Việc mở rộng Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương đã chấm dứt thời kỳ trung lập của các quốc gia Bắc Âu, đồng thời làm phức tạp thêm tình hình chiến thuật, tác chiến và chiến lược đối với Lực lượng vũ trang Liên bang Nga.
Sau khi Phần Lan gia nhập NATO vào ngày 4 tháng 4 năm 2023, tổng biên giới trên đất liền của khối quân sự phương Tây với Nga đã tăng gấp đôi và đạt 2.600 km.
Trong tương lai không xa, khi NATO kết nạp thêm Thụy Điển - vấn đề được cho là chỉ mang tính thời gian, Biển Baltic sẽ thực sự biến thành một vùng nước nội địa của Liên minh.
Hạm đội Baltic của Hải quân Nga sẽ bị NATO khóa chặt trong cảng. |
Nga chỉ kiểm soát hơn 7% đường bờ biển ở Baltic. Đồng thời khu vực đề cập được chia thành hai vùng (Kaliningrad và Leningrad). Hơn nữa, khoảng cách giữa các khu vực nói trên của Nga là khoảng 550 hải lý, hầu như sẽ bị đối phương khóa chặt.
Do vậy Hạm đội Baltic của Hải quân Nga dự kiến sẽ đối diện tình thế rất khó khăn.
Theo các chuyên gia, với bất kỳ sự căng thẳng nào diễn ra ở vùng biển này, Nga có thể quên đi việc cơ động tàu mặt nước và tăng cường sức mạnh cho hạm đội Baltic khi Estonia và Phần Lan với sự trợ giúp của tên lửa chống hạm đã chặn hoàn toàn lối ra vào.
Đường đi của các tàu thuộc Hạm đội Baltic ra biển khơi sẽ chỉ có thể kéo dài đến cự ly bao phủ của "chiếc ô" phòng không mặt đất.
Nhưng Ba Lan và Latvia đã quyết định trang bị cho mình tên lửa chống hạm NSM do Na Uy sản xuất, đây là vũ khí rất lợi hại và Nga chưa đủ khả năng vượt qua sự kiềm tỏa của nó.
Vấn đề cần nhấn mạnh nữa đó là ngay cả hiện tại, rõ ràng NATO vẫn mạnh hơn Nga ở Baltic, nếu chúng ta chỉ tính đến các hệ thống vũ khí thông thường, tức là phi hạt nhân.
Tuy nhiên trong trường hợp xảy ra xung đột, không loại trừ khả năng Liên bang Nga sẽ phải sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật, lúc này viễn cảnh "cuộc chiến không người thắng" lại được đặt ra!