Lương thấp, khó thăng tiến, khối lượng công việc nặng, lại phải chịu áp lực từ nhiều phía… đó chính là những lý do khiến nghề giáo viên mầm non khó giữ người cũ, kém thu hút người mới.
Làm việc quần quật sớm tối
Là một người có kinh nghiệm 8 năm gắn bó với nghề trông trẻ, chị Trần Thị Thanh Hương (36 tuổi, giáo viên một trường mầm non trên địa bàn phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ: “Nghề này không có chuyện làm việc theo giờ hành chính. Một ngày làm việc của chúng tôi thường sẽ bắt đầu từ 6 giờ sáng và kết thúc khi tất cả học sinh đều được phụ huynh đón về hết. Không ít trường hợp bất khả kháng như mưa bão, tắc đường, có cả khi phụ huynh… quên đón con, chúng tôi phải ở lại trông các em đến tối muộn cho dù theo quy định thì 5 giờ chiều sẽ được tan làm. Nhiều lúc nghĩ cũng tủi thân vì con mình thì phải nhờ ông, bà hoặc nhờ cả hàng xóm đón, còn mình thì…”.
Bà Nguyễn Thị Thu Giang (58 tuổi, quận Hà Đông, Hà Nội) là giáo viên mầm non đã nghỉ hưu có những chia sẻ chân thực về lịch làm việc kín mít của những cô trông trẻ: “Nhiều người vẫn nghĩ công việc của chúng tôi chỉ có trông nom, cho các em học sinh ăn, ngủ. Thực tế, khối lượng công việc của chúng tôi là rất lớn”.
Thông thường, mỗi lớp sẽ được nhà trường bố trí hai cô giáo phụ trách chính. Vào buổi sáng, công việc đầu tiên của các cô là vệ sinh lớp học để đón các bé. Nhiều khi phụ huynh bận rộn, không có thời gian cho con ăn sáng, họ mang đồ ăn đến lớp và các cô còn được “tin tưởng” nhờ cho trẻ ăn. Sau đó, các giáo viên sẽ tổ chức hàng loạt các hoạt động học tập và múa, hát, vui chơi cho các em. Đến trưa, các cô sẽ cho trẻ ăn và ngủ trưa. Đó là những lúc bình thường, còn vất vả nhất là lúc trong lớp có trẻ bị ốm, sốt, khóc, bỏ ăn, nôn trớ.
Bà Giang chia sẻ, cấp mầm non được tổ chức theo nhóm trẻ hoặc lớp mẫu giáo. Đối với nhóm trẻ sẽ bao gồm trẻ em từ 3 đến 36 tháng tuổi. Lớp mẫu giáo sẽ gồm các bé từ 3 - 6 tuổi. Các cô được phân phụ trách lớp 3 - 12 tháng tuổi sẽ vất vả gấp nhiều lần vì trẻ chưa quen với việc đến lớp. Nhiều bé quấy khóc đòi mẹ cả ngày, các cô phải thay nhau bồng bế, dỗ dành.
“Không đơn giản để chăm sóc 30 - 40 đứa trẻ cùng lúc. Cứ hình dung ở nhà bạn chỉ trông riêng con mình thôi mà nhiều lúc cũng đã đau đầu, cảm thấy cáu gắt rồi. Thế nhưng khi đi làm, dù có mệt mỏi đến đâu các cô cũng luôn phải tươi tỉnh, không được để cảm xúc cá nhân ảnh hưởng tới công việc.
Làm giáo viên mầm non đồng nghĩa với việc luôn phải chú ý, để mắt đến các em học sinh để đảm bảo sự an toàn. Nhiều trường hợp trẻ hiếu kỳ, nghịch ngợm bỏ đồ chơi vào miệng, nếu không kịp thời phát hiện và ngăn cản, các em sẽ bị hóc dẫn đến nghẹt thở, nguy hiểm tính mạng”, bà Giang chia sẻ.
Ảnh minh họa ITN. |
Kém hấp dẫn nhân lực
Em Nguyễn Thanh Tuyền (18 tuổi, quận Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ, bản thân là một người yêu trẻ con, luôn ấp ủ giấc mơ trở thành giáo viên mầm non. Vì vậy, Tuyền dự định sẽ thi vào ngành sư phạm mầm non của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Thế nhưng, dự định của Tuyền không được gia đình ủng hộ. Gia đình khuyên em theo học ngành khác. Sự phản đối của bố mẹ khiến cô gái trẻ không khỏi hoang mang.
Tuyền cho biết, người thân của em đã từng theo nghề giáo viên mầm non, song chỉ được vài năm thì bỏ việc để về nhà mở quán ăn. Lý do, công việc trông trẻ quá vất vả, lương lại thấp. Theo chia sẻ của Tuyền, lương giáo viên mầm non của người thân em tính cả phụ cấp, sau khi trừ bảo hiểm xã hội chỉ còn hơn 5 triệu đồng/tháng. Mức lương này thấp hơn lương của lao động phổ thông ở các khu công nghiệp và không đủ để chi trả mức sinh hoạt phí đắt đỏ tại thành phố.
Trên thực tế, lương khởi điểm hiện nay của giáo viên mầm non thấp nhất so với cấp học khác. Bình quân lương giáo viên mới vào nghề từ 1 - 5 năm là 5 triệu đồng/tháng. Đây cũng là một trong những lý do khiến nhiều người không thể “bám trụ” dù rất yêu nghề.
Là giáo viên mầm non đã nghỉ hưu, nhưng bà Thu Giang không muốn hai con gái của mình “nối nghiệp” mẹ. Bởi lẽ đã qua tuổi xế chiều, bà Giang cảm nhận được sức khỏe bản thân gặp nhiều vấn đề sau những năm gắn bó với công việc trông nom trẻ mà số tiền tích lũy chẳng có là bao.
“Khi còn trẻ tuổi, tôi chưa cảm nhận được nhiều, nhưng việc phải liên tục nói to, hát múa khiến giáo viên mầm non thường mắc các vấn đề về họng… Bản thân tôi cũng bị viêm dây thanh quản khá nghiêm trọng và đã phải phẫu thuật một lần. Bên cạnh đó, việc bồng bế các bé liên tục trong nhiều năm khiến cột sống của tôi thoái hóa, thường đau nhức mỗi khi trái gió trở trời. Đó chỉ là một trong số những vấn đề về sức khỏe mà tôi và các đồng nghiệp thường phải đối mặt. Nghề này quá vất vả”, bà Giang nói.
Với ngành lao động đặc thù này, tuy Nhà nước đã có những chính sách hỗ trợ tích cực, tạo điều kiện phù hợp với tình hình thực tế của các địa phương, song để giải bài toán “giữ chân” nguồn nhân lực cũ và thu hút nhân lực mới vẫn còn gian nan.