Thưởng - phạt nghiêm minh

GD&TĐ - Người lãnh đạo không phải nghi ngờ tất cả thuộc cấp, cũng nên tin vào cấp dưới của mình, nhưng tùy trường hợp và hoàn cảnh.

Trong cuốn hồi ký “Bác Hồ với công tác thi đua khen thưởng”, ông Tô Công, nguyên Phó Viện trưởng Viện Huân chương, nhắc lại chi tiết đáng để cho chúng ta suy ngẫm mỗi khi khen thưởng một cá nhân hay tổ chức nào đó.

Ông Tô Công kể: Tháng 8/1964, Viện Huân chương có trình Bác Hồ ký lệnh khen thưởng 225 Huân chương Lao động về thành tích thực hiện kế hoạch Nhà nước nhân dịp Quốc khánh 2/9 năm đó.

Thay vì ký duyệt theo danh sách mà Viện trình, Bác hỏi ngay: Các đồng chí kiểm tra kỹ chưa? Lãnh đạo Viện Huân chương báo cáo với Bác là chưa kiểm tra, chỉ tin tưởng vào báo cáo của các bộ và các tỉnh, thành phố mà thôi.

Nghe vậy, Người liền chấn chỉnh: “Bác tin ở Viện Huân chương. Viện không đi kiểm tra lại tin ở bộ, ở tỉnh. Nếu bộ, tỉnh nào cũng không đi kiểm tra, lại tin ở quận, huyện và quận, huyện cũng không đi kiểm tra thì từ Bác đến các cấp đều quan liêu. Ai bảo đảm để Bác ký khen thưởng cho đúng đây? Có công thì thưởng, có tội thì phạt. Thưởng phạt phải nghiêm minh. Khen cái nào đích đáng cái ấy”.

Nói xong, Bác chỉ thị kiểm tra 3 đơn vị. Kết quả, cả 3 đều có khuyết điểm nghiêm trọng. Thế là, Người chỉ thị cho các bộ và tỉnh kiểm tra lại toàn bộ hồ sơ của 225 cá nhân và đơn vị trong danh sách được đề xuất. Cuối cùng, chỉ có 1/2 đơn vị và cá nhân đủ tiêu chuẩn được khen thưởng mà thôi.

Giả dụ như hôm ấy, Bác Hồ chỉ tin cấp dưới trình lên rồi ký thì một nửa cá nhân và đơn vị được nhận khen thưởng quả là không xứng đáng. Điều này sẽ tạo sự nghi ngờ có tiêu cực chạy chọt gì đó ở cấp dưới khi đệ trình và một nửa số Huân chương Lao động kia đã không có giá trị gì.

Qua sự việc trên, Bác Hồ muốn nhắn nhủ với các cấp lãnh đạo rằng, cần phải thật sự sâu sát tận cơ sở, không nên nghe những báo cáo suông để rồi phải “ký nhầm”, không chỉ là việc khen thưởng, mà còn bao nhiêu thứ khác nữa. Ở nhiều trường hợp, vì cả tin vào cấp dưới nên dẫn đến bao hệ lụy khó lường.

Người lãnh đạo không phải nghi ngờ tất cả thuộc cấp, cũng nên tin vào cấp dưới của mình, nhưng tùy trường hợp và hoàn cảnh. Bác bận trăm công ngàn việc nhưng vẫn không “bỏ qua” bất cứ chuyện gì mà Người cảm thấy cần phải kiểm tra, và không được quan liêu.

Trong những năm qua, có những thời điểm, việc khen thưởng từ Bằng khen, Huân chương các loại, thậm chí danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, có nhiều trường hợp cũng chưa thật sự chuẩn xác. Vì có những người vừa mới năm trước nhận danh hiệu, năm sau đã vướng tai tiếng tiêu cực, thậm chí phải vào vòng lao lý.

Sở dĩ có những hiện tượng như vậy là vì nhiều tổ chức và cá nhân còn quá quan liêu, thiếu đi sự kiểm tra hoặc “hỏi lại cho kỹ” trước khi khen thưởng như cách mà Bác Hồ đã hỏi lãnh đạo Viện Huân chương như đã dẫn ở trên.

Học tập phong cách đạo đức Hồ Chí Minh không chỉ là học về sự trong sáng, hết lòng vì dân vì nước, học về sự lịch lãm trong việc ứng xử và xử lý ở nhiều tình huống của Bác mà ngay trong câu chuyện tưởng chừng nhỏ như việc khen thưởng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.