Tiền lệ tốt cho báo chí

GD&TĐ - Chưa đầy một tuần sau khi Facebook ngăn chặn tin tức báo chí Australia hiển thị trên Facebook của người dùng nước này, hôm 23/2, người khổng lồ công nghệ đã thay đổi quyết định để cho tin tức xuất hiện trở lại.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Thoả thuận giữa Chính phủ Australia và Facebook về việc mạng xã hội này phải trả tiền tin tức sẽ tạo ra tác động lớn với công nghiệp báo chí toàn cầu. 

Australia và Facebook đã đàm phán để thay đổi một vài điều khoản trong dự luật yêu cầu Facebook trả tiền tin tức báo chí. Theo dự luật ban đầu, Facebook sẽ buộc phải trả tiền cho các cơ quan báo chí nếu sử dụng tin tức của họ.

Nhưng sau đàm phán, quy định trên không phải là “bắt buộc”, mà là Facebook có cơ hội thương lượng với họ. Tờ Sydney Morning Herald cho biết, Facebook đã đồng ý trả tiền cho tin tức của Công ty truyền thông Seven West Media và đang thương lượng với Công ty Nine West. 

Bộ Tài chính Australia cho biết, họ sẽ xem xét liệu Facebook và các nền tảng số khác như Google đã “đóng góp đáng kể vào sự bền vững của ngành công nghiệp báo chí Australia” hay chưa, thông qua thoả thuận với các cơ quan báo chí. 

Bước nhượng bộ của Facebook là kết quả khả quan nhất cho tới nay trong cuộc đối đầu từ lâu giữa các nhà cung cấp nội dung ở nhiều nước với các nền tảng công nghệ. Nhiều năm nay các tờ báo đã yêu cầu Facebook phải trả tiền thích hợp khi sử dụng tin tức và kiếm lời khổng lồ từ đó nhưng FB kiên quyết từ chối. 

Facebook theo đuổi sứ mệnh kết nối con người, và mới vài tháng gần đây Zuckerberg còn nói rằng Facebook luôn ủng hộ tự do biểu đạt. Nhưng ở Australia, khi dự luật trả tiền được đưa ra, Facebook đã chặn việc hiển thị tin tức, đi ngược lại chính tuyên ngôn của họ.

Thông tin trên báo chí ít nhất đã được các cơ quan báo chí kiểm chứng, bằng chi phí của họ, nhưng Facebook lại không muốn chia sẻ những chi phí đó và còn kiếm lợi một mình. 

Theo các nhà quan sát, Facebook không chỉ không muốn trả thuế và phí ở các nước, mà còn muốn áp đảo thị trường quảng cáo ở các nước. Lâu nay họ vẫn tự tung tự tác điều chỉnh các thuật toán để chi phối những gì người dùng có thể nhìn thấy trên Facebook, quyết định cả thông tin ảnh hưởng đến người dùng cũng như làm đầy thêm lợi nhuận của họ.

Những gì các chính phủ muốn can thiệp để cản trở sự tự tung tự tác đó đều bị Facebook coi là mối đe doạ và họ dùng sức mạnh công nghệ để áp đặt luật chơi của họ, nhằm bảo đảm sự thống trị thị trường và hàng chục tỷ USD lợi nhuận mỗi năm. 

Tuy nhiên, điều đó đang thay đổi với việc chính phủ Australia không lùi bước, cũng như nhờ những thoả thuận trước đó của Google với Australia và tương tự với Pháp. Google đã đồng ý trả tiền tin tức cho đế chế truyền thông của tỷ phú Rupert Murdoch và với 121 cơ quan xuất bản của Pháp. 

Sau Australia, Pháp, Anh, Đức, Canada đều đã lên tiếng cũng sẽ theo đuổi cuộc chiến pháp lý với các nền tảng mạng xã hội. Tất nhiên điều tiếp theo sẽ là những cơ quan báo chí nào có lợi từ thoả thuận với Google hay Facebook, liệu những cơ quan báo chí nhỏ có phần hay chỉ rơi vào những tập đoàn báo chí lớn, đó là bài toán mà các nước, các hãng tin sẽ còn phải tìm lời giải. 

Ở Việt Nam, Facebook được cho là kiếm lời từ quảng cáo với giá trị từ vài chục triệu đến cả tỷ USD theo các ước tính khác nhau. Những gì Australia đã đạt được với Facebook sẽ là tiền lệ tốt để Việt Nam và các nước chuẩn bị các quy định pháp lý, các cơ chế để cũng đạt được đáp số cùng thắng đó. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ