Tiêm kích hạm MiG-29K và Su-33 sắp tham chiến Ukraine?

GD&TĐ - Tiêm kích hạm MiG-29K và Su-33 vẫn đứng ngoài cuộc xung đột Ukraine, nhưng tình trạng trên có thể sớm chấm dứt.

Tiêm kích hạm Su-33 của Hải quân Nga.
Tiêm kích hạm Su-33 của Hải quân Nga.

Khi các cuộc tập trận hàng không chung giữa Liên bang Nga và Belarus diễn ra, Bộ Quốc phòng Cộng hòa Belarus đã trình chiếu đoạn phim về những chiếc Su-34 của Nga, trong đó tên lửa chống hạm Kh-35 được treo ở trạng thái "sẵn sàng số 2".

Theo các chuyênngia, bằng cách này, người Nga có vẻ đang thực hành kiểm tra hoạt động tấn công vào các thành phố của Ukraine. Điều đó không gây ngạc nhiên, khi họ đã sử dụng Kh-35 để oanh tạc các mục tiêu trên mặt đất trong cuộc chiến Syria.

Ngoài ra còn có nhận định như sau, vì người Nga đã tìm ra một phương án mới cho việc sử dụng tên lửa chống hạm cho chiến tranh trên bộ, nên rất có khả năng Moskva sẽ huy động các tiêm kích hạm Su-33 và MiG-29K đang trong tình trạng "nhàn rỗi" vì thiếu tàu sân bay cho cuộc chiến trên không với Ukraine.

Hơn nữa, Không quân Nga đã “nghĩ ra” việc sử dụng MiG-31BM của họ để săn lùng các máy bay chiến đấu Ukraine, thay vì đánh chặn oanh tạc cơ chiến lược của Mỹ như thiết kế, bởi vậy sẽ chẳng có gì bất thường khi tiêm kích của Hải quân Nga sát cánh cùng Lực lượng Hàng không Vũ trụ.

Tiêm kích hạm MiG-29K của Hải quân Nga.

Tiêm kích hạm MiG-29K của Hải quân Nga.

Số liệu từ trang Military Balance 2022 chỉ ra rằng lực lượng Hàng không Hải quân Nga có tổng cộng 17 máy bay chiến đấu hoạt động trên tàu sân bay loại Su-33, 19 tiêm kích hạm MiG-29K và 3 chiếc MiG-29KUB.

Lần đầu tiên người Nga sử dụng tiêm kích hạm của họ cất cánh từ sân bay trên bộ là tại Syria vào năm 2017, khi có tới 10 chiếc MiG-29K và Su-33 bay đến căn cứ không quân Hmeimim.

Vào đầu năm 2021, có thông tin cho rằng Bộ Quốc phòng Liên bang Nga đã quyết định cho MiG-29K của mình đóng quân lâu dài tại những sân bay ở Bắc Cực, đây là điều hợp lý khi tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov chưa biết bao giờ quay lại, bởi quá trình đại tu, sửa chữa lớn gặp nhiều trục trặc.

Có một dấu hiệu trong các nguồn mở cho thấy Su-33 của Nga có thể mang phiên bản hàng không của tên lửa chống hạm P-800 Oniks, trong khi MiG-29K mang được tên lửa Kh-31A và Kh-29T.

Trong suốt cuộc chiến, có rất ít tài liệu nhắc tới những máy bay chiến đấu của Hải quân Nga. Thông tin hiếm hoi cho thấy vào tháng 7 năm 2022, Hạm đội Biển Đen đóng tại bán đảo Crimea tạm thời từ bỏ ý định đưa MiG-29K và Su-33 của họ tới đóng quân thường xuyên tại căn cứ huấn luyện NITKA ở Saki. Sau đó, người Nga đã sử dụng Su-33 cho các chuyến bay trình diễn gần Na Uy.

Theo báo chí Ukraine, không thể loại bỏ khả năng liên quan đến việc hàng không Hải quân Nga sẽ tham gia cuộc chiến chống lại Kyiv, ít nhất là trong bối cảnh Moskva bắt đầu sử dụng ngay cả những chiếc Su-27SM cũ và hiếm để bảo vệ những cơ sở trên bán đảo Crimea do họ kiểm soát.

Việc Nga huy động mọi nguồn lực phục vụ tác chiến trên không còn có thể do Moskva chuẩn bị trước tình huống Ukraine nhận hàng loạt tiêm kích phương Tây, lúc này họ sẽ cần nhiều phương tiện tác chiến hơn so với hiện nay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ