Tiền kiểm – hậu kiểm và sự đồng thuận

GD&TĐ - Tại phiên họp Thứ 3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Điện ảnh sửa đổi.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL cho biết, cần xin ý kiến Quốc hội về quy định phổ biến phim trên không gian mạng.

Nội dung dự thảo được Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến đưa ra 2 phương án về phổ biến phim trên không gian mạng.

Phương án 1, cho phép các nhà phát hành “tự kiểm” và chịu trách nhiệm, Bộ VH-TT&DL sẽ hậu kiểm. Đây là cách tiếp cận mới trong bối cảnh phát triển của dịch vụ phát hành, phổ biến phim trực tuyến, giảm thiểu gánh nặng chi phí và nhân sự cho các nhà quản lý, tăng cường hội nhập quốc tế, thương mại điện tử xuyên biên giới.

Phương án 2, dự thảo luật quy định chỉ được phổ biến phim khi có giấy phép phân loại phim do Bộ VH-TT&DL, UBND cấp tỉnh cấp hoặc quyết định phân loại của cơ quan báo chí có giấy phép hoạt động phát thanh, truyền hình được phép phổ biến trên không gian mạng.

Trong báo cáo thẩm tra dự án Luật điện ảnh sửa đổi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, thường trực ủy ban đề xuất thêm phương án 3 là kết hợp “hậu kiểm” và “tiền kiểm”. Hậu kiểm là chủ yếu, tiền kiểm đối với phim có ảnh hưởng xấu...

Cho ý kiến về nội dung Luật Điện ảnh sửa đổi, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, cần phải có cả khâu tiền kiểm và hậu kiểm, chứ không chỉ cực đoan chọn 1 trong 2.

Việc kiểm duyệt đã và đang thu hút sự quan tâm rất lớn của giới làm phim trong và ngoài nước. Bởi vậy từng có nhiều hội thảo lớn nhỏ diễn ra nhằm tìm kiếm môi trường sáng tạo, bình đẳng hơn cho các nhà làm phim.

Trong khi Luật Điện ảnh chưa theo kịp tiến bộ trong sản xuất, phát hành và phổ biến phim, thì việc thiếu quy định cụ thể khiến cả nhà làm phim và người duyệt loay hoay. Phim “Ròm” của đạo diễn Trần Thanh Huy là ví dụ cho thấy độ vênh nhất định về quan điểm giữa giới làm phim với Hội đồng thẩm định và phân loại phim.

Phim “Ròm” được Liên hoan phim Busan 2019 trao giải quan trọng là New Currents. Tuy nhiên, tại Việt Nam trước khi ra rạp đã bị phạt hành chính, vì lỗi không xin phép cơ quan quản lý đã đưa phim đi dự thi nước ngoài.

Tại hội thảo do UNESCO và Bộ VH-TT&DL tổ chức vào cuối tháng 7/2020, nhiều nhà làm phim độc lập đã nêu ví dụ về tình trạng “kiểm duyệt để an toàn” đến mức khó chịu. Có nhà làm phim đặt vấn đề nên chăng bỏ kiểm duyệt?

Điều đó cho thấy, điểm yếu nhất của các nhà làm phim Việt Nam là thiếu kiến thức pháp luật, ít nghiên cứu chính sách. Bởi vậy, dù là người trong cuộc nhưng chỉ nêu được những vướng mắc gặp phải, mà không phân tích được chính sách bất cập ở chỗ nào, không thể đưa ra giải pháp thay đổi tích cực.

Trong khi “tiền kiểm” hay “hậu kiểm” phim phát hành trên mạng đang được cân nhắc lựa chọn, thì vấn đề muôn thuở là cần tạo sự đồng thuận giữa nhà kiểm duyệt và nhà làm phim. Chỉ có đồng thuận mới tạo sự phát triển bền vững cho nghệ thuật điện ảnh, cũng như nền văn hoá mà nền điện ảnh đem lại.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ