Tịch thu phương tiện hết hạn sử dụng: Cần có chính sách hỗ trợ người dân

GD&TĐ - Theo Quyết định số 16/2015/QĐ-TTg ngày 22/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ thì đến ngày 1/1/2018 thì sẽ chính thức thu hồi, xử lý các phương tiện giao thông hết hạn sử dụng, bao gồm xe mô tô, xe gắn máy và xe ô tô các loại.  

Tịch thu phương tiện hết hạn sử dụng: Cần có chính sách hỗ trợ người dân

Thành phố Hà Nội đã, đang gấp rút triển khai thực hiện quy định này, theo đó dự kiến sẽ có khoảng 2,5 triệu xe máy cũ ở riêng Hà Nội sẽ bị thu hồi. Thông tin trên đã nhận được nhiều ý kiến của dư luận, cho rằng việc tịch thu các phương tiện giao thông hết sử dụng là nhằm bảo vệ môi trường, góp phần đảm bảo trật tự an toàn giao thông, xây dựng đô thị văn minh, hiện đại…

Bên cạnh đó, cũng có ý kiến băn khoăn cho rằng, việc thu các phương tiện giao thông hết hạn sử dụng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của người dân, nhất là người lao động nghèo; việc thu hồi sẽ dẫn đến nguy cơ thất nghiệp, người dân không có điều kiện để chuyển đổi phương tiện… do vậy, cần có chính sách hỗ trợ từ phía Nhà nước. Nhưng hầu hết các ý kiến đều đồng tình với việc tịch thu phương tiện hết hạn sử dụng theo đúng lộ trình.

Trước hết, phải khẳng định rằng, việc tịch thu phương tiện giao thông hết hạn sử dụng là một quyết sách đúng nhằm bảo vệ cuộc sống của người dân trước nguy cơ ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng, đồng thời, tăng cường các hoạt động quản lý phương tiện nhằm đảm bảo trật tự, an toàn giao thông…

Thế nhưng, việc tịch thu phương tiện hết hạn sử dụng cần phải tính toán kỹ lưỡng, thận trọng, tránh làm xáo trộn cuộc sống của người dân. Bởi vì, người sử dụng phương tiện giao thông hết hạn sử dụng đa số là dân nghèo, phương tiện chính là “cần câu cơm” của họ. Khi người dân mất đi “cần câu cơm” thì Nhà nước cần phải có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện để người dân ổn định cuộc sống.

Trước đây, Nghị quyết 32 của Chính phủ quy định cấm xe 3 - 4 bánh thô sơ, tự chế lưu thông trên toàn quốc từ ngày 1/1/2010. Nhiều địa phương đã triển khai thực hiện rất tốt, trong đó có những chính sách giúp đỡ, chuyển đổi nghề nghiệp, đặc biệt là khuyến khích người dân giao nộp xe thô sơ, tự chế để được hỗ trợ; một số địa phương có chính sách hỗ trợ cho người dân nếu giao nộp xe đúng hạn như 2 triệu đồng/1 xe; có nơi hỗ trợ 5 đến 7 triệu đồng/1 xe và nhiều chính sách hỗ trợ khác, nhờ thế người dân đã chấp hành nghiêm túc và tự chuyển đổi nghề nghiệp một cách ổn định, không xảy ra xáo trộn.

Để triển khai Quyết định số 16/2015/QĐ-TTg ngày 22/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc thu hồi, xử lý các phương tiện giao thông hết hạn sử dụng kể từ ngày 1/1/2018, thì các địa phương cần đẩy mạnh công tác rà soát, thống kê số phương tiện giao thông hết hạn sử dụng; tuyên truyền, vận động người dân tự nguyện giao nộp phương tiện kèm với đó là chính sách hỗ trợ cho người dân để đầu tư, mua sắm phương tiện mới phù hợp hoặc có chính sách đào tạo, giới thiệu việc làm cho người dân để ổn định cuộc sống. Có như vậy, việc triển khai tịch thu phương tiện hết hạn sử dụng mới nhận được sự đồng thuận, hưởng ứng của người dân.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.