Sáng nay (19/5) tại huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh, Bộ NN&PTNT, UBND tỉnh Tây Ninh, Tập đoàn De Heus (Hà Lan) và Tập đoàn Hùng Nhơn phối hợp tổ chức chuỗi sự kiện: Lễ công nhận vùng an toàn dịch bệnh tại tỉnh Tây Ninh và công bố kế hoạch xuất khẩu sản phẩm gia cầm sang thị trường Halal; Lễ công bố 7 dự án đầu tư trọng điểm trong lĩnh vực nông nghiệp giai đoạn 2025-2030...
Tham dự sự kiện có ông Trần Lưu Quang - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ.
Phát triển ngành chăn nuôi theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho hay, chuỗi sự kiện tại Tây Ninh dịp này (khánh thành Khu chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao DHN Tây Ninh; Khởi công 7 dự án trọng điểm chuỗi tổ hợp Khu nông nghiệp công nghệ cao DHN Tây Ninh; Công bố các vùng an toàn dịch bệnh cúm gia cầm tại tỉnh Tây Ninh và công bố kế hoạch xuất khẩu gia cầm sang thị trường Halal) có ý nghĩa quan trọng.
Lễ công nhận vùng an toàn dịch bệnh tại tỉnh Tây Ninh và công bố kế hoạch xuất khẩu sản phẩm gia cầm sang thị trường Halal. Ảnh: Ng.Vy. |
Thứ nhất, thể hiện nỗ lực và quyết tâm trong quá trình tái cơ cấu, định hình lại ngành chăn nuôi của tỉnh Tây Ninh theo xu hướng phát triển của nông nghiệp bền vững, tích hợp đa giá trị.
Thứ 2, hình thành và khẳng định thành công của mô hình mẫu: Chuỗi liên kết De Heus, Hùng Nhơn sau 10 năm thành lập và mang lại giá trị tốt đẹp cho các bên tham gia, đối tác và nền nông nghiệp Việt Nam.
Thứ 3, mở đường cho sự kết nối quốc tế và chinh phục các thị trường khắt khe, khó tính trên toàn thế giới.
Thứ 4, chuỗi sự kiện đánh dấu bước chuyển mình mạnh mẽ trong việc thúc đẩy nền nông nghiệp chăn nuôi công nghệ cao và thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm nông sản, góp phần từng bước công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo chiến lược phát triển nông nghiệp, phát triển chăn nuôi đã được Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến. Ảnh: Ng.Vy. |
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cũng chia sẻ cảm xúc phấn khởi và tự hào trước vị thế của Hùng Nhơn, một trong những doanh nghiệp nông nghiệp có đủ tiềm lực và khả năng hợp tác với tập đoàn nông nghiệp hàng đầu thế giới là De Heus.
“Giá trị cốt lõi của sự kiện không chỉ là hoạt động tái cơ cấu, định hình lại ngành chăn nuôi của tỉnh Tây Ninh, mà còn là hình mẫu của mô hình phát triển ngành chăn nuôi theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa”, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT khẳng định.
Các đại biểu thực hiện nghi thức bấm nút khánh thành giai đoạn 1 của dự án. Ảnh: Ng.Vy. |
Ông Nguyễn Thanh Ngọc - Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh cũng đánh giá chuỗi tổ hợp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao DHN Tây Ninh của 2 Tập đoàn De Heus và Hùng Nhơn là một trong những dự án được lãnh đạo tỉnh quan tâm và hết sức ủng hộ, bởi đây là dự án áp dụng 100% công nghệ cao theo tiêu chuẩn quốc tế của Hà Lan, Đức, và Bỉ.
Bên cạnh đó, dự án cũng áp dụng các biện pháp thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng trong chăn nuôi, trồng trọt theo hướng hữu cơ đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của Việt Nam và các tổ chức quốc tế chuyên ngành.
Sắp có dự án kinh tế tuần hoàn 2.000 tỷ đồng
Nói về lý do Tập đoàn De Heus chọn Tây Ninh là địa phương trọng điểm đầu tư, ông Gabor Fluit - Tổng Giám đốc toàn cầu De Heus đánh giá Tây Ninh có nhiều tiềm năng và thế mạnh trong thu hút vốn FDI, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Theo ông Gabor Fluit, Tây Ninh là địa phương có hàng loạt lợi thế để xây dựng, đầu tư các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như: Nằm trong vùng Đông Nam Bộ, làm vị trí cầu nối giữa TPHCM và Campuchia. Trong tương lai, Tây Ninh sẽ đón nhận các dự án giao thông quan trọng như cao tốc TPHCM - Mộc Bài, cao tốc Gò Dầu - TP Tây Ninh - Xa Mát, đường Hồ Chí Minh.
Cũng tại chuỗi sự kiện, đại diện UBND tỉnh Tây Ninh, Hùng Nhơn và Công ty ORVIA Việt Nam đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác (MoU) đầu tư phát triển sản phẩm vịt giống, vịt thịt và sản xuất phân bón hữu cơ đạt chuẩn Organic USDA/EU, xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi.
Cụ thể, dự án được chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 (2025-2027) sẽ xây dựng nhà máy ấp con giống hiện đại, công nghệ cao có diện tích khoảng 2 ha, cung cấp cho thị trường 1,2 triệu sản phẩm vịt giống/năm và nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ đạt chuẩn Organic USDA/EU có diện khoảng 20-30 ha sử dụng 30.000-50.000 tấn nguyên liệu từ hoạt động chăn nuôi tại địa phương để sản xuất và cung cấp cho thị trường khoảng 120.000-150.000 tấn phân bón hữu cơ và vi sinh/năm.
Giai đoạn 2 (2027-2030) sẽ đầu tư xây dựng các trang trại chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích 80 ha, cung cấp khoảng 4 triệu sản phẩm vịt giống và 18 triệu sản phẩm vịt thịt mỗi năm cung ứng cho thị trường trong nước và xuất khẩu sang thị trường Halal và quốc tế.
Tổng vốn đầu tư cho toàn bộ dự án này là 2.000 tỷ đồng.