Tiêm vắc-xin “cuốn chiếu” để hạn chế tụ tập

GD&TĐ - Ngày 24 - 25/6, hàng nghìn công nhân, nhân viên tại các cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn TPHCM đã được tiêm vắc-xin phòng Covid-19 tại Nhà thi đấu Phú Thọ (Quận 11).

Người dân nên đăng ký tiêm phòng trước qua điện thoại, email hoặc trang web.
Người dân nên đăng ký tiêm phòng trước qua điện thoại, email hoặc trang web.

Số người tham gia đông, xếp thành hàng dài. Ngành Y tế phải liên tục phát thông báo yêu cầu người dân giữ khoảng cách, thực hiện quy định 5K.

Vào chiều 24/6, người đến tiêm vắc-xin quá đông nên nhân viên y tế khó có thể kiểm soát tiêm phòng cũng như bảo đảm việc giữ khoảng cách an toàn.

Trước bối cảnh này, nhiều người bày tỏ lo ngại rằng, việc tập trung đông người tại khu vực tiêm vắc-xin Covid-19 có thể không bảo đảm an toàn phòng bệnh.

Theo TS Nguyễn Hồng Vũ - Viện City of Hope (Mỹ), tụ tập đông người là một yếu tố thuận lợi cho virus đường hô hấp nói chung và SARS-CoV-2 nói riêng lây nhiễm. Theo chuyên gia này, những người dân ở Nhà thi đấu Phú Thọ sẽ được tiêm phòng trong ngày hôm đó.

Tuy nhiên, vắc-xin cần có thời gian để dạy hệ miễn dịch của người được tiêm rằng, hình dáng của virus SARS-CoV-2 như thế nào. Từ đó, có thể “kích hoạt” hệ thống miễn dịch bảo vệ cơ thể.

“Thời gian chờ kích hoạt này thường mất khoảng 1 - 2 tuần và thường thì, mũi chích ngừa đầu sẽ có hiệu quả thấp hơn mũi thứ 2”, TS Vũ cho biết.

Do đó, chuyên gia này cho rằng, việc người dân tụ tập để tiêm vắc-xin như ở Nhà thi đấu Phú Thọ là điều thực sự nguy hiểm. Bởi, nếu có bệnh nhân mang virus ở trong đám đông, những người gần đó sẽ dễ dàng nhiễm bệnh.

Đặc biệt, khi hiệu lực của vắc-xin chưa được kích hoạt, virus sẽ “thoải mái” xâm nhiễm, nhân lên trong những người này. Sau đó, các bệnh nhân này sẽ tiếp tục lây nhiễm sang những người khác trong cộng đồng. Vì vậy, TS Vũ khuyến cáo, cách tổ chức tiêm vắc-xin nên được điều chỉnh lại.

Chuyên gia cho rằng, trước tiên, cần phát giấy với các câu hỏi về thông tin cá nhân và câu hỏi khảo sát sàng lọc y tế cho người đang đứng đợi điền vào. Lưu ý, tờ giấy để trên một bìa cứng và một cây bút được buộc dây vào bìa cứng. Phương pháp này sẽ tiết kiệm thời gian cho nhân viên khám sàng lọc.

“Ước tính thời gian ở các bước: Kiểm tra khám sàng lọc, chích vắc-xin, 15 - 30 phút ngồi chờ quan sát y tế sau khi tiêm. Ước tính thời gian đó với đội ngũ nhân viên hiện có thì sẽ biết được tương đối khả năng bao nhiêu người có thể được chích mỗi ngày”, TS Vũ khuyến cáo.

Theo đó, nên tính thời gian bằng cách cuốn chiếu. Như vậy, trong cùng một lúc, nhân viên ở mỗi bước đều có thể tiếp nhận người đến tiêm phòng. Ngoài ra, theo TS Vũ, nên chia nhỏ thời gian ngày làm việc thành nhiều khung giờ. Mỗi khung thời gian có thể là 1 hoặc 2 giờ. Sau đó, cho người dân đặt hẹn đến nơi tiêm qua điện thoại, email hoặc trang web.

“Bảo đảm được số lượng người đến và đi cân đối để số người ở nơi chích ngừa vừa phải, có thể giữ khoảng cách an toàn (2 mét) khi chờ đợi. Nếu chúng ta làm như vậy sẽ giảm được nguy cơ lây truyền virus trong đám đông lúc đợi chích ngừa. Người dân cũng bớt mệt khi đứng đợi quá lâu dưới cái nóng mùa hè”, TS Nguyễn Hồng Vũ nhận định.

TPHCM bắt đầu triển khai chiến dịch tiêm chủng lớn nhất lịch sử từ ngày 19/6 cho các nhóm ưu tiên mở rộng, công nhân, người dân vùng nguy cơ cao bùng phát dịch. Gần 1.000 đội tiêm chủng đã được thành lập.

Hơn 5.000 nhân viên y tế từ hệ thống CDC quận huyện, trạm y tế, các bệnh viện công và tư vấn, phòng khám đa khoa, trường đại học y... được huy động, tập huấn về an toàn tiêm chủng để tham gia chiến dịch.

Sáng 28/6, báo cáo tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TPHCM, GS.TS Nguyễn Tấn Bỉnh - Giám đốc Sở Y tế thành phố cho biết, trong chiến dịch tiêm vắc-xin phòng Covid-19 đợt 4, tính đến 18 giờ ngày 27/6, có tổng cộng 710.773 người đã được tiêm vắc-xin phòng Covid-19.

Trong khi đó, có tổng số 797.420 người đến tiêm. 93.264 người hoãn tiêm qua khám sàng lọc, chiếm tỷ lệ 13,12%.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ