Tiêm kích phải mặc giáp lồng vì sợ UAV tự sát

GD&TĐ -Theo Aviationist, Không quân Nga đã sử dụng những khung thép cỡ lớn để bảo vệ tiêm kích tại căn cứ khỏi các cuộc tấn công của UAV tự sát.

Tiêm kích Nga được bảo vệ bằng lồng kim loại khổng lồ.
Tiêm kích Nga được bảo vệ bằng lồng kim loại khổng lồ.

Tờ báo dẫn nguồn từ tài khoản Telegram của một phi công tiêm kích Nga hôm 10/9 cho thấy hình ảnh một chiếc tiêm kích đặt bên trong khung kim loại cỡ lớn được gia cố vững chắc.

Phần trên của khung là một tấm lưới thép phủ kín, tạo thành một lồng kim loại chắc chắn. Phi công Nga cho hay đây là phương pháp mới nhằm chống lại các cuộc tập kích bằng UAV của Ukraine, song không đề cập tới địa điểm bức ảnh được chụp.

Viên phi công này cho biết: "Với kích thước của công trình, hầu hết mọi loại máy bay chiến lược và một số trực thăng có thể sử dụng. Rèm bạt tẩm hợp chất chống cháy có thể được lắp thêm ở phía trước và phía sau để tăng khả năng bảo vệ".

Người này cũng cho biết công trình có giá không hề rẻ và được một doanh nghiệp tặng cho quân đội Nga.

Đánh giá về hiệu quả của giáp lồng Nga sử dụng, chuyên gia quân sự David Cenciotti của của Aviationist cho rằng phần lưới thép có tác dụng che chắn, ngăn các mảnh vỡ rơi vào máy bay sau khi UAV tự sát của đối phương phát nổ, hoặc nhằm khiến UAV mắc vào lưới trước khi chạm được mục tiêu.

Lực lượng Kiev trước đó từng công bố các hình ảnh UAV Lancet của Nga bị mắc kẹt trong những tấm lưới mà binh sĩ Ukraine tự chế để bảo vệ phương tiện quân sự, như pháo tự hành hay xe tăng.

Điều đặc biệt theo phát hiện của Cenciotii là chiếc tiêm kích trong bức ảnh dường như là một chiếc Su-27 đã bị loại biên, cho thấy công trình này vẫn đang trong quá trình thử nghiệm và có thể sẽ được sửa đổi thêm trước khi đưa vào ứng dụng trên chiến trường.

Các hình ảnh vệ tinh trước đó cho thấy Moskva đã có phương pháp độc đáo phủ lượng lớn lốp xe lên thân oanh tạc cơ Tu-95 và cường kích Su-34, tạo thêm lớp bảo vệ cho máy bay Nga khỏi các mảnh văng từ vụ nổ của UAV, cũng như khiến chúng khó bị phát hiện hơn trong điều kiện đêm tối.

Giới quân sự cho rằng, việc phủ lốp xe không thể giúp che giấu máy bay Nga trước các thiết bị trinh sát hiện đại, mà chỉ làm mất thêm thời gian khi cần huy động chúng làm nhiệm vụ, do phải dỡ hết lốp. Phương pháp lắp lồng thép mới của Nga sẽ không mắc phải nhược điểm này.

"Công trình chống UAV mới của Nga có thể hiệu quả hơn so với cách dùng lốp xe. Máy bay có thể di chuyển ra vào công trình này giống như với một nhà chứa bình thường, không tốn thêm thời gian", chuyên gia Cenciotii nói.

Thời gian qua, Nga phải hứng chịu một số cuộc tập kích bằng UAV vào các căn cứ quân sự bên trong lãnh thổ, đặc biệt là vụ phá hoại 4 vận tải cơ Il-76 tại căn cứ không quân ở tỉnh Pskov ngày 30/8.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh lớp 10A7 Trường THPT Lương Thế Vinh (Quảng Bình) tìm hiểu nhạc cụ dân gian trong tiết học Chuyên đề Ngữ văn 10. Ảnh: NVCC

Đưa trang văn gần với trang đời

GD&TĐ - Dạy học Ngữ văn chương trình mới, ngoài kiến thức cơ bản, nhiều giá trị văn học và tiếng Việt được tích hợp vào hoạt động đọc, viết, nói và nghe.