(GD&TĐ) - Theo nguyện vọng quy cố hương của bà Điềm Phùng Thị, vào ngày 25/2/1994, thành phố Huế đã khánh thành Nhà trưng bày tác phẩm nghệ thuật Điềm Phùng Thị tại địa chỉ 1 Phan Bội Châu, TP Huế. Đây cũng là chỗ ở, sáng tác và giảng dạy của bà đến cuối đời...
->> Những con số kỳ diệu của điêu khắc
Làm việc đến cuối đời
Hơn 10 năm, bà sống và làm việc trong ngôi biệt thự 2 tầng do người Pháp thiết kế và thi công năm 1930, tọa lạc trên mảnh vườn rộng 2.650m2, một thời là Phòng Giáo dục TP. Huế, ngay phía sau Trường THPT Quốc học - Huế. Thời gian cuối đời, nơi đây, bà đã mở lớp dạy miễn phí cho nhóm trẻ mồ côi và trẻ khuyết tật, vẽ tranh và tạc tượng theo lối phối hợp các mô-đun (modules).
Nhìn từ sân tập thể dục Trường THPT Quốc học, cách biệt thự có một con đường Ngô Quyền nhỏ, mọi người có cảm giác biệt thự đã trên 80 năm tồn tại, vẫn không nhiều thay đổi, tĩnh lặng và cổ kính. Nhìn chung ngôi nhà dù sau nhiều lần tu sửa, vẫn không hề tách biệt với thế giới bên ngoài, tiếng trẻ thơ nô đùa từ Trường Tiểu học Vĩnh Ninh và trường Quốc học ngày ngày vang vọng lại cho hoa cỏ xanh tươi. Hàng cổ thụ tỏa bóng mát che chở cho căn nhà vườn, tô điểm cho lối đi được rải sỏi trắng. Những cánh cửa vẫn mở hàng ngày đón khách tham quan miễn phí, song chủ nhân đã đi vào cõi vĩnh hằng. Bà Điềm Phùng Thị qua đời tại ngày 21/1/2002, sau nhiều năm mắc bệnh tim mạch làm một phần cơ thể bị tê liệt.
Tại số 1 Phan Bội Châu, TP Huế này, năm 1993 bà đặt 150 tác phẩm. Năm 1996 bà mở lớp dạy nghệ thuật cho trẻ em câm điếc tại đây. Rồi lại vào Thành phố Hồ Chí Minh với sự hỗ trợ của Công ty Du lịch TP Hồ Chí Minh, bà mở một Nhà sáng tác và trưng bày tại làng Du lịch Bình Quới. Nhiều tác phẩm đã ra đời ở Bình Quới sau này được đưa về Huế, tuy vẫn chưa công bố.
Từ khi căn phòng của bà Điềm Phùng Thị khép chặt cửa, bàn thờ của bà vẫn nghi ngút khói hương nhờ sự chăm nom của nhân viên thuộc Phòng Văn hóa - Thông tin Huế và các du khách đến tham quan. Đa số các tác phẩm của bà, các cụm tượng đặt trong vườn (nay vẫn còn y nguyên), tạo nên vẻ đẹp đài các cho ngôi nhà. Đi vào phòng trưng bày, nhìn ngắm hơn 30 tác phẩm gồm tượng và cụm tượng của bà, người xem cảm thấy rõ hơn một tài năng đã thâu tóm trong tác phẩm của mình tinh thần văn hóa Á, Âu. Cả khối tài sản văn hóa quý giá của bà đã đem lại cho Huế một điểm sáng rực rỡ thu hút du khách, đặc biệt là người nước ngoài.
Nhà trưng bày tác phẩm Điềm Phùng Thị hiện nay ở TP Huế |
Được yêu mến và tưởng nhớ
Đã mười năm con phố Phan Bội Châu và ngôi nhà số 1 trên con phố này không còn được thấy bóng dáng quen thuộc của người nữ nghệ sĩ có mái tóc bạc phơ đi dạo trên xe lăn. Vẫn có một cái gì thật đôn hậu trong con người từng trải này. Để tỏ lòng kính trọng bà, ngôi nhà trưng bày được giữ nguyên như lúc nhà nữ điêu khắc tài ba còn sống. Khoảng 30 tác phẩm điêu khắc, tranh thêu và những đồ trang sức tinh xảo bằng kim loại quý hoặc gỗ được đưa ra trưng bày với công chúng, song mới chỉ giới thiệu được một phần nhỏ các tác phẩm bà đã sáng tạo trong suốt cuộc đời.
Cũng tại đây, lần giở tập catalouge “Nghệ thuật Điềm Phùng Thị” dày 267 trang được xuất bản năm 1997, công chúng được xem hầu hết các tác tác phẩm của bà, đặc biệt là rất nhiều tượng đang được dựng lên bên cạnh nhiều trường học, công viên, bảo tàng, bệnh viện... ở Pháp.
Sinh ra và lớn lên ở Huế, một vùng đất vừa hiền hòa, vừa dữ dội của sóng ngầm thét gào, rồi bà đã đi và sống rất nhiều nơi, đến tận Tây Nguyên hẻo lánh. Đó là những gì của tuổi thơ đầy biến động, buồn bã. Do vậy bà vào đời gay gắt và quyết liệt, mộng mơ và hy vọng cũng là thế. Sự phân liệt trong cảm xúc giằng xé nhau, đến đỉnh điểm, càng làm cho tài hoa phát lộ và phong phú. Người Huế còn nhớ tâm sự của bà: "Khi sáng tác, tôi đã hạnh phúc, đã đau khổ. Các tác phẩm điêu khắc đó bây giờ không còn thuộc về tôi, tôi trao chúng cho các bạn".
Những trăn trở nghệ thuật, những đam mê sáng tạo, của một nhân cách nghệ sĩ lớn, không chỉ thể hiện lên các tác phẩm, mà trên hết, chính là sự cống hiến như thế. Đến khi về Huế, bà đã dành nhiều thời gian cho trẻ thơ mồ côi và khuyết tật. Thực hiện tâm nguyện, bà đã chuyển theo toàn bộ số tác phẩm còn giữ lại ở Pháp với số lượng gần 300 tác phẩm lớn nhỏ, đa số là tượng.
Giờ đây, nếu có dịp đến thăm lăng Khải Định, đi thêm nửa cây số, lên một đồi thông ở thôn Châu Ê (xã Thủy Bằng, Hương Thủy, Thừa Thiên-Huế), trên đồi thông tĩnh lặng có mộ bà và chồng bên nhau. Như ước mơ, bà đã trở về với nơi chôn nhau cắt rốn và yên giấc ngủ nghìn thu. Hàng ngày, thường có những đoàn khách viếng mộ, đa số là các học sinh theo học các trường cao đẳng và đại học mỹ thuật trong nước.
Trong điêu khắc, Điềm Phùng Thị sang trọng như một “bà hoàng” nhưng những tác phẩm của bà lại rất bình dị, đối với mỗi người yêu nó. Tôi đã gặp ở ngôi nhà của bà rất nhiều học sinh, nhiều lứa tuổi: tiểu học, trung học... Các em hồn nhiên nhìn ngắm tác phẩm, tự gọi tên nó theo cách cảm nhận của mình: “Mẹ và con”, “Chị em”, “Anh em”... Cây đại thụ đã nằm xuống. Đã đi qua và để lại những kiệt tác đích thực, sáng chói, không chìm với thời gian. Sáng tạo ấy vẫn sừng sững soi bóng mát xuống cuộc đời. Được mãi mãi yêu mến và tưởng nhớ của mọi người!
Vũ Hào