Tiềm năng giáo dục tại lục địa đen

GD&TĐ - Chuẩn bị cho thế giới hậu Covid-19 và vấn đề gia tăng dân số, các quốc gia châu Phi đang nỗ lực đầu tư và cải thiện hệ thống giáo dục.

Cải thiện hệ thống giáo dục giúp trẻ em châu Phi xây dựng tinh thần học tập tích cực.
Cải thiện hệ thống giáo dục giúp trẻ em châu Phi xây dựng tinh thần học tập tích cực.

Tuy nhiên, lục địa này còn đối mặt với nhiều thách thức.

Giải phóng tiềm năng của thế hệ trẻ

Giáo dục châu Phi, vốn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đã tê liệt vì đại dịch Covid-19 khi các trường chuyển sang dạy trực tuyến. Báo cáo gần đây của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO), hơn 1/5 trẻ em châu Phi trong độ tuổi 6 - 11 không được đến trường trong khi gần 60% thanh thiếu niên 15 - 17 tuổi không đi học.

Đáng chú ý, 9 triệu trẻ em gái châu Phi trong độ tuổi 6 - 11 không bao giờ được đi học, so với con số 6 triệu ở trẻ em trai. Đến tuổi vị thành niên, số lượng trẻ em gái bỏ học là 36% còn trẻ em trai là 32%.

Ở nhiều nơi, trẻ em đi làm hoặc chơi trên đường phố thay vì đến trường. Nhiều trường học xuống cấp khi không có nhà vệ sinh, bàn học, thậm chí là ghế.

Người dân châu Phi vẫn hoài nghi về phương pháp giáo dục phương Tây và tin rằng trẻ em gái không cần đến trường. Cộng với những bất ổn trong khu vực, châu Phi đã trở thành môi trường đầy thách thức để giáo dục phát triển trước, trong và sau Covid-19.

Tình huống khó khăn trên ngày càng thôi thúc chính phủ các nước châu Phi hành động với mục tiêu thúc đẩy phát triển kinh tế bằng cách giải phóng tiềm năng của người trẻ tuổi. Chính phủ Rwanda là một ví dụ.

Nước này đang triển khai Chương trình RwandaEQUIP, được giới thiệu làm cho “hệ thống giáo dục cơ bản của nước này có khả năng cạnh tranh toàn cầu”.

Nền tảng của RwandaEQUIP là công nghệ dựa trên dữ liệu, tài liệu học tập chất lượng cao; đồng thời, đào tạo và bồi dưỡng liên tục cho giáo viên, cán bộ quản lý các trường công lập. Giáo viên được hỗ trợ máy tính bảng để xây dựng giáo án tối ưu hóa cho học sinh.

Trong khi đó, Nigeria đang triển khai chương trình chuyển đổi giáo dục EdoBEST cho hơn 1.000 trường học công lập với sự hỗ trợ tài chính mạnh mẽ từ Ngân hàng Thế giới.

Nhà kinh tế cấp cao Gloria Joseph-Raji đánh giá: “Ở Nigeria, EdoBEST đang làm rất tốt việc cải thiện giáo dục cơ bản. Ban quản lý của Ngân hàng Thế giới cho rằng đây là mô hình có thể nhân rộng trên khắp đất nước”.

Nhiều bằng chứng cho thấy việc các nước châu Phi tập trung nâng cao kết quả học tập mang lại nhiều hiệu quả. Đáng chú ý, những chương trình trên xây dựng cho trẻ thái độ học tập tích cực từ những năm đầu đời.

Tại những tỉnh, thành triển khai các chương trình trên, trẻ mầm non đi học trước 1 - 2 năm so với bạn bè đồng trang lứa. Trẻ tiểu học đi học trước gần 1 năm.

Đơn cử, ở bang Edo, nơi triển khai chương trình EdoBEST, Chính phủ Nigeria nhận thấy kiến thức học sinh thu nạp trong một học kỳ bằng kiến thức trong một năm học phổ thông thông thường.

Cơ sở hạ tầng và chương trình đào tạo trong các trường đại học châu Phi hạn chế khả năng tiếp cận giáo dục của người học.

Cơ sở hạ tầng và chương trình đào tạo trong các trường đại học châu Phi hạn chế khả năng tiếp cận giáo dục của người học.

Đầu tư cho giáo dục đại học

Việc tuyển dụng nhân tài châu Phi làm từ xa có thể mở ra doanh thu trị giá hàng tỷ đô la cho các tổ chức toàn cầu, đồng thời khai phá tiềm năng và xây dựng tầm nhìn cho hàng triệu thanh niên châu Phi. Hiện nay, Kenya đã đưa lập trình vào môn học bắt buộc từ cấp tiểu học, THCS để nhanh chóng đáp ứng nhu cầu trên.

Nỗ lực cải thiện hệ thống giáo dục châu Phi còn hướng đến việc chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao trong tương lai khi lục địa này nằm trong nhóm gia tăng dân số nhanh nhất thế giới. Tốc độ gia tăng dân số năm 2021 tại châu Phi là 2,45%. Lục địa này hiện có 450 triệu người trong độ tuổi lao động.

Trong khi đó, thế giới đang trải qua cuộc khủng hoảng nhân sự, nhất là trong lĩnh vực công nghệ, khi nhiều quốc gia phát triển bước vào già hóa dân số. Chỉ riêng tại Mỹ, 920.000 vị trí làm việc trong lĩnh vực CNTT chưa thể tuyển dụng. Năm 2020, chưa đến 50.000 sinh viên tốt nghiệp ngành Khoa học Máy tính nhưng nhu cầu trong lĩnh vực này là 500.000 người.

Các nỗ lực như nâng cao tay nghề, đào tạo lại... không đủ để giải quyết nhu cầu thiếu hụt trên. Do đó, ngày càng nhiều doanh nghiệp lấp đầy vị trí bằng cách tuyển dụng nhân sự từ xa, thậm chí trên phạm vi toàn cầu. Trước tình hình trên, nguồn lao động trẻ, dồi dào tại châu Phi được hướng đến là “cứu cánh” cho nhiều quốc gia trên thế giới.

Nhìn chung, châu Phi đã và đang cải thiện hệ thống giáo dục phổ thông nhưng còn giáo dục đại học, nơi sẽ tiếp nhận và đào tạo hàng triệu thanh niên nước này vẫn chưa được quan tâm đúng mực.

Những lý do phổ biến có thể kể đến như cơ hội giáo dục bị hạn chế. Ở nhiều ngành nghề, chương trình giảng dạy chưa đủ để đào tạo ra nguồn lao động đáp ứng nhu cầu việc làm, đơn cử trong ngành Khoa học Máy tính.

Tiếp đó, hệ thống trường đại học thiếu cơ sở hạ tầng với giá cả phải chăng. Wifi, điện và chi phí duy trì những nguồn năng lượng trong các trường học là thách thức lớn. Châu Phi hiện là lục địa có chi phí Internet đắt nhất thế giới. Điều này cản trở khả năng học tập và tiếp cận công nghệ thông tin của người học.

Vì vậy, nhiều quốc gia nhìn nhận về giáo dục đại học tại châu Phi qua lăng kính tương đối đặc biệt là thị trường tiềm năng để khai thác giáo dục quốc tế, thay vì hỗ trợ lục địa này cải thiện hệ thống giáo dục.

Ví dụ tại Vương quốc Anh, sinh viên đến từ Nigeria là nhóm du học sinh châu Phi đông đảo nhất với gần 60 nghìn người. Nhóm này đóng học phí cao gấp đôi, thậm chí gấp 3, sinh viên trong nước, từ đó, đóng góp phần vào kinh tế Vương quốc Anh. Ở nhiều quốc gia châu Âu khác, số lượng sinh viên đến từ châu Phi tương đối đông đảo.

Với tình trạng giáo dục đại học trong nước còn nhiều khó khăn như hiện nay, việc sinh viên châu Phi tìm đến các nền giáo dục chất lượng cao là khó tránh khỏi. Tuy nhiên, bà Pauline Essah, Giám đốc nghiên cứu của tổ chức giáo dục Education Sub-Saharan Africa cho rằng chính phủ các nước cần đảm bảo du học sinh có lộ trình trở về và đóng góp tài năng cho quốc gia, địa phương mình.

“Sự hợp tác giữa sinh viên châu Phi và các trường đại học trên thế giới nên trở thành quy trình ‘tái tuần hoàn’ hơn là chảy máu chất xám. Thanh thiếu niên có thể đi du lịch, học hỏi nhưng các quốc gia hãy tìm cách tạo động lực cho họ trở về và xây dựng đất nước”, bà Pauline Essah nhận định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ