Thụy Điển: Trục xuất lao động công nghệ tay nghề cao

Thụy Điển: Trục xuất lao động công nghệ tay nghề cao

Nhưng cũng chính tại đất nước này, các nhân viên công nghệ lành nghề đang lần lượt bị trục xuất. “Tôi có cảm giác mình giống như một kẻ phạm tội dù không hề phạm pháp”, một người phàn nàn.

Yêu cầu tổn hại tinh thần

Tại các nước yếu công nghệ, giữ chân nhân tài IT (Information Technology – công nghệ thông tin) là chuyện đương nhiên. Ngay trong các quốc gia đi đầu về công nghệ thông tin như Mỹ, Nhật Bản… người ta vẫn không ngừng “thu hút chất xám”. Chỉ riêng tại Thụy Điển, xu hướng quen thuộc này bị đảo chiều.

Sau ba năm làm chăm chỉ làm việc ở Thụy Điển, Ali Omumi, 38 tuổi, một trong các nhân viên IT chuyên nghiệp, lương cao người nước ngoài, đột ngột bị phát giấy trục xuất. “Đối với tôi và cả vợ tôi, đó là một cú sốc cực lớn”, Ali bộc bạch. Tại Thụy Điển, anh có nhà riêng, xe hơi, sống yên bình. Ali cũng đã tìm được nhà trẻ cho đứa con vừa mới biết đi của mình. Anh thậm chí còn đăng ký một khóa cải thiện kỹ năng trượt tuyết, sẵn sàng đón mùa đông năm 2019.

“Tôi có cảm giác mình giống như một tên tội phạm dù không hề phạm pháp. Tôi đến nơi này để làm việc và luôn nghiêm chỉnh đóng thuế đàng hoàng”, Ali tiếp tục.

Ở châu Âu, Thụy Điển là một trong những quốc gia nghèo tài năng công nghệ nhất. Họ luôn thiếu thốn sinh viên IT tốt nghiệp, thành ra phải tuyển dụng lao động công nghệ tay nghề cao từ nước ngoài. Mỗi năm, đất nước này tuyển hàng nghìn người xin việc IT ngoại quốc. Nhiều trong số các lao động nhập cư có ý định sống và làm việc tại Thụy Điển lâu dài.

Không ít người còn xây dựng được cuộc sống ổn định, có mối quan hệ xã hội vững chắc. Và rồi đột ngột, tất cả đều phải đối mặt với nguy cơ bị trục xuất. Mối “đe dọa” này khiến 81% lao động nước ngoài luôn trong tình trạng bất an. Gần 70% nhất trí xem Thụy Điển là “điểm đến tệ nhất”, khuyên người xin việc bên ngoài đừng nên đặt hy vọng vào.

Lý do trục xuất vụn vặt

Thụy Điển là quốc gia dễ sống, nhưng khó chịu với lao động nước ngoài
 Thụy Điển là quốc gia dễ sống, nhưng khó chịu với lao động nước ngoài

Ở trường hợp của Ali, anh bị Cơ quan Nhập cư Thụy Điển từ chối đơn gia hạn giấy phép lao động. Nguyên nhân là vì công ty phần mềm mà Ali từng làm việc trước đó đã mắc một lỗi nhỏ trong khâu đăng ký bảo hiểm lao động, dẫn đến cung cấp gói bảo hiểm không chính xác.

Để nhập cư và làm việc tại Thụy Điển, lao động IT nước ngoài buộc phải xin cấp giấy phép lao động và thị thực trước. Khi thị thực hoặc giấy phép lao động hết hạn, thì phải làm đơn xin phép gia hạn. Nhưng cũng chính tại thời điểm họ xin gia hạn, Cơ quan Nhập cư Thụy Điển sẽ “soi” kỹ từng milimet các giấy tờ có liên quan. Chỉ cần một lỗi “nhỏ như con kiến”, người lao động nhập cư cũng bị gửi giấy trục xuất. Ngoài vấn đề bảo hiểm, Cơ quan Nhập cư Thụy Điển còn “soi” các lỗi như thanh toán lương hưu không chính xác, thời gian xin nghỉ làm quá ít hay quá nhiều, có hay không đăng ký tuyển dụng thông qua dịch vụ tuyển lao động trực tuyến LinkedIn của Thụy Điển…

Đến cả người Thụy Điển cũng thấy mệt mỏi vì sự khắt khe của Cơ quan Nhập cư. Vào năm 2016, khi một nhân viên IT tài năng gốc Pakistan bị trục xuất, hơn 10.000 người đã ký bản kiến nghị phản đối. Doanh nhân và tỷ phú công nghệ của Thụy Điển, Daniel Ek cũng góp một chữ ký. Ông cho biết, 15 nhân viên IT trong Tập đoàn Spotify của mình cũng đang trong tình trạng có khả năng bị “mời về quê hương”.

Đầu năm 2019, Phòng Thương mại Stockholm cảnh báo, trục xuất lao động IT tay nghề cao có thể sẽ gây thiệt hại nặng cho nền kinh tế của thủ đô. Ngoài ra, hành động này còn làm xấu danh tiếng của Thụy Điển trên thị trường lao động quốc tế.

Thủ tục nhiêu khê, cứng nhắc

Ali Omumi, lao động nước ngoài tại Thụy Điển bị trục xuất vì lỗi thủ tục bảo hiểm của công ty
Ali Omumi, lao động nước ngoài tại Thụy Điển bị trục xuất vì lỗi thủ tục bảo hiểm của công ty 

Năm 2015, Cơ quan Nhập cư Thụy Điển từng đưa ra lời giải thích. Họ cho biết, từ chối gia hạn giấy phép lao động là vì lợi ích của lao động người nước ngoài, ngăn chặn trường hợp họ bị trả lương thấp hay chủ lao động bóc lột. Tuy nhiên, thay vì bảo vệ quyền lợi của lao động nhập cư, Cơ quan Nhập cư lại tìm mọi lý do “đuổi” họ về nước. Những lỗi hành chính nhỏ nhặt trở thành “to như con voi”. Vào năm 2017, hơn 1.800 lao động nhập cư bị từ chối gia hạn thời gian làm việc.

Hai năm trở lại đây, Cơ quan Nhập cư cho phép lao động nước ngoài bị trục xuất đệ đơn phản kháng. Có điều, số người thắng kiện rất hiếm. Năm 2019, có 550 trường hợp đệ đơn bị thua kiện, trong đó có Ail và khoảng 50 lập trình viên IT lành nghề.

“Tôi vẫn hy vọng, các vụ kiện kiểu này sẽ khiến giới lập pháp của Thụy Điển phải suy nghĩ lại”, Ali lên tiếng, “để sửa đổi và có những điều chỉnh tốt hơn, cho phép nhân tài ngoài biên giới tiếp tục đến đây, ở lại làm việc lâu dài”.

Lao động nhập cư ở Thụy Điển luôn phải đối mặt với nguy cơ bị trục xuất
Lao động nhập cư ở Thụy Điển luôn phải đối mặt với nguy cơ bị trục xuất

Cơ quan Nhập cư của Thụy Điển không mấy do dự. Họ khẳng định sự có mặt của mình là vì mục đích duy trì quy định pháp luật. Về tác động tiêu cực tiềm tàng của quyết định trục xuất, họ trả lời sẽ không suy đoán hay quan tâm tính đến. Lao động nhập cư ở Thụy Điển vì thế vẫn “như ngồi trên đống lửa”.

“Tôi buồn bã vô cùng”, Zena Jose, nhà phát triển web đến từ Ấn Độ đang chờ phán quyết cho kháng cáo vì bị từ chối gia hạn thị thực, nản lòng nói, “tôi chẳng làm gì sai cả, nhưng tôi vẫn là người phải trả tiền cho những thứ nhập nhằng này”.

Trong thời gian đợi quyết định của tòa án, Zena cũng không thể quay về nước (thiếu giấy tờ hợp lệ). Năm mới đã ngay trước mắt mà cô vẫn phải ngồi im ở “đất người”. “Gần một năm rồi, tôi chưa gặp lại người thân, bạn bè… Thật khó chịu vô cùng”, cô ấm ức.

Riêng Aniel Bhaga, 34 tuổi, đến từ Australia thì không có ý định trở về quê hương. Anh đã sống ở Thụy Điển lâu, có gia đình, bạn bè và mạng lưới quan hệ xã hội sâu rộng. Dù vậy, Aniel vẫn bắt buộc phải quay lại Australia. Cuộc chiến pháp lý kéo dài suốt 3 năm của anh đã kết thúc trong thua kiện. Hiện tại, Aniel đang ở nhờ nhà cha mẹ tại thành phố Brisbane (Australia). Anh phải chờ công ty cũ ở Thụy Điển duyệt đơn xin việc lại, và Cơ quan Nhập cư chấp nhận thị thực mới. Tuy phiền phức và bực bội nhưng biết làm sao. Mọi thứ Aniel có và cần vẫn nằm ở Thụy Điển.

Theo BBC

Tin tiêu điểm

Hệ thống HIMARS của Ukraine sẽ được sử dụng để phóng ATACMS.

Canh bạc nguy hiểm với ATACMS

Thế giới
GD&TĐ - Theo chuyên gia quân sự kỳ cựu Nga, Andrey Koshkin, hệ thống phòng thủ nhiều tầng của Moscow luôn sẵn sàng đánh chặn mọi tên lửa, kể cả ATACMS tầm xa.

Đừng bỏ lỡ

AFC khen cổ động viên U23 Indonesia

AFC khen cổ động viên U23 Indonesia

GD&TĐ - Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) hết lời khen ngợi Indonesia sau khi gây địa chấn hạ Hàn Quốc để vào bán kết U23 châu Á 2024.