Những củ ấu đen hình tam giác, hai đầu có gai nhọn đã trở thành một phần ký ức tuổi thơ. Đó là những ngày mà đồ ăn vặt của trẻ con là giây phút hồi hộp đợi mẹ đi chợ về, chia cho mấy chị em khi thì cái bánh đa vừng giòn, khi thì quả ổi, quả thị… Nhưng món quà cô em út thích nhất vẫn là những củ ấu gai xinh xinh chỉ mùa Đông ken mới có.
Làng Đắc, Quốc Tuấn (Kiến Xương, Thái Bình) ngày ấy trồng ấu rất nhiều. Có lần, tôi và lũ bạn lon chon lội bờ đầm vớt trộm chúng về để thả vào con ngòi trước cửa nhà. Tôi bị trơn trượt bẩn áo quần về mẹ mắng một trận mà vẫn không chừa. Lần sau, đám trẻ con nhí nhố ấy còn mang theo que dài khều tiếp mấy cây ấu già phía xa.
Tôi không quên trồng giấu mẹ trong chậu sau nhà, ngày ngày ra trò chuyện cùng để cây nhanh ra hoa, ra củ. Chờ mong mãi nó cũng có hồi đáp nhưng hoa và củ ấy chỉ để ngắm vì sớm hỏng. Cũng phải thôi, sống trong chậu nước bé nhỏ, không có bùn thì củ gắng đâm ra và tạo hình hài như thế là nỗ lực lắm rồi!.
Chẳng mấy mà đống củ ấu chị bán hàng vừa đổ ra đã vội vơi. Thế đó, chẳng riêng gì tôi mà các bà, các chị cũng “nhớ thương” ký ức tuổi thơ. Họ thắc mắc sao hai cái gai của ấu nhìn chẳng “hiên ngang” nữa? Chị bán hàng được dịp lớn tiếng: Theo thị hiếu, ấu cũng được lai giống để gai tù cho dễ ăn, củ ấu chắc mập và nhiều “thịt” hơn.
Luộc ấu là việc đơn giản nhất trần đời. Chỉ cần rửa sạch, bắc bếp đun sôi chừng nửa tiếng là chín. Khéo tách đôi cái vỏ đen là sẽ gặp “nhân” trắng ngà nằm gọn phía trong. Ngòn ngọt, thơm thơm, bùi bùi – vẫn cái vị xưa ấy, thật vui miệng.
Đến củ cuối cùng thì vành môi của cô con gái cũng vừa kịp đen nhẻm như chú hề, tự soi gương tự cười như nắc nẻ. Bà mẹ liền hòa cùng niềm vui ngộ nghĩnh ấy mà quên đi cơn bực mình trước đống vỏ lung tung. Thực là, thương nhau củ ấu cũng tròn!