Tận dụng đầm lầy, nông dân Thanh Hóa 'sống khỏe' nhờ củ ấu

GD&TĐ - Không chỉ phù hợp với thổ nhưỡng, cây Ấu còn tạo ra công ăn việc làm lúc nông nhàn cho bà con nông dân xã Vĩnh An (Vĩnh Lộc, Thanh Hóa).

Mùa thu hoạch củ ấu của nông dân xã Vĩnh An, huyện Vĩnh Lộc (Thanh Hóa). Ảnh: LT.
Mùa thu hoạch củ ấu của nông dân xã Vĩnh An, huyện Vĩnh Lộc (Thanh Hóa). Ảnh: LT.

Nông dân tất bật vào mùa thu hoạch

Trong tiết trời Thu mát mẻ những ngày đầu tháng 9, bà con nông dân xã Vĩnh An (Vĩnh Lộc, Thanh Hóa), lại tất bật ra đồng thu hoạch củ ấu. Trên những ruộng ấu rộng lớn và xanh ngát một màu, những người nông dân cần mẫn chèo thuyền bằng tôn thu lượm củ ấu.

Mùa thu hoạch củ ấu ở Vĩnh An thường bắt đầu từ tháng 7 đến tháng 9 Âm lịch hàng năm.

Mùa thu hoạch củ ấu thường kéo dài khoảng 2 tháng trong năm. (Ảnh: LT).

Mùa thu hoạch củ ấu thường kéo dài khoảng 2 tháng trong năm. (Ảnh: LT).

Theo bà con nông dân, nghề trồng ấu đã có từ lâu đời tại Vĩnh An do phù hợp với đất đai thổ nhưỡng. Cây ấu thường được trồng từ tháng 2 Âm lịch hàng năm trên các đầm nước hoặc ao hồ, với mực nước sâu từ 0,5 đến 2m.

So với cây lúa hay các loại hoa màu khác, cây ấu tốn ít công và không phải chăm bón nhiều. Chỉ khi nào ruộng ấu xuất hiện con bọ dừa sinh sản, chúng ăn lá phá hoại cây thì mới phải phun thuốc bảo vệ thực vật. Sau khoảng 4 tháng rưỡi sinh trưởng và phát triển, cây ấu bắt đầu cho thu hoạch.

Cần mẫn chèo thuyền thu hoạch củ ấu, ông Trịnh Văn Mạnh (xã Vĩnh An), hồ hởi cho biết: Ấu là cây truyền thống nhiều đời nay của bà con nông dân xã Vĩnh An. Mùa thu hoạch củ ấu thường kéo dài khoảng 2 tháng trong năm. Điều đặc biệt, củ ấu ở Vĩnh An có vị thơm ngon, bở và bùi hơn so với các vùng khác.

Ông Trịnh Văn Mạnh (xã Vĩnh An) chèo thuyền thu hoạch củ ấu. (Ảnh: LT).

Ông Trịnh Văn Mạnh (xã Vĩnh An) chèo thuyền thu hoạch củ ấu. (Ảnh: LT).

“Việc trồng và thu hoạch ấu rất đơn giản, gần như không phải chăm bón gì nhiều. Quá trình thu hoạch cũng không vất vả, chỉ là ngồi trên thuyền liên tục trong nhiều giờ cũng đau lưng ê ẩm”, ông Mạnh phấn khởi chia sẻ.

Theo ông Mạnh, so với cây lúa hay ngô, củ ấu có giá trị kinh tế cao hơn nên những năm gần đây bà con địa phương trồng nhiều hơn. Tuy nhiên, năm nay sản lượng thu hoạch và giá cả có giảm so với mọi năm.

Hiện, giá củ ấu được thương lái thu mua ngay tại ruộng dao động từ 8.000 - 10.000 đồng/kg.

Mùa thu hoạch củ ấu không chỉ kéo dài mà còn thu hoạch được nhiều lần. (Ảnh: LT).

Mùa thu hoạch củ ấu không chỉ kéo dài mà còn thu hoạch được nhiều lần. (Ảnh: LT).

Sống khỏe mỗi vụ thu hoạch

Mặc dù, trồng cây ấu tốn ít công, song quá trình thu hoạch người nông dân phải chèo thuyền tôn, cần mẫn lượm từng củ ấu ẩn nấp dưới những tán lá xanh mơn mởn. Khi thu hoạch, bàn tay người nông dân thường xuyên ngâm dưới nước bùn. Củ ấu sắc nhọn còn có thể khiến họ rách tay, tứa máu.

Trung bình một sào ấu có thể cho thu hoạch từ 3-4 tạ củ ấu tươi. Ấu sau khi thu hoạch sẽ được rửa sạch và phân loại. Ngoài bán cho thương lái tại ruộng, nông dân còn đem bán tại các chợ quanh vùng.

Hiện xã Vĩnh An có khoảng 10ha diện tích trồng cây ấu, sản lượng trung bình đạt khoảng 8 tấn/ha. (Ảnh: LT).

Hiện xã Vĩnh An có khoảng 10ha diện tích trồng cây ấu, sản lượng trung bình đạt khoảng 8 tấn/ha. (Ảnh: LT).

Theo Nguyễn Văn Minh - Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh An, diện tích trồng ấu của địa phương hiện khoảng 10ha, với sản lượng đạt khoảng 8 tấn/ha. Toàn xã có khoảng 20 hộ dân trồng ấu.

“Trước đây, diện tích trồng ấu chủ yếu ở đầm nước trong khu danh thắng Kim Sơn (xã Vĩnh An). Tuy nhiên, những năm gần đây diện tích trồng ấu ngày càng mở rộng do được nhiều người biết đến, có thị trường tiêu thụ”, ông Minh thông tin.

Củ ấu sau khi thu hoạch được rửa sạch và phân loại trước khi đem bán. (Ảnh: LT).

Củ ấu sau khi thu hoạch được rửa sạch và phân loại trước khi đem bán. (Ảnh: LT).

Theo Phó Chủ tịch xã Vĩnh An, cây ấu phù hợp với những vùng đất sâu chiêm trũng, không như cây lúa hay các loại hoa màu khác. Đặc biệt, trồng ấu đã góp phần tạo công ăn việc làm cho bà con nông dân lúc nông nhàn, mùa thu hoạch cũng kéo dài và có thể thu hoạch được nhiều lần, giúp nhiều gia đình thoát nghèo.

Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là hầu hết các hộ dân mới cung ứng được sản phẩm thô; giá cả và thị trường tiêu thụ cũng chưa ổn định.

Củ ấu hay còn gọi là ấu trụi, ấu nước, kỵ thực… là loài cây thủy sinh, thân ngắn có lông, thường mọc ở vùng nước đọng vùng nhiệt đới. Tuy gọi là củ nhưng thực ra đây là một loại quả, vì nó phát triển dưới nước đến khi già thì rụng và vùi xuống bùn nên nhiều nơi quen gọi là củ.

Củ ấu ngoài được chế biến thành món ăn, còn được dùng làm thuốc. (Ảnh: LT).

Củ ấu ngoài được chế biến thành món ăn, còn được dùng làm thuốc. (Ảnh: LT).

Ở Việt Nam có nhiều giống ấu, loài được trồng ở Vĩnh An là ấu sừng trâu. Trong củ ấu có nhiều tinh bột, luộc chín ăn có vị bùi. Người dân thường ăn trực tiếp hoặc nấu lẩu, chè, hầm xương.

Ngoài chế biến thành các món ăn, củ ấu còn được sử dụng kết hợp với các vị thuốc trong việc hỗ trợ điều trị một số bệnh, như: Nhức đầu, cảm sốt, rôm sảy, giải độc rượu,...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hệ thống THAAD của Mỹ.

Kích hoạt vụ phóng Oreshnik mới

GD&TĐ - Theo Reuters, lực lượng tên lửa Nga có thể phóng tiếp tên lửa Oreshnik vào Ukraine, sau khi bị Kiev tập kích lãnh thổ bằng ATACMS.

Minh họa/INT.

Truyện ngắn: Hồi ức khó quên

GD&TĐ - Tôi từng nghĩ rằng mình có thể hóa thành một chiếc ô, chỉ dựa vào sức lực và ý chí của bản thân để che chở cho cả gia đình trước những cơn giông bão của cuộc đời.

Minh họa/INT.

Nhạc kịch Việt tự tin 'cất cánh'

GD&TĐ - Nhạc kịch 'Giấc mơ Chí Phèo' của Nhà hát Ca Múa Nhạc Thăng Long đang được khởi động bán vé cho suất công diễn cuối tháng 12.