Ung thư vì đũa nhựa
Xét nghiệm một vài mẫu đũa tại các quán ăn lề đường, thạc sĩ Đào Thanh Khê, giảng viên khoa Công nghệ hoá học ĐH Công nghệ và thực phẩm TP HCM cho biết, đũa nhựa thường được làm từ nhựa melamine và nhựa ABS. Sau khi dùng lửa đốt các đôi đũa mà không cháy, cộng với thông tin sản phẩm, có thể kết luận các đôi đũa này được làm từ nhựa melamine.
Còn đũa nhựa ABS hiện chỉ thấy bán trên mạng. ABS là tên viết tắt của nhựa poly, thường được dùng làm các sản phẩm kỹ thuật như vỏ tivi, máy tính, nón bảo hiểm… và vật dụng nhà bếp.
Ở nhiệt độ thường ABS có độ cứng cao, nóng chảy ở 99,8 độ C, hoá dẻo ở 228 độ C, dễ cháy. Dù nhựa ABS ít tan trong dầu, rượu, nước… nhưng không nên sử dụng đũa làm từ nhựa này để chiên xào, nấu nướng, khuấy trộn trong các dung môi như cồn, rượu, giấm…
Thạc sĩ Đào Thanh Khê cho biết, dùng đũa nhựa để chiên xào trong môi trường nóng sẽ khiến đũa bị biến dạng và sinh ra các chất bột nhựa có hại cho sức khoẻ.
Nhựa melamine khi nuốt hoặc hít vào phổi hoặc bị hấp thụ qua da lâu ngày có thể gây ung thư hoặc vô sinh. Liều gây chết thông thường là 3 g cho mỗi ký trọng lượng cơ thể.
Các nhà khoa học của cơ quan Kiểm soát thực phẩm và dược phẩm Mỹ giải thích melamine và axit cyanuric hấp thụ vào máu, tập trung và tương tác trong nước tiểu ở bể thận và kết tinh thành các tinh thể hình tròn màu vàng, gây tổn thương thận, tạo sỏi thận.
Hiểm họa ung thư từ đũa gỗ
Bác sĩ Nguyễn Thanh Danh, Khoa Dinh dưỡng lâm sàng, Trung tâm Dinh dưỡng TP HCM cũng cho biết, các loại đũa gỗ có chất lượng kém, không trơn láng sẽ dễ bị bám thức ăn, nếu rửa không sạch sẽ khiến vi trùng, nấm mốc phát triển, gây ngộ độc thực phẩm với các biểu hiện ở đường tiêu hoá như đau bụng, buồn nôn, ói mửa, tiêu chảy, nếu ngộ độc nặng có thể tử vong do truỵ tim mạch.
Nguyên nhân gây độc thực phẩm cấp tính thường do các loại vi khuẩn, còn gây nhiễm độc mãn tính là một số nấm mốc độc thường có trong đậu phộng, bắp, khô dừa, khô đỗ tương bị ẩm mốc, có thể sinh độc tố aflatoxin rất độc hại, là nguyên nhân gây ung thư gan.
Aflatoxin không bị phân huỷ ở nhiệt độ sôi thông thường (100 độ C) mà chỉ bị phân huỷ trên 120 độ C. Nấm mốc dễ phát triển sau vài ngày trên các loại đũa sử dụng cho các thức ăn thuộc họ đậu, ngũ cốc đặc biệt là đậu phộng.
Theo hướng dẫn của tiến sĩ Danh, khi cho đũa gỗ vào hỗn hợp đậu phộng và dầu ăn rồi rửa sơ bằng nước máy và để ở nhiệt độ thường thì sau bốn ngày, trên các đôi đũa xuất hiện một số đốm mốc màu trắng nhỏ li ti.
Tiến sĩ Danh giải thích: “Đũa không được rửa sạch bằng xà bông và lau khô dễ bị vi khuẩn, vi nấm độc trong môi trường bám vào đồ ăn còn sót trên đũa và có nguy cơ lây vào thức ăn khi dùng đũa sau đó. Ngoài ra đũa còn có nguy cơ nhiễm hoá chất từ nước rửa chén”.
Đũa inox cũng gây ung thư
Hiện nay trên thị trường, đũa inox chủ yếu là hàng nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Bên ngoài hộp đựng hoàn toàn là tiếng nước ngoài. Ngoài ra, chất lượng và giá cả cũng rất khác nhau.
Theo một số người bán hàng, giá cả phụ thuộc vào chất lượng, hoa văn và kiểu dáng của đũa. “Thường các vỉ đũa có giá chỉ khoảng hơn 10.000đ/5 đôi là hàng mạ inox, còn các hàng inox xịn chủ yếu khác nhau ở hoa văn”, một người bán hàng ở chợ Mơ (Hà Nội) cho biết.
Theo TS Nguyễn Ngọc Phong - Trưởng phòng Nghiên cứu Ăn mòn và Bảo vệ Vật liệu Kim loại (Viện Khoa học Vật liệu), hạn chế của đũa inox là bị dẫn nhiệt nên không thể sử dụng để nấu ăn. Ngoài ra, khi dùng để ăn thức ăn nóng cũng dễ bị bỏng tay.
Các chuyên gia vật liệu cảnh báo tuyệt đối không được sử dụng đũa mạ inox vì nhằm giảm giá thành sản phẩm, nhà sản xuất có thể sử dụng các chất mạ kém chất lượng, pha tạp nhiều chất hoặc không mạ lớp đồng.
Trong quá trình sử dụng, chắc chắn gây nên các chà xát, cũng như việc đũa được sử dụng trong môi trường axit (chua, cay, mặn, ngọt) của thức ăn, sẽ khiến lớp mạ này bị bong tróc. “Các chất mạ là kim loại nặng, nếu lẫn vào thức ăn, lâu ngày, có thể tạo nên sự tích tụ kim loại nặng trong cơ thể, dẫn đến các bệnh nguy hiểm như gan, ung thư...", TS Phong chỉ rõ.