điều trị theo hướng kháng nấm, thị lực bệnh nhân cải thiện và được ra viện.

Trường hợp khác là trẻ nhập viện do biến chứng đau mắt đỏ vì tự nhỏ nước muối sinh lý. Cụ thể, thấy đôi mắt của con bị sưng đỏ, đổ ghèn, chị H.T.H. (trú tại khối 7, phường Thành Nhất, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) đã mua nước muối sinh lý nhỏ mắt liên tục cho trẻ. Song, bệnh không có dấu hiệu giảm mà ngày càng nặng hơn. Do vậy, chị phải cho con nghỉ học để đưa đi khám mắt. Sau khi thăm khám, các bác sĩ xác định bé bị viêm kết mạc.

Bác sĩ Lê Dương Thùy Linh - Trưởng khoa Khám, Bệnh viện Mắt tỉnh Đắk Lắk cho biết, thời điểm này, bệnh viện thường xuyên tiếp nhận cả trẻ em và người lớn bị đau mắt đỏ. Đặc biệt, từ cuối tháng 8 và tuần đầu tháng 9, mỗi ngày, khoa mắt bệnh viện tiếp nhận từ 20 - 30 bệnh nhân bị đau mắt gặp ở mọi lứa tuổi, từ trẻ em đến người cao tuổi.

Nhiều trẻ được đưa đến khám có xuất hiện giả mạc. Đa phần người bị viêm kết mạc đều nhanh khỏi sau khi được điều trị theo chỉ định của bác sĩ. Song, nếu không được điều trị hoặc điều trị muộn thì có thể gây ra biến chứng viêm loét giác mạc, ảnh hưởng nhiều đến thị lực.

Mất thị lực do nhỏ sữa mẹ vào mắt

Không chỉ tự điều trị đau mắt đỏ, nhiều phụ huynh còn nghe lời truyền miệng, áp dụng phương pháp dân gian, nhỏ sữa vào mắt trẻ. Cụ thể, tại Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 gần đây đã tiếp nhận trường hợp bé trai (8 tuổi, ở Cao Bằng) mất thị lực do mẹ chữa bệnh bằng cách nhỏ sữa vào mắt.

Bệnh nhi được đưa vào viện trong tình trạng nhiễm trùng mắt trái nặng. Gia đình cho biết, trong lúc nghịch que sắt với bạn, bé không may bị que đâm vào mắt. Sợ bị mẹ mắng, bé giấu không dám nói, mắt cũng chỉ bị chảy rất ít máu và vẫn còn nhìn thấy mờ mờ.

Sáng hôm sau, thấy mắt con sưng, ra gỉ nhiều, học theo quan niệm dân gian, mẹ trẻ đã vội vàng đi xin sữa mẹ của hàng xóm về nhỏ vào mắt cho con. Tuy nhiên, đến buổi chiều, mắt bé sưng nặng hơn kèm chảy dịch màu hồng. Sau đó, bé hoàn toàn không nhìn thấy gì.

Sau đó, bố mẹ bé đưa con đi bệnh viện, nhưng tình trạng mắt của bé bị nhiễm trùng nặng buộc phải chuyển bệnh viện chuyên khoa mắt. Bác sĩ kết luận, bé đã bị mất hoàn toàn thị lực mắt trái, buộc phải phẫu thuật bỏ mắt.

Bác sĩ Mai Thị Anh Thư - Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 cho biết: “Bệnh nhân bị chấn thương do vật nhọn đâm trực tiếp, cộng thêm việc nhỏ sữa mẹ vào mắt. Điều đó tạo điều kiện thuận lợi cho vi sinh vật xâm nhập, trở nên nặng hơn. Bệnh nhân lại không được cứu chữa kịp thời dẫn tới mất hoàn toàn thị lực”.

Theo bác sĩ Hoàng Cương - Phó Trưởng ban Truyền thông (Bệnh viện Mắt Trung ương), chữa đau mắt đỏ bằng cách nhỏ sữa mẹ, hay xông, đắp lá trầu không, diếp cá, dùng nước smart A nhỏ vào mắt… là phương pháp phản khoa học. Chuyên gia này cho biết, người bệnh cần tránh xa các thông tin chưa xác thực này trên mạng xã hội.

Trong khi đó, theo PGS.TS Hoàng Thị Minh Châu - Chủ tịch Hội đồng chuyên môn Bệnh viện Mắt Hà Nội 2, chưa có bằng chứng khoa học nào chứng minh việc nhỏ sữa non vào mắt sẽ chữa được các bệnh về viêm nhiễm.

“Sữa mẹ rất tốt, là lá chắn để bảo vệ các bé khỏi những tác nhân gây bệnh. Tuy nhiên, sữa non chỉ nên được sử dụng đúng mục đích là cho con bú, không nên sử dụng với những mục đích khác. Việc nhỏ sữa vào khiến đôi mắt của con gặp tình trạng nguy hiểm hơn”, PGS Châu cảnh báo.

Chuyên gia lý giải, trong sữa mẹ chứa nhiều chất dinh dưỡng, nhưng đó cũng là môi trường để các vi khuẩn phát triển nhanh. Vì vậy, khi nhỏ sữa mẹ vào mắt trẻ, vi khuẩn sẽ xâm nhập vào và khiến bệnh càng nặng hơn.

Khi đó, trẻ có nguy cơ thủng giác mạc, hoại tử giác mạc. Thậm chí, trẻ có thể mất thị lực, với các triệu chứng như: Mắt chảy dịch màu hồng, không mở được mắt, mi sưng, kết mạc bị xung huyết, có giả mạc, giác mạc bị loét.

Bên cạnh đó, sau khi mẹ vắt sữa ra, sữa sẽ được đựng trong cốc, túi trữ sữa. Bầu ngực của mẹ hay các công cụ để chứa sữa là cũng là môi trường thuận lợi để vi khuẩn có thể xâm hại bất cứ lúc nào.

Do đó, PGS.TS Hoàng Thị Minh Châu khuyến cáo, nếu trẻ mắc phải một số bệnh như viêm kết mạc, viêm giác mạc, viêm nhiễm, sưng tấy, phụ huynh nên đưa bé tới bệnh viện càng sớm càng tốt. Thay vào đó, gia đình không nên tự mua thuốc hay tự điều trị cho con. Tuyệt đối không nhỏ sữa vào mắt con vì cách làm này có thể khiến trẻ mất thị lực.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.