Sai lầm chết người khi tự điều trị sốt xuất huyết

GD&TĐ - Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tuần qua, thành phố ghi nhận thêm 2.593 ca mắc sốt xuất huyết tại 29 quận, huyện.

Bệnh nhân sốt xuất huyết điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: BVCC
Bệnh nhân sốt xuất huyết điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: BVCC

Sốt xuất huyết rất dễ bị chảy máu. Việc cạo gió có thể sẽ làm tăng sự xuất huyết dưới da, các thành mạch sẽ bị vỡ và tiểu cầu giảm nên rất nguy hiểm với người bệnh.

Tử vong do nhập viện muộn

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tuần qua, thành phố ghi nhận thêm 2.593 ca mắc sốt xuất huyết tại 29 quận, huyện. Từ đầu năm đến nay, Hà Nội có 17.974 ca mắc sốt xuất huyết (tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ năm 2022); trong đó có 3 ca tử vong.

Ngoài ra, tuần qua, thành phố cũng ghi nhận 105 ổ dịch tại 23 quận, huyện, thị xã. Hiện còn 264 ổ dịch hoạt động tại 28 quận, huyện, thị xã. Trong đó, có một số ổ dịch diễn biến phức tạp kéo dài.

Các chuyên gia y tế cảnh báo nhiều ca bệnh trở nặng do xử trí không đúng cách, hoặc bệnh nhân đến cơ sở y tế quá muộn, lúc đó đã có các biểu hiện suy đa tạng hoặc sốc, dẫn đến nguy cơ tử vong cao.

Tại Hà Nội, Bệnh viện Bạch Mai thông tin, mỗi ngày Trung tâm Bệnh nhiệt đới của bệnh viện tiếp nhận 30 - 50 ca sốt xuất huyết đến khám. Trong đó, có 15 - 20 ca nặng có dấu hiệu cảnh báo cần phải nhập viện.

PGS.TS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai nhận định: Tình hình dịch sốt xuất huyết đang diễn biến khá phức tạp. Đến nay, tại đây đã ghi nhận 6 trường hợp tử vong, đa số là do đến bệnh viện muộn với bệnh cảnh sốc giảm thể tích, rối loạn đông máu và suy đa phủ tạng.

Ngoài ra, có một số trường hợp đặc biệt cần theo dõi chặt như: Phụ nữ có thai, người đang mắc các bệnh nền như bệnh tim, phổi, ung thư, chạy thận nhân tạo...

Chuyên gia này cảnh báo, nhiều ca bệnh trở nặng do xử trí không đúng cách, hoặc bệnh nhân đến cơ sở y tế quá muộn. Cần đặc biệt lưu ý từ ngày thứ 4 - 5 trở đi, sẽ có hiện tượng máu cô đặc nếu không bù đủ dịch. Xét nghiệm công thức máu nếu thấy chỉ số hematocrite tăng trên 20% so với ban đầu tức là máu bị cô đặc, phải hết sức lưu ý trong vấn đề truyền dịch.

Trong trường hợp truyền dịch mà không có hiệu quả thì phải dùng dung dịch cao phân tử để kéo nước vào trong lòng mạch. Các trường hợp nặng có dấu hiệu cảnh báo: Đau bụng vùng gan, tiểu ít, chảy máu cam, máu lợi, nôn hoặc đi ngoài ra máu, rong kinh, rong huyết ở nữ giới, xét nghiệm công thức máu tiểu cầu giảm nhanh hoặc hematocrit tăng nhanh.

Nguy hiểm khi áp dụng phương pháp dân gian

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus mang Dengue (với 4 type huyết thanh D1, D2, D3 và D4) có trong muỗi vằn lây truyền từ người này sang người khác qua vết cắn của muỗi. Diễn biến lâm sàng của bệnh trải qua 3 giai đoạn. Từ ngày thứ 1 đến ngày 3 là giai đoạn sốt. Ngày thứ 4 đến ngày thứ 7 là giai đoạn nguy hiểm. Từ ngày thứ 7 đến ngày thứ 10 là giai đoạn hồi phục.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM) cho biết, sốt xuất huyết không giống cảm sốt thông thường. Đối với các bệnh lý qua đường hô hấp thì người dân có thể xông mũi, xông họng và uống nước để giải cảm. Tuy nhiên, sốt xuất huyết là một loại siêu vi thông qua đường muỗi chích, đi qua đường máu. Do đó, không thể giải quyết bằng những cách trên.

“Người bị sốt xuất huyết tuyệt đối không được thực hiện các biện pháp dân gian như cạo gió, xông hơi, cắt lễ. Bởi, sốt xuất huyết rất dễ bị chảy máu. Nếu cạo gió, cắt lễ thì có thể sẽ làm tăng sự xuất huyết dưới da, các thành mạch sẽ bị vỡ và tiểu cầu giảm nên rất nguy hiểm với người bệnh. Phải xác định mình không bị sốt xuất huyết thì mới có thể thực hiện các biện pháp giải cảm thông thường”, bác sĩ Trương Hữu Khanh nhấn mạnh.

Chuyên gia này khuyến cáo, hiện tại, người dân khi có biểu hiện tự nhiên sốt cao là phải nghĩ ngay đến bệnh sốt xuất huyết trước khi thực hiện các biện pháp giải cảm theo dân gian. Bên cạnh đó, cần theo dõi thời gian sốt. Nếu sốt quá 48 tiếng thì phải đi đến bệnh viện. Trong thời gian 48 tiếng đó, phải uống đủ nước, ăn uống và nghỉ ngơi.

Sau 48 tiếng, phải đến cơ sở y tế khám bệnh, xét nghiệm máu để biết bệnh ở mức độ nặng hay nhẹ. Đồng thời, phải tuyệt đối tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ. Sau 48 tiếng, nếu thấy nôn ói nhiều thì bệnh đã biến chứng, đau ở vùng bên hông phải, chảy máu răng, đi cầu ra máu… Khi đó, cần đến bệnh viện gấp.

ThS.BS Lê Hồng Nga - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM (HCDC) cho biết, thống kê trong năm qua cho thấy, số ca bệnh sốt xuất huyết nặng chiếm 20% trong tổng số trường hợp mắc. Tuy nhiên, thực tế, số ca nặng có thể còn nhiều hơn nữa. Biểu hiện của bệnh đa dạng từ nhẹ đến nặng và thậm chí ghi nhận có những trường hợp tử vong.

Nhiều ý kiến cho rằng, bệnh sốt xuất huyết thường trở nặng ở trẻ và trẻ mắc sốt xuất huyết nhiều hơn người lớn. Nói về quan niệm này, bác sĩ Lê Hồng Nga cho rằng, vài chục năm trước đây tỷ lệ trẻ em mắc sốt xuất huyết chiếm 70%. Trong khi đó, theo điều tra dịch tễ những năm gầy đây, tỷ lệ trẻ em và người lớn mắc bệnh và khả năng trở nặng là ngang nhau.

“Tuy nhiên, người lớn mắc sốt xuất huyết khi đến bệnh viện thì thường nặng hơn ở trẻ. Bởi, người lớn khi bị sốt hay chủ quan và cho rằng sốt có thể tự hết. Khi đến bệnh viện thì tình trạng đã quá nặng và không thể xử trí được. Thực tế, đã có trường hợp tử vong”, bác sĩ Lê Hồng Nga cảnh báo.

Chuyên gia cũng khuyến cáo, người dân nếu bị sốt, cần đi đến các cơ sở y tế khám bệnh. Không nên ở nhà tự điều trị, cạo gió, xông hơi, truyền dịch… Bởi, có những trường hợp người dân nghĩ mình bị cảm thông thường và tự ở nhà điều trị. Đến khi bệnh quá nặng, những người này mới vào bệnh viện thì đã muộn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ