Loét giác mạc do tự điều trị đau mắt đỏ

GD&TĐ - Dịch đau mắt đỏ vẫn đang diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh thành cả nước.

Nhiều bệnh nhân rơi vào tình trạng đau mắt đỏ nặng hơn do tự điều trị. Ảnh minh họa.
Nhiều bệnh nhân rơi vào tình trạng đau mắt đỏ nặng hơn do tự điều trị. Ảnh minh họa.

Các chuyên gia nhận định, khác với những năm trước, năm nay, các cơ sở y tế ghi nhận nhiều ca biến chứng nặng. Một trong những nguyên nhân chủ yếu gây ra tình trạng này là người dân tự ý điều trị.

Tại Hà Nội, thống kê sơ bộ của Bệnh viện Mắt Trung ương cho thấy, hằng tuần, có 700 - 800 ca đến khám. Trung bình, 100 bệnh nhân khám thì có khoảng 20 - 30 người đau mắt đỏ.

PGS.TS Lê Xuân Cung, Trưởng khoa Kết - Giác mạc, Bệnh viện Mắt Trung ương đánh giá: “Hàng năm khi nắng nóng thường xảy ra dịch đau mắt đỏ, hay còn gọi là viêm kết mạc cấp. Năm nay dịch nặng và kéo dài hơn. Hiện đã là mùa Thu, nhưng dịch vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Đáng nói, năm nay có nhiều ca biến chứng nặng, tỷ lệ lên tới 15 - 20% tổng số ca được chẩn đoán đau mắt đỏ”.

Bệnh viện Mắt Hà Nội cũng cho hay, trong tháng 9 đã tiếp nhận 1.498 trường hợp đau mắt đỏ, tăng khoảng 20% so với tháng 8. Con số này tăng gần gấp đôi so với số ca mắc trong tháng 6. Trong đó, khoảng 20% số ca đến khám có chỉ định điều trị nội trú do có biến chứng nặng.

Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh - Phụ trách Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Mắt Hà Nội cho hay: “Nguyên nhân chính khiến nhiều bệnh nhân tới viện trong tình trạng bệnh trở nặng là tự ý điều trị, dùng thuốc khi chưa có sự thăm khám, đặc biệt là tự ý sử dụng những thuốc nhỏ mắt có Corticoid; không tuân thủ phác đồ điều trị; có những thói quen như dụi mắt, nhỏ thuốc khi chưa vệ sinh tay…”.

Mới đây, Bệnh viện E cũng thông tin về một ca bệnh điển hình đau mắt đỏ biến chứng do không thăm khám mà tự ý điều trị. Cụ thể, theo lời kể của bệnh nhân, cách đây 1 tuần, N.M.N (20 tuổi, Hà Nội) thấy mắt ngứa, đỏ, cộm... nên nghĩ mình bị đau mắt đỏ.

Bệnh nhân tự mua thuốc uống và nhỏ về dùng liên tục trong 6 ngày. Song, tình trạng đau mắt không thuyên giảm mà ngày càng nặng hơn. Tới ngày thứ 6, bệnh nhân không còn nhìn thấy nữa mới hoảng loạn gọi người nhà đưa vào viện thăm khám.

Theo bác sĩ Nguyễn Duy Bích - Khoa Mắt, Bệnh viện E, bệnh nhân đến viện muộn, chẩn đoán bị loét giác mạc nghi do nấm và mủ tiền phòng. Hiện, bệnh nhân được điều trị chuyên khoa theo phác đồ và tư vấn của bác sĩ để lấy lại thị lực.

Bác sĩ Bích cho biết thêm, đây chỉ là một trong nhiều trường hợp mắc bệnh do chủ quan, tự ý điều trị dẫn đến biến chứng nguy hiểm.

Các bác sĩ nhấn mạnh, điều trị bệnh đau mắt đỏ không có các loại thuốc đặc hiệu. Bởi, nguyên nhân thường là do virus không chịu tác dụng của các loại kháng sinh. Để phòng tránh bị nhiễm bệnh, theo các chuyên gia, trong mùa dịch, người dân nên hạn chế đến chỗ đông người. Đồng thời, đeo khẩu trang và kính mắt khi tiếp xúc với những người bị đau mắt đỏ.

Ngoài ra, cần thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc cồn sát khuẩn tay sau khi tiếp xúc với các đồ vật ở nơi công cộng như tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, ghế ngồi công cộng, máy tính công cộng, tiền giấy… Rửa mũi họng hằng ngày bằng nước muối sinh lý.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ