Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh giai đoạn 2018 – 2025

GD&TĐ - Đề án ‘’Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 – 2025’’ đang triển khai hiệu quả.

Mục tiêu của đề án

Mục tiêu chung của đề án là tạo bước đột phá về chất lượng giáo dục hướng nghiệp trong giáo dục phổ thông, góp phần chuyển biến mạnh mẽ công tác phân luồng học sinh sau trung học cơ sở và trung học phổ thông vào học các trình độ giáo dục nghề nghiệp phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và địa phương, đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực quốc gia, hội nhập khu vực và quốc tế.

Mục tiêu cụ thể chia làm 2 giai đoạn là mục tiêu đến năm 2020 và mục tiêu đến năm 2025. Mục tiêu đến năm 2025 là:

Phấn đấu 100% trường trung học cơ sở và trung học phổ thông có chương trình giáo dục hướng nghiệp gắn với sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của địa phương; đối với các trường ở địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 80%;

Phấn đấu ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp; đối với các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 30%;

Phấn đấu ít nhất 45% học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ cao đẳng; đối với các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 35%.

Hiện chúng ta đang trong giai đoạn 2 của đề án, một chặng đường cũng khá dài để nhìn nhận và tạo những bước đột phá trong thời gian còn lại của đề án.

Những thành tựu và bất cập trong việc thực hiện đề án trong giai đoạn Covid-19

Từ năm 2018 đến nay, công tác giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh đã được các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố, các cơ sở giáo dục và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp triển khai bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, phù hợp với đặc điểm tình hình dịch bệnh Covid-19 và điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương. Ngoài việc tuyên truyền về ý nghĩa, tầm quan trọng của giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS và THPT, các nội dung tuyên truyền còn được các cơ quan, địa phương cụ thể hóa thông qua việc cung cấp thông tin các ngành nghề ở địa phương đang cần; biểu dương những tấm gương tiêu biểu tại địa phương…nhằm nâng cao nhận thức về giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông đến cha mẹ học sinh, học sinh và trong các tầng lớp nhân dân.

Tư vấn hướng nghiệp tại tỉnh Bình Định.
Tư vấn hướng nghiệp tại tỉnh Bình Định.

Lấy ví dụ đánh giá thực trạng qua 3 năm thực hiện phân luồng học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở tỉnh Bình Định cho thấy việc học sinh tốt nghiệp THCS vào học trung cấp tại các trường cao đẳng trên địa bàn có sự tăng về số lượng, cụ thể: Năm học 2020-2021 tăng 35,7% so với năm học 2019-2020, năm học 2021-2022 tăng 69,3% so với năm học 2020-2021. Tuy nhiên so với Kế hoạch được phê duyệt tại Quyết định số 3517/QĐ-UBND thì mục tiêu cụ thể số học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các trường cao đẳng trong tỉnh chưa đạt mục tiêu đề ra. Trong đó năm học 2019-2020 đạt 2,64% so với chỉ tiêu 5%; năm học 2020-2021 đạt 3,49% so với chỉ tiêu 10%; năm học 2021-2022 (dự kiến) đạt 5,98% so với chỉ tiêu 15%. Có thể nhận thấy 3 năm học vừa qua chỉ đạt trung bình khoảng 40% so với mục tiêu trong Kế hoạch đã được phê duyệt.

Có thể thấy, tác động của đại dịch COVID-19 tới mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó, có giáo dục và đào tạo đã đưa đến những thách thức, tác động không nhỏ đến hoạt động giáo dục và đào tạo, trong đó có hướng nghiệp, phân luồng trong giáo dục.

Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh rõ hơn mục tiêu của “Đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục” trong giai đoạn mới là: “Tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút và trọng dụng nhân tài”; “Ưu tiên phát triển nguồn nhân lực cho các lĩnh vực then chốt”; “Tiếp tục đổi mới đồng bộ mục tiêu, nội dung, chương trình, phương thức, phương pháp giáo dục và đào tạo theo hướng hiện đại, hội nhập quốc tế, phát triển con người toàn diện, đáp ứng những yêu cầu mới của phát triển kinh tế - xã hội, khoa học và công nghệ, thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”; “Đẩy mạnh công tác hướng nghiệp, phân luồng, liên thông trong giáo dục, đào tạo gắn với nhu cầu xã hội”; “Thúc đẩy xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời”; “Đổi mới sáng tạo, khơi dậy khát vọng phát triển, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam”.

Covid-19 hiện đã tạm thời được đẩy lùi nhưng nhìn chung những tác động mà nó để lại vẫn còn là một ảnh hưởng sâu rộng cho toàn xã hội chứ không riêng gì đến một lĩnh vực nào. Do đó, để mục tiêu của đề án được thực hiện tốt hơn, công tác giáo dục hướng nghiệp, phân luồng trong giáo dục vừa phải tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp được nêu ra trong các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước; đồng thời phải có những đổi mới, thích hợp với hoàn cảnh, tình hình kinh tế - xã hội.

Theo đó chúng ta cần sự phối hợp liên ngành giữa các bộ, ban ngành liên quan và các địa phương đối với công tác phân luồng trong giáo dục. Đồng thời là sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường phổ thông với cơ sở giáo dục hướng nghiệp, doanh nghiệp và phụ huynh, học sinh trong việc tổ chức thực hiện tốt công tác giáo dục hướng nghề nghiệp trong trường phổ thông. Linh hoạt hơn trong chương trình, phương thức đào tạo trong các cơ sở giáo dục hướng nghiệp.Phát triển đội ngũ giáo viên kiêm nhiệm làm nhiệm vụ tư vấn, hướng nghiệp trong các nhà trường phổ thông nhằm mục đích phát triển năng lực của người học. Từ đó giúp việc hướng nghiệp và phân luồng học sinh đạt được hiệu quả cao nhất. Tiếp tục nâng cao nhận thức trong toàn ngành và xã hội về ý nghĩa, tầm quan trọng của giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông. Nhân rộng và biểu dương các mô hình giáo dục hướng nghiệp, phân luồng học sinh ở các nhà trường, các địa phương có thành tích tốt trong công tác hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trung học phổ thông.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.