Chỉ 9 phút sau, thủ phạm là một cựu chiến binh đã bị bắt giữ và bị kết án tử hình. Tưởng như vụ án đã đóng lại, nhưng rất nhiều giả thuyết được đưa ra xung quanh sự kiện này, có những giả thuyết vẫn còn giữ nguyên tính thời sự cho đến nhiều thập kỷ sau.
Bí ẩn hiện trường vụ nổ
Vụ nổ đã lấy đi sinh mạng của 168 người và làm 680 người bị thương, là vụ khủng bố tàn khốc nhất cho đến trước vụ khủng bố 11/9. Thực tế, vụ nổ mạnh đến nỗi làm hư hại hơn 300 tòa nhà trong phạm vi bán kính 16 dãy nhà lân cận. Toàn bộ 1/3 tòa nhà Liên bang Alfred P.Murrah biến mất, hiện trường để lại một hố sâu 2,4m, đường kính 9m. Gần 100 chiếc ô tô đỗ gần đó đã bị đốt cháy đến mức không thể nhận được ra. Vụ nổ gây thiệt hại ít nhất 652 triệu USD.
Trái bom chứa 2.200 kg ammoni nitrat và dầu, đặt trong một chiếc xe tải thuê. Theo những thông tin chính thức, vụ đánh bom nhằm trả đũa chính phủ Mỹ đã thực hiện cuộc bao vây đẫm máu gần Waco, Texas cách đó đúng 2 năm, trong đó 82 thành viên giáo phái Branch Davidian thiệt mạng. Hai kẻ được xác định là nhân vật chủ chốt của nhóm khủng bố này là Timothy McVeigh, một cựu chiến binh Mỹ, và Terry Nichols. Terry Nichols bị tuyên án chung thân với tội danh giết người và không bao giờ được ân xá. Kẻ đặt bom Timothy McWeigh bị tuyên án tử hình ngày 11/5/2001.
Cũng theo các nguồn chính thức này, thì McVeigh đã tự chế bom để thực hiện vụ tấn công, tuy nhiên, khó có thể tin rằng các thủ phạm có thể chế tạo được một trái bom có sức tàn phá khủng khiếp như vậy. Một số nhân viên quân sự cao cấp còn khẳng định rằng họ có những bằng chứng chứng tỏ rằng nguyên nhân của vụ nổ không phải là một trái bom tự chế.
Bằng chứng của kỹ thuật chế tạo bom cao cấp
Các nguồn tin chính thức cho rằng McVeigh đã chế tạo bom bằng phân bón và xăng tiêu chuẩn. Tuy nhiên, Ted Gunderson, một cựu nhân viên cao cấp dày dạn kinh nghiệm của FBI, đã thực hiện một cuộc điều tra độc lập về vụ việc này. Ông tin tưởng và công khai tuyên bố rằng có những bằng chứng cho thấy trong thảm họa Oklahoma, những kẻ âm mưu phải có “kỹ năng chế tạo bom cao cấp”. Đối với ông, mọi chỉ số đều cho thấy đây là một trái bom khí áp, hay còn gọi là “thiết bị nhiên liệu khí điện động lực học”.
Điều đáng nói là để chế tạo một thiết bị như vậy đòi hỏi phải có kiến thức về làm bom cao cấp, với những vật liệu nhất định. Gunderson cũng chỉ ra rằng trên trang phục mà McVeigh mặc vào ngày bị bắt có những dấu vết của PETN (thường gọi là penthrit), một trong những loại thuốc nổ mạnh nhất, nhạy nổ ma sát và nhạy nổ chấn động còn hơn cả TNT. Theo Gunderson, đây là nguyên liệu chính cho một trái bom khí áp.
Ông Gunderson cũng cho rằng ngay cả cách tòa nhà bị hủy hoại cũng gợi ý rằng đã có một số vụ nổ khác diễn ra bên trong tòa nhà. Nói tóm lại, McVeigh chỉ xuất hiện như một vai đóng thế, hay một người chịu trách nhiệm vào đúng thời điểm. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng thời gian McVeigh tại ngũ có thể đóng góp nhiều cho khả năng chế tạo bom của McVeigh, tuy nhiên, Gunderson không bị thuyết phục bởi cách phân tích này.
(Còn tiếp)