Thưa bà, nhìn tổng thể, dự thảo môn học Lịch sử và Địa lý (THCS) có những thay đổi như thế nào so với môn học hiện hành?
Điểm mới trong chương trình Lịch sử ở THCS đó là, trục xuyên suốt là lịch đại (thời gian). Ở mỗi giai đoạn lịch sử đều được thiết kế nội môn theo mô hình: Thế giới - Khu vực - Việt Nam - Lịch sử địa phương, trong đó lấy lịch sử Việt Nam làm trọng tâm. Trong chương trình Địa lý, mạch nội dung đi từ địa lý đại cương - địa lý các châu lục - địa lý Việt Nam – địa lý địa phương. Mỗi vùng miền, quốc gia, khu vực đều lựa chọn một số kiến thức địa lý tiêu biểu, có những đặc trưng về tự nhiên và kinh tế - xã hội.
Đây là môn học có sự thay đổi đáng kể cả về mặt kiến thức cũng như cách dạy và học. Chương trình môn học đặt ra nhiều yêu cầu đối với giáo viên và học sinh đặc biệt là về việc dạy học tích hợp.
Ngoài tích hợp nội môn (trong từng nội dung giáo dục lịch sử và giáo dục địa lý) và tích hợp nội dung lịch sử trong những phần phù hợp của bài địa lý; tích hợp nội dung địa lý trong những phần phù hợp của bài lịch sử thì chương trình còn xây dựng một số chủ đề tích hợp giữa lịch sử và địa lý có thời lượng phù hợp ở các lớp.
Theo bà, cách tích hợp của môn học có phù hợp với học sinh THCS không và những chủ đề, bài học tích hợp đã khoa học, nhuần nhuyễn, lôi cuốn được học sinh hay chưa?
Trong chương trình môn học, có ba mức độ tích hợp nội dung lịch sử và địa lý, cụ thể: Tích hợp nội môn, tích hợp nội dung lịch sử trong những phần phù hợp của bài địa lý và tích hợp nội dung địa lý trong những phần phù hợp của bài lịch sử, nhằm tạo ra sự đối chiếu, tương tác tốt nhất giữa các kiến thức của hai phân môn; tích hợp tạo thành chủ đề chung.
Cách tích hợp môn học như vậy phù hợp với học sinh THCS. Chương trình môn học chú trọng lựa chọn các chủ đề, kiến thức và kỹ năng trụ cột, kết nối kiến thức và kỹ năng để hình thành và phát triển năng lực phù hợp với đặc trưng của khoa học lịch sử và khoa học địa lý.
Các chủ đề: Các cuộc phát kiến địa lý; Đô thị: Lịch sử và hiện đại; Văn minh châu thổ sông Hồng và sông Cửu Long; Bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam được dạy ở lớp 7, lớp 8, lớp 9 là tương đối hợp lí và khoa học.
Tích hợp nội môn và liên môn trong dạy học lịch sử và địa lý là rất lớn, còn việc vận dụng sẽ là từ thấp đến cao. Trong mọi trường hợp đều có khả năng thực hiện tích hợp nội môn, và điều này làm tăng chất lượng dạy học, tăng hứng thú cho học sinh khi học lịch sử và địa lý.
Việc tích hợp môn Lịch sử và Địa lý ở cấp học này sẽ bổ trợ như thế nào khi lên THPT các em được học phân hóa thành hai môn riêng biệt, liệu có ảnh hưởng đến định hướng nghề nghiệp không, thưa bà?
Trong chương trình việc tích hợp môn Lịch sử và Địa lý ở cấp học này sẽ bổ trợ và soi sáng cho nhau. Chương trình đã rất chú ý việc đánh giá khả năng vận dụng kiến thức lịch sử - địa lý của người học để giải quyết vấn đề gắn các vấn đề với thực tiễn, tạo cơ hội ban đầu phát triển năng lực tự chủ, sáng tạo của học sinh cấp THCS.
Khi lên THPT các em được học phân hóa thành hai môn riêng biệt, sẽ không có ảnh hưởng đến định hướng nghề nghiệp của các em. Logic của các nội dung kiến thức trong chương trình đảm bảo để khi hoàn thành chương trình môn học ở THCS, học sinh sẽ có kiến thức khá cơ bản và phổ thông về lịch sử và địa lý học, đặc biệt là về lịch sử Việt Nam và địa lý Việt Nam để học tiếp THPT hay tham gia lao động sau THCS.
Dự thảo chương trình có tính mở, cho phép có những điều chỉnh tuỳ theo điều kiện giáo dục của địa phương, đối tượng học sinh, bà có đánh giá như thế nào về phần này khi các địa phương lồng ghép kiến thức lịch sử, địa lý địa phương vào chương trình môn học giảng dạy cho học sinh?
Theo chúng tôi, việc lồng ghép kiến thức lịch sử địa phương và địa lý địa phương vào chương trình giảng dạy là rất cần thiết vì thông qua đó sẽ giáo dục cho các em tình yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào và ý thức gìn giữ truyền thống văn hóa dân tộc của địa phương.
Bên cạnh đó, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh, đồng thời nâng cao nhận thức và sự hiểu biết của các em về các lĩnh vực lịch sử, kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương mình.
Điều này vô cùng quan trọng trong việc tạo động lực cho phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục của mỗi địa phương nói riêng và cả nước nói chung. Tuy nhiên, muốn triển khai tốt và có kết quả thiết thực thì đội ngũ cán bộ, giáo viên phải có nhận thức đúng về tầm quan trọng của chương trình giáo dục địa phương.
Xin cám ơn PGS.TS Dương Quỳnh Phương!