Tích cực triển khai Nghị quyết 11 tại các tỉnh, thành

Tích cực triển khai Nghị quyết 11 tại các tỉnh, thành

(GD&TĐ)-Ngay sau khi Chính phủ ra Nghị quyết 11/NQ-CP (ngày 24/2/2011) về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, nhiều địa phương trong cả nước đã tích cực triển khai các biện pháp nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết trong năm 2011.

Cụ thể, các biện pháp được các địa phương thực hiện và bước đầu đạt hiệu quả là: kiên quyết không thông qua những dự án đầu tư không khả thi, chưa cần thiết; ưu tiên giải ngân cho các công trình có khối lượng hoàn thành và khả năng hoàn thành trong năm 2011; rà soát các công trình đầu tư bằng ngân sách nhà nước; tạm dừng trang bị mới xe ô tô, điều hòa nhiệt độ, thiết bị văn phòng; xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân găm hàng, đầu cơ, tăng giá sai quy định...

Tại TP Hồ Chí Minh: Thường trực UBND TP Hồ Chí Minh vừa tổ chức họp bàn, tập trung phân tích, tìm giải pháp kiềm chế lạm phát, bình ổn giá và đảm bảo an sinh xã hội…Trong đó, lãnh đạo UBND TP yêu cầu Sở Kế hoạch – Đầu tư, Sở Tài chính kiên quyết không thông qua những dự án đầu tư không khả thi, chưa cần thiết mà chỉ tập trung thực hiện triệt để những dự án, công trình đang xây dựng dở dang để hoàn tất trong năm 2011.

Chương trình bình ổn giá thị trường được TP,HCM triển khai có hiệu quả
Chương trình bình ổn giá thị trường được TP.HCM triển khai có hiệu quả

Theo Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân, không phải cứ bỏ tiền ra là giảm được chỉ số giá tiêu dùng (CPI) mà một trong những vấn đề quan trọng là thực hiện bình ổn giá một cách chất lượng và có chiều sâu. Vì vậy, các quận, huyện phải làm việc với ban quản lý các chợ để bà con tiểu thương cũng tham gia nhập cuộc chứ không chỉ có mấy chục DN như hiện nay, không chỉ có nhóm mặt hàng trong chương trình bình ổn giá mà cả các mặt hàng khác.

Tại TP Cần Thơ, các vấn đề như tiết kiệm chi, tăng thu ngân sách, đẩy mạnh hoạt động sản xuất ... được các sở, ngành hữu quan của thành phố đề cao trong mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội.

Sở Tài chính thành phố đang gấp rút hướng dẫn các đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước sắp xếp lại các nhiệm vụ chi như: giảm tối đa chi phí điện nước, điện thoại, văn phòng phẩm, xăng dầu; thực hành tiết kiệm trong các cuộc họp, hội nghị, đi công tác nước ngoài... để tiết kiệm được thêm 5% chi thường xuyên của 9 tháng còn lại trong dự toán năm 2011.

Theo kết quả rà soát sơ bộ của Sở Kế hoạch và Đầu tư, trước mắt, TP có thể tạm ngưng hoặc giãn tiến độ 7-8 công trình, dự án. Số vốn này (khoảng 20 tỷ đồng) sẽ được điều chuyển cho các công trình cấp thiết khác. Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp tiếp tục tập trung chỉ đạo các địa phương thu hoạch lúa đông xuân 2010 – 2011 đồng thời thực hiện việc mở rộng diện tích sản xuất lúa đông xuân. Sở Công Thương kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc giúp doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động sản xuất, cung ứng dịch vụ.

Tỉnh Trà Vinh: Sở Kế hoạch- Đầu tư đã thành lập đoàn kiểm tra, rà soát lại các công trình xây dựng cơ bản, nhất là các công trình đầu tư bằng vốn trái phiếu Chính phủ, vốn ngân sách nhằm có kế hoạch cắt giảm đầu tư công đối với các công trình chậm tiến độ, kéo dài, đầu tư không hiệu quả. Ưu tiên cho các công trình được phân bổ vốn từ đầu năm 2011 và các công trình chuyển tiếp, đảm bảo hoàn thành trong năm 2011 theo đúng tinh thần thắt chặt vốn đầu tư nhằm kiểm soát lạm phát. Đối với các công trình mục tiêu quốc gia, công trình phúc lợi công cộng, quốc phòng an ninh, các công trình bảo đảm sản xuất và xuất khẩu, sẽ tập trung ưu tiên về vốn để đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành trong năm 2011.

Tỉnh Bắc Kạn thống nhất phấn đấu năm 2011 tăng thu nội địa 10% (tăng 5% so với chỉ tiêu của HĐND giao), nâng chỉ tiêu thu ngân sách từ 267 tỷ lên 293,7 tỷ đồng; ngành Ngân hàng tăng cường cho vay phục vụ sản xuất, đồng thời hạn chế cho vay tiêu dùng và mua bất động sản; thực hiện tạm dừng trang bị mới xe ô tô, điều hoà nhiệt độ, thiết bị văn phòng cũng như tiết giảm tối đa các chi phí như xăng dầu, điện, nước…

Bên cạnh đó, những dự án đầu tư kém hiệu quả sẽ không được bố trí vốn ngân sách, vốn trái phiếu chính phủ kế hoạch năm 2011; điều chuyển vốn cho những dự án quan trọng, cấp bách… Công tác bình ổn thị trường, tăng cường thông tin, tuyên truyền được tăng cường để các cơ quan, đơn vị và nhân dân biết để ủng hộ việc thực hiện các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế.

Triển khai các giải pháp thực hiện Nghị quyết 11, tỉnh Thừa Thiên - Huế yêu cầu Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh tập trung ưu tiên vốn tín dụng phục vụ phát triển sản xuất, kinh doanh, giảm tốc độ và tỷ trọng cho vay vốn tín dụng của khu vực phi sản xuất (như bất động sản, chứng khoán); phấn đấu thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt hơn 3.500 tỷ đồng; tiết kiệm 10% chi thường xuyên từ nay đến hết năm; tạm dừng trang bị mới ô-tô, điều hòa nhiệt độ...; không bố trí kinh phí cho các công việc chưa thật sự cấp bách; tập trung nguồn lực cho các dự án tạo ra năng lực sản xuất và năng lực xuất khẩu mới, các công trình thiết yếu; quản lý thị trường, giá cả, ổn định đời sống nhân dân.

Triển khai thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, UBND tỉnh Lào Cai tập trung thực hiện 6 nhóm giải pháp cụ thể.

Theo đó, các ngân hàng thương mại giảm cho vay lĩnh vực phi sản xuất, nhất là lĩnh vực kinh doanh bất động sản và chứng khoán; tập trung vốn cho vay sản xuất kinh doanh, ưu tiên khu vực nông nghiệp, nông thôn, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp vừa và nhỏ. Rà soát các công trình xây dựng cơ bản, tạm ngừng đầu tư các dự án chưa cần thiết. Tăng cường kiểm tra việc kê khai, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết tại các cửa  hàng, siêu thị, chợ đầu mối...

UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, cơ quan, đơn vị, tổ chức, đoàn thể... tạm ngừng trang bị mới ô tô, máy điều hòa, thiết bị văn phòng; tiết kiệm 10% chỉ số tiêu thụ điện năng so với năm 2010... Về an sinh xã hội, các cấp cần đặc biệt quan tâm hộ nghèo, cận nghèo, giúp đồng bào ổn định cuộc sống đồng thời vận động nhân dân đẩy mạnh tiết kiệm trong sản xuất và tiêu dùng.

Ngoài việc nắm sát diễn biến của thị trường để dự báo tốt cung – cầu nguyên liệu đầu vào cho sản xuất kinh doanh, các mặt hàng thiết yếu, cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa sẽ giám sát và xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của Nhà nước về lưu thông, phân phối hàng hoá, nhất là những hành vi găm hàng, đầu cơ, tăng giá sai quy định; kiểm soát chặt hoạt động kinh doanh của các tổ chức tín dụng trên địa bàn; đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, khuyến khích xuất khẩu, sử dụng tiết kiệm năng lượng.

Trước mắt, tỉnh sẽ hạn chế đầu tư những dự án sử dụng nguồn ngân sách nhà nước nhưng chưa thực sự cần thiết; hướng dẫn các đơn vị tiết kiệm 10% chi tiêu từ nguồn ngân sách; giảm mua sắm những tài sản chưa cần thiết; giảm hội họp. Tuy nhiên, toàn tỉnh sẽ thống kê để nắm chắc số hộ thiếu đói, hộ nghèo trong thời kỳ giáp hạt và có phương án cứu trợ kịp thời, đảm bảo không hộ dân nào bị thiếu đói…

Nguyên Phương-Minh Duy

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ