Tín hiệu tốt về công tác phân luồng

GD&TĐ - Trong thời gian mở lại Hệ thống (từ ngày 22 đến trước 17 giờ ngày 23/8), có thêm gần 4.000 thí sinh đăng ký nguyện vọng và khoảng 75.000 em điều chỉnh nguyện vọng. Thời điểm cao nhất có trên 6.000 thí sinh cùng vào Hệ thống nhưng không có hiện tượng quá tải hay lỗi kỹ thuật.

Thí sinh tham dự Kỳ thi đánh giá tư duy năm 2022 do Trường ĐH Bách khoa Hà Nội tổ chức. Ảnh: NTCC
Thí sinh tham dự Kỳ thi đánh giá tư duy năm 2022 do Trường ĐH Bách khoa Hà Nội tổ chức. Ảnh: NTCC

Với khoảng 1/3 số thí sinh không nhập nguyện vọng lên Hệ thống cho thấy tín hiệu tốt từ công tác phân luồng.

Xu thế tất yếu

Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022, Ngô Thái Bảo Nam (Sóc Sơn, Hà Nội) đạt 18,5 điểm (khối A00: Toán, Vật lý và Hóa học). Nam sinh quyết định không tham gia đăng ký xét tuyển đại học trên Hệ thống, vì cho rằng, điểm số này không thể trúng tuyển vào nguyện vọng mà mình mong muốn – Khoa Cơ khí, Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội.

“Em không muốn lãng phí thời gian, tiền bạc khi biết chắc mình khó có thể cạnh tranh với các thí sinh khác. Vì thế, em chọn phương án an toàn là học nghề. Em vẫn tâm niệm, đại học không phải là con đường duy nhất dẫn đến thành công, chỉ cần mình đủ đam mê và quyết tâm thì thành công sẽ đến” - Bảo Nam bộc bạch.

Nhấn mạnh, có nhiều lý do khiến thí sinh không tham gia đăng ký xét tuyển đại học trên Hệ thống dù được gia hạn, TS Lê Xuân Thành – Trưởng phòng Công tác Chính trị - Sinh viên, Trường ĐH Mỏ - Địa chất (Hà Nội) - phân tích: Nhiều thí sinh “bỏ cuộc” vì điểm thi không được tốt nên cơ hội trúng tuyển vào các trường đại học rất thấp. Bên cạnh đó, không ít thí sinh đăng ký vào các cơ sở đào tạo không thuộc Bộ GD&ĐT quản lý nên không tham gia đăng ký xét tuyển trên Hệ thống.

Cũng phải kể đến một lượng thí sinh chấp nhận không tham gia xét tuyển đợt này. Các em chờ cơ hội để đăng ký xét tuyển bổ sung của các cơ sở đào tạo. Ngoài ra, khoảng 15% thí sinh (trong hơn 300.000 thí sinh không đăng ký xét tuyển) chọn học nghề, hoặc đi làm tại các công ty, nhà máy sau khi tốt nghiệp THPT và số khác chờ tốt nghiệp THPT để đi du học.

ThS Nguyễn Thị Minh Thúy – Hiệu trưởng Trường THCS & THPT Nguyễn Siêu (Cầu Giấy, Hà Nội) - cho rằng, trên 300.000 thí sinh không đăng ký nguyện vọng trên Hệ thống không đáng quan ngại. Dự báo, sang năm con số này còn tăng hơn, vì xu hướng học sinh chọn du học trong nước và nước ngoài rất nhiều.

“Thống kê chưa đầy đủ, có khoảng 30% học sinh Trường THCS & THPT Nguyễn Siêu đi du học ngay sau khi tốt nghiệp THPT. Đó là chưa kể nhiều em lựa chọn học các trường đại học không thuộc Bộ GD&ĐT quản lý” - ThS Nguyễn Thị Minh Thúy viện dẫn, đồng thời nhấn mạnh: Số thí sinh không tham gia xét tuyển đại học phần nào cho thấy công tác phần luồng tốt và là xu thế tất yếu của xã hội. Nhà trường sẽ phối hợp với Sở GD&ĐT Hà Nội, Bộ GD&ĐT để hỗ trợ tối đa cho thí sinh, nhất là trong thời gian nộp lệ phí xét tuyển bằng hình thức trực tuyến.

Thí sinh tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022. Ảnh: TG

Thí sinh tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022. Ảnh: TG

Tiết kiệm cho gia đình và xã hội

Số thí sinh đăng ký xét tuyển năm 2022 giảm hơn so với năm trước, nhưng thể hiện thực chất, thực lực của thí sinh. Nhìn nhận vấn đề trên, GS.TS Trần Thị Vân Hoa - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân (Hà Nội) - cho hay: Khi nhận kết quả tốt nghiệp THPT, các em biết mình đang ở đâu và nhận thấy không đủ khả năng cạnh tranh xét tuyển vào đại học nên không đăng ký trên Hệ thống. Ngoài ra, cũng không ít thí sinh quyết định đi du học… Điều này cũng giảm được công sức, lệ phí xét tuyển không cần thiết và tiết kiệm lớn cho xã hội.

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) – cho hay: Bộ tiếp tục phân tích số liệu về điểm thi tốt nghiệp THPT và phân tích theo vùng miền… đối với số lượng hơn 300.000 thí sinh không đăng ký xét tuyển để có các điều chỉnh chính sách tương ứng, phù hợp trong những năm tới.

Nếu nhìn vào năng lực đào tạo hiện nay của hệ thống, tức là số lượng chỉ tiêu mà các trường đại học đã công bố, thì con số 616.522 thí sinh nhập nguyện vọng đăng ký xét tuyển là hợp lý. Bởi hệ thống giáo dục đại học của Việt Nam hiện không đủ dung lượng để đào tạo cho trên 940.000 thí sinh nếu cùng đăng ký xét tuyển. Thực tế, năm 2020, số lượng nhập học chính quy theo tất cả phương thức xét tuyển là gần 442.000 thí sinh. Đến năm 2021, con số này tăng lên hơn 500.000 thí sinh.

Trước ý kiến cho rằng, gần 1/3 thí sinh không nhập nguyện vọng lên Hệ thống chính là “tỷ lệ ảo”, gây khó khăn cho các trường trong công tác tuyển sinh; PGS.TS Nguyễn Thu Thủy nhấn mạnh, đây không phải tỷ lệ ảo, mà giúp giảm số “thí sinh ảo” trong hệ thống khi triển khai công tác tuyển sinh. Con số 616.522 thí sinh nhập nguyện vọng phần lớn là những người muốn học đại học, có đủ năng lực để học.

“Việc Hệ thống của Bộ GD&ĐT chạy lọc ảo trên những thí sinh này giúp “giảm ảo” rất nhiều, bởi nếu giữ cả những thí sinh không muốn học/khó có khả năng đỗ đại học sẽ càng rối và khiến các trường càng khó xác định đúng số lượng thí sinh có khả năng nhập học” - PGS.TS Nguyễn Thu Thủy chia sẻ.

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy thông tin, kể từ thời điểm Bộ GD&ĐT đã mở lại Hệ thống, hầu hết thí sinh chỉ vào sửa nguyện vọng đã đăng ký. Một số em sửa những sai sót vì vẫn còn những điểm chưa được hoàn thiện của giai đoạn trước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ