Thưởng, phạt tích cực giúp con tiến bộ

GD&TĐ - Nhằm động viên khuyến khích cũng như rèn giũa trẻ, nhiều thầy cô giáo và phụ huynh cũng đã áp dụng các hình thức thưởng và phạt. Tuy nhiên vấn đề đặt ra là làm thế nào để hướng tới môi trường giáo dục thân thiện, tích cực.

Thưởng, phạt tích cực giúp con tiến bộ

Thưởng, phạt chưa thuyết phục

Bày tỏ về quan điểm thưởng và phạt, chị Mai Anh khu tập thể Trung Tự (Hà Nội) cho biết: Để dạy trẻ thì bố mẹ hay thầy cô không chỉ đưa ra phần thưởng để động viên khi trẻ làm được việc tốt, mà cũng nên có cả hình thức phạt. Ở gia đình mình, chị đã có những quy định về học tập cũng như nề nếp sinh hoạt chung.

Nếu trót vi phạm, tùy theo mức độ các con sẽ phải tự nhận lấy mức phạt của mình. Nhẹ thì phạt về thời gian xem truyền hình hoặc giờ chơi tự do.

Nặng hơn, con sẽ không được đi chơi cuối tuần. Theo chị, thưởng hay phạt thế nào cũng phải để con hiểu được sai lầm của mình và sửa chữa khuyết điểm. Nhưng có những hình thức phạt chưa hẳn đã mang lại hiệu quả giáo dục tốt.

Chia sẻ mà cô bạn thân của chị tâm sự khiến chị và các đồng nghiệp không khỏi nghĩ ngợi: Vì học sinh quên không soạn sách vở, nên cô giáo của con đã yêu cầu học sinh phải chép phạt 50 dòng:

“Từ nay em xin hứa không quên vở nữa”. Khổ là bài tập đã nhiều, con bò ra làm chưa xong, lại thêm cả bài chép phạt nữa nên nó làm xong thì ngủ gục, chả còn thời gian xếp sách vở cho cẩn thận, hôm sau... lại quên!”.

Hay có chuyện, vì con quên mặc đồng phục mà giáo viên chủ nhiệm đã gọi điện cho phụ huynh yêu cầu phải mang đồng phục tới trường cho con.

Phụ huynh cũng muốn thực hiện theo yêu cầu của nhà trường, để con phải rút kinh nghiệm không tái phạm nữa. Nhưng rất tiếc chị đang ở quá xa, về nhà cũng không kịp. Vô hình trung hình phạt này cũng không khả thi.

Để trẻ nhận ra khuyết điểm

Câu chuyện của cô bạn tôi là Việt kiều sống ở Úc về chuyện thưởng, phạt trong trường học không chỉ thú vị, mà quan trọng là trẻ con nhận thức được sai lầm của mình để thay đổi. Con gái chị năm nay đang học ở bậc tiểu học, con thường xuyên kể cho chị nghe về chuyện trường, lớp.

Chị tâm sự: Ở trường của con chị, khi trẻ mắc lỗi chúng vẫn bị phạt và có nhiều hình thức khác nhau. Ở mức độ đầu tiên trẻ sẽ phải ngồi trật tự ở góc lớp và suy nghĩ về những cái sai của mình cho đến khi hiểu ra. Mức độ thứ hai nếu lỗi nặng hơn, hoặc không rút kinh nghiệm trẻ sẽ bị cấm ra ngoài trong các giờ chơi.

Con gái chị kể: “Với lỗi nặng hơn nữa, cô sẽ bắt ngồi trong lớp viết một câu chuyện hoặc vẽ một bức tranh về bạn ấy và cô. Mà cuối truyện hoặc trong bức tranh có kết cục là bạn làm cô vui, cả 2 cùng cười tươi.

Ở mức phạm lỗi thứ 4, cô giáo sẽ nhờ 2 bạn học sinh của lớp dẫn bạn đó sang ngồi học ở một lớp khác. Cho đến khi cô giáo bên lớp kia thông báo cho cô của con là bạn ấy ngoan rồi, cô lại cử 2 bạn sang đón bạn ấy về.

Hình phạt thứ 5 là cô gửi bạn đó lên ngồi học trên phòng thầy hiệu trưởng cả buổi luôn. Hình phạt này là đáng sợ nhất. Vì ai cũng sợ thầy hiệu trưởng. Nếu bạn nào bị gửi lên thầy mấy lần mà chưa tiến bộ thì sẽ bị phạt ở mức thứ 6 là thầy đình chỉ học 3 ngày. Mà mắc lỗi này thì về nhà sẽ bị bố mẹ xử lý đấy ạ”.

Về chuyện thưởng của trẻ cũng có nhiều mức khiến trẻ rất thích thú khi được động viên. Theo lời cô bạn, tại góc lớp của con chị thầy giáo có một cái đệm nhỏ và gối. Bạn nào siêu ngoan, làm bài nhanh được thưởng 10 phút nằm thư giãn. Ngoài ra thầy còn thưởng cho 10 phút chơi iPad, thưởng kẹo, tẩy, bút chì và nhiều thứ “linh tinh” khác…

Theo chị với cách thưởng hay phạt như vậy khá phù hợp với trẻ ở độ tuổi tiểu học. Ở tuổi các con, dù là học văn hóa hay các kỹ năng hàng ngày đích đến là để trẻ thấy dễ tiếp thu và hứng thú.

Tuy nhiên khi trẻ có khuyết điểm cũng cần phải có cách giáo dục thích hợp phù hợp với lứa tuổi để các con hiểu ra khuyết điểm của mình. Quan trọng là trẻ phải được tôn trọng và tâm phục khẩu phục với cách thưởng, phạt mà người lớn đặt ra. Đó mới là cách giáo dục tích cực.

Việc đặt ra các hình thức phạt là nhằm đưa con trẻ vào khuôn khổ giúp các con hoàn thiện hơn. Song trên thực tế có những cách phạt khiến cho trẻ mệt mỏi, không nhận thức được khuyết điểm của mình. Đó là chưa kể gần đây người lớn đã có những hình phạt phản giáo dục như lăng mạ xúc phạm, bắt trẻ quỳ hay đánh đập trẻ…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Café chủ nhật: Cõi nhớ

GD&TĐ - Nắng đầu Đông yếu ớt hai ngày qua đã phải nhường chỗ cho đợt gió mùa tràn về.

Chuyên gia khuyến cáo bệnh nhân cao huyết áp nên ăn ít muối. (Ảnh: ITN)

Những cách tự nhiên giúp hạ huyết áp

GD&TĐ - Khi già đi, chúng ta cần đặc biệt chú ý đến huyết áp. Theo giới chuyên gia, chế độ ăn uống chắc chắn có hiệu quả trong việc kiểm soát huyết áp.