Vì sao Mỹ thờ ơ với Luật Chống khủng bố nội địa?

GD&TĐ - Ngày 2/10, nước Mỹ hứng chịu vụ xả súng đẫm máu nhất trong lịch sử - khoảng 60 người thiệt mạng và 400 người bị thương. FBI khẳng định kẻ xả súng không liên hệ với khủng bố quốc tế. 

Vì sao Mỹ thờ ơ với Luật Chống khủng bố nội địa?

Những vụ tấn công gây nhiều thương vong trên đất Mỹ trong thời gian qua đã khởi phát cuộc tranh luận về việc cần thiết xây dựng Luật Chống khủng bố nội địa.

Khủng bố được xét xử với tội danh khác

Những vụ tấn công trong mùa hè vừa qua nhằm vào những người biểu tình “chủ trương thượng đẳng da trắng” hay nhằm vào một cơ sở tuyển quân bỏ không của Không lực Mỹ tại Oklahoma có dấu hiệu của tấn công khủng bố nhưng đều không bị xét xử theo loại tội danh này.

Thậm chí mặc dù nhiều người trong lực lượng thực thi pháp luật coi những vụ việc trên là khủng bố nội địa thì lý do đơn giản không thể áp tội danh này là bởi: Luật không tồn tại.

Luật pháp Mỹ xác định một phần tử khủng bố khi có quan hệ với một thực thể nước ngoài, như các nhóm Hồi giáo hoặc khủng bố có danh khác. Các nhóm cực đoan nảy nở trong lòng nước Mỹ như tân Đức Quốc xã không bị dán nhãn khủng bố, kể cả khi chúng thực hiện những phương thức bạo lực và đe dọa tương tự.

Chính phủ nói chung xét xử những vụ việc này theo tội danh khác như giết người. Nhưng những vụ tấn công gần đây, trong đó có vụ loạn sát tại một nhà thờ ở Charleston, South Carolina, đã làm nảy sinh tranh cãi về việc nên có Luật Chống khủng bố nội địa hay không?

Giám đốc Cục Tình báo Trung ương Mỹ (FBI) Chris Wray gần đây giải trình trước Thượng viện rằng cho dù không bị xét xử với tội danh khủng bố thì những kẻ khủng bố nội địa vẫn phải đối mặt với những án phạt nặng tương tự - bao gồm cả tử hình - tương tự như xét xử khủng bố quốc tế.

Theo Wray thì việc xét xử theo tội danh hình sự “đơn giản hơn, dễ dàng hơn, nhanh gọn hơn và tốn phí nguồn lực ít hơn” so với tội khủng bố nội địa - trong khi thủ phạm vẫn phải nhận án phạt tương xứng với tội ác chúng gây ra.

Tránh cụm từ “khủng bố nội địa”

Timothy McVeigh đánh bom cao ốc liên bang tại thành phố Oklahoma năm 1995, vụ việc được coi là hành vi khủng bố tồi tệ nhất trên đất Mỹ vào thời điểm đó. Tên này bị toà án liên bang kết tội sử dụng vũ khí giết người hàng loạt và khiến 8 nhân viên thực thi pháp luật thiệt mạng trong vụ nổ làm chết tổng cộng 168 người. McVeigh bị hành hình năm 2001.

Theo luật sư của McVeigh thì cơ quan tư pháp đã tránh xử vụ này theo hướng hành vi khủng bố vì lo ngại những kẻ khác có thể học theo để “được” mang danh khủng bố.

Còn có một lí do thực tế hơn khi xét xử hành vi khủng bố dưới tội danh khác, đó là “hiệu quả”. Nhiều công tố viên muốn kết thúc nhanh xét xử thay vì có thể phải chuyển lên toà án liên bang. Một khi nghi phạm chính thức bị dán nhãn khủng bố, quá trình xét xử sẽ trở nên phức tạp và tốn thời gian lê thê.

Randall Law, tác giả cuốn “Chủ nghĩa khủng bố: Một lịch sử” nhìn nhận có yếu tố chủng tộc trong việc nhiều người dân Mỹ không mặn mà với Luật Chống khủng bố nội địa. Nhiều người Mỹ nghĩ rằng “những người có tên nước ngoài… và những người có màu da sẫm mang hệ tư tưởng nước ngoài” mới thực hiện những hành động khủng khiếp như vậy – Randall Law nói.

“Người Mỹ vẫn rất không thoải mái khi nói về “những kẻ khủng bố người Mỹ” và trong tâm tưởng họ vẫn mặc định khủng bố là những kẻ nước ngoài mọi rợ” – Law phân tích.

Vụ xả súng xảy ra đêm 1/10 (theo giờ Mỹ), đầu giờ chiều 2/10 (giờ Việt Nam) ở Khách sạn và Sòng bạc Mandalay Bay, Las Vegas, tại thời điểm có khoảng 40.000 người đang tham dự lễ hội âm nhạc. Nghi phạm Stephen Paddock, 64 tuổi, đã tự sát trước khi cảnh sát xông vào phòng khách sạn của đối tượng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.