Bánh đa của ngoại

GD&TĐ - Hễ đám nhỏ về quê là đã thấy ngoại mua sẵn những gói bánh đa Quỳnh Côi (Thái Bình) chờ đón.

Ảnh: Quốc Bình
Ảnh: Quốc Bình

Đồ ăn này không có gì đặc biệt, chỉ là bột gạo tráng cắt thành sợi, sấy khô và đóng gói khá đơn giản nhưng đám nhỏ đặc biệt thích thưởng thức khi được nấu cùng sườn hay xào với thịt bò.

Ở quê, hầu như bữa sáng nào bọn chúng cũng dài mồm nũng nịu: “Canh bánh đa, bà ơi”. Thế là, chỉ loáng cái bà ngoại đã bưng ra những bát bánh đa nóng hổi để thết đãi.

Tất nhiên, sườn vai đã được bà hầm từ trước, chỉ cần đun sôi đều rồi thả những sợi bánh đa khô có màu trắng đục vào chừng đôi phút và cắt rau thơm vào là xong.

Đám nhỏ khéo léo gắp từng đũa vừa chín tới còn gần như nguyên sợi, không bị vụn nát rồi khoan khoái thưởng thức cùng nước xương ngọt quyện trong hương hành hoa, mùi tàu.

Trước khi kết thúc kỳ nghỉ, chúng lại thì thầm nhờ bà mua giúp mấy gói để mang lên thành phố rồi được mẹ không chỉ nấu canh với nước xương hầm mà còn xào thơm phưng phức cùng những miếng riềm thăn bò vừa mềm vừa ngầy ngậy.

banh da cua ngoai (5).jpg
banh da cua ngoai (1).jpg
banh da cua ngoai (4).jpg
banh da cua ngoai (3).jpg
Ảnh: Quốc Bình.

Thi thoảng mẹ mới làm món xào vì nó khá cách rách: Phải cho bánh đa vào nước sôi trần qua và trong lúc xào cần nêm thêm nước xương hầm để sợi mềm ra, ngấm độ ngọt rồi mới cho thịt bò vừa xào tái cùng hành tây, đảo đều tay thêm chút nữa là được.

Mỗi lần thấy chúng rủ rỉ thế, mẹ nghiêm giọng căn vặn: “Trong siêu thị nào có thiếu, sao cứ phải là…”. Chúng đáp trôi chảy: “Ý mẹ nói về những gói mì chũ? Đúng là rất nhiều nhưng mẹ có thấy loại nào sợi bản to như thế này không?

Hoặc cũng có đấy nhưng nó dai vì cảm giác như được làm từ loại bột khác hoặc bột gạo pha chứ không nguyên bột gạo như bánh đa của ngoại. Đúng là nó khô giòn, dễ gãy vụn nhưng mẹ yên tâm, lên xe khách con sẽ phụ trách việc giữ gìn, không để vụn nát”.

Ngừng lời, đám nhỏ quay ra đón ánh mắt cười vui từ ngoại trong bóng chiều đang đổ…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ